Một trong căn bệnh kì lạ nhất mà các bác sĩ tâm lý gặp phải khiến người bệnh muốn hủy hoại chính mình.
Có tên là Rối loạn toàn vẹn nhận diện cơ thể (BIID) hoặc xenomelia, căn bệnh này thường bao gồm mong muốn cắt bỏ một chi khỏe mạnh. Hiếm gặp hơn, nó có thể biểu hiện như một mong muốn được liệt hoặc mù.
Trong mọi trường hợp, người bệnh cảm thấy cơ thể của họ không hoàn chỉnh ở trạng thái đang có. Người bệnh không biểu hiện bệnh tâm thần nào khác.
Người bệnh có xu hướng giữ bí mật mong muốn của mình vì sợ bị đánh giá, điều này càng làm cho việc chẩn đoán thêm khó khăn. Người bệnh đồng ý rằng mong muốn của họ là kì lạ và phi lý, và trong nhiều trường hợp thậm chí vợ hoặc chồng của bệnh nhân cũng không biết. Người bệnh khổ sở bởi cảm giác rằng cơ thể của họ không đúng như đáng lẽ phải có, và bị đau đớn tột cùng bởi cảm giác này.
Một phần vì những bí mật này xung quanh BIID, các bác sĩ chưa biết nhiều về mức độ của bệnh. Những gì họ biết hiện nay là người bệnh không có cách "chữa trị" nào khác ngoài việc hủy hoại bản thân. Thuốc và tâm lý trị liệu thông thường không xóa bỏ được mong muốn này. Tuy nhiên, nghiên cứu gần đây cho chúng ta lý do để tin rằng điều này có thể sẽ sớm thay đổi.
Hiện nay, người bệnh BIID thường kết thúc tìm kiếm việc cắt cụt bằng những phương pháp cực đoan và nguy hiểm. Tính mạng bị đe dọa thường có vẻ dễ chịu đựng hơn sự đau khổ.
Đã có báo cáo về những bệnh nhân ngâm chân trong đá lạnh đến mức mà khi nhập viện, các bác sĩ không còn lựa chọn nào khác là phải cắt chân của bệnh nhân. Chỉ có hai ca phẫu thuật được thực hiện "hợp pháp" thực sự ở Scotland vào những năm 1990 tại một bệnh viện công ở Falkirk. Bác sĩ phẫu thuật sau đó đã phải điều trần trước một ủy ban đạo đức, và một quyết định đã được thực hiện để ngăn chặn bất kỳ ca mổ nào kiểu này về sau.
Kết quả là những người không tự cắt bỏ thường phải ra nước ngoài và trả tiền cho bác sĩ thực hiện phẫu thuật phi pháp - một trong những vụ ở Scotland là bệnh nhân nam đã bay từ Đức sang để mổ. Điểm đến được chọn thường là ở châu Á. Một nghiên cứu tại Mỹ năm 2005 cho thấy trong số 52 người được đưa vào nghiên cứu trong thời gian sáu tháng, 27% đã thử cắt cụt chi. Một nghiên cứu gần đây trên 21 bệnh nhân ở Đức cho thấy 47% đã đi ra nước ngoài để phẫu thuật. Hầu như chưa ai biết điều gì xảy ra ở các nước khác.
Nguyên nhân và hậu quả
Các bác sĩ không biết BIID đã có từ bao giờ, ngoại trừ báo cáo đầu tiên năm 1977. Nghiên cứu nhóm đầu tiên mới chỉ diễn ra năm 2005 và tình trạng này vẫn chưa được phân loại là một bệnh. Tuy nhiên, đã có một sự thay đổi quan trọng trong nhận thức về căn bệnh này.
Ban đầu được nghiên cứu như một bệnh tâm thần, song gần đây bệnh đã nhân được nhiều sự quan tâm từ chuyên ngành thần kinh.
Các bằng chứng nghiên cứu thần kinh bắt đầu cho thấy người bệnh bị rối loạn chức năng ở một số vùng của não liên quan đến biểu hiện của cơ thể. Mặc dù chưa có kết quả cuối cùng và không nên loại trừ thành tố tâm lý của bệnh, những phát hiện này là một bước tiến hữu ích.
Gần đây các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm trên người bệnh BIID một kỹ thuật được gọi là kích thích tiền đình calo. Kỹ thuật bao gồm kích thích các thụ thể tiền đình ở tai trái bằng một bơm tiêm nước lạnh với một ống mềm gắn vào đó. Kỹ thuật này thay đổi cách chúng ta thể hiện cơ thể, mặc dù đáng tiếc là nó là rất đặc hiệu và chỉ tác động lên một số thành phần của vùng não nghi ngờ. Đó có thể là lý do tại sao nó không có hiệu quả trong trường hợp này.
Tuy nhiên, có những phương pháp chưa được thử nghiệm liên quan đến tình trạng này. Một trong số đó là kích thích dòng điện trực tiếp qua sọ, một kỹ thuật không xâm lấn đưa dòng điện yếu vào bệnh nhân qua hai điện cực trên da đầu. Nó đã được sử dụng trong những năm gần đây để nghiên cứu cách người ta tự biểu hiện cơ thể mình và thay đổi mức độ ý thức của bệnh nhân tổn thương não về hành động của họ. Điều này gợi ý nó có thể khôi phục cảm giác cân bằng về cơ thể bao gồm tất cả các chi ở người bệnh BIID.
Tiếp đó là “minh họa hộp gương”, một kỹ thuật thay đổi nhận thức của chúng ta về hành động của cơ thể và mức độ mà nó tạo thành cơ thể. Kĩ thuật này bao gồm cho bệnh nhân nhìn hình ảnh phản chiếu của tay chân qua một chiếc hộp bằng một tấm gương.
Các nhà nghiên cứu đã chứng minh điều này có thể ảnh hưởng đến cảm giác kiểm soát hành động của một người, cũng như để giảm hoặc thậm chí xóa bỏ cảm giác “đau chi ma” mà một số bệnh nhân gặp phải sau phẫu thuật cắt cụt chi.
Vì vậy, trong khi các bác sĩ vẫn đang nghiên cứu để hiểu về căn bệnh rất khó này, cũng như phát triển các phương pháp điều trị, tin tốt là có lý do để lạc quan. Có thể một vài năm nữa, người bệnh sẽ tìm được cách điều trị hơn là sống với sự xấu hổ và mong muốn không ngừng làm hại chính mình.
Cẩm Tú
Nguồn: Dân Trí
Xem thêm video:
[mecloud]V1ZvLN1uzy[/mecloud]