(ĐS&PL) Nhìn những mớ cá, tôm, mực... trắng nõn nà, tươi ngon bày bán ở chợ, ít ai biết rằng tất cả đã trải qua một giai đoạn tẩm ướp bằng các loại hóa chất như: thuốc tẩy trắng, đạm urê và thậm chí là thuốc của Trung Quốc!
Bảo quản hải sản bằng chất cấm
Theo thông tin từ báo Hà Tĩnh, vào khoảng 16h chiều 29/9, phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Hà Tĩnh (PC49) vừa phát hiện một cơ sở kinh doanh hải sản trên địa bàn huyện Lộc Hà có hành vi sử dụng một loại thuốc cấm có xuất xứ từ Trung Quốc. Khi lực lượng PC49 tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất kinh doanh thủy sản tại Cảng cá Cửa Sót (xã Thạch Kim, Lộc Hà) do ông Nguyễn Thanh Trung (SN 1975, ở xã Thạch Kim) làm chủ thì phát hiện các nhân viên ở đây đang hòa một loại thuốc dạng ống vào nước để bảo quản sò biển.
Qua khám xét, lực lượng PC49 thu giữ 1 hộp thuốc ống thủy tinh màu trắng, bên ngoài ghi chữ Trung Quốc. Được biết, đây là một loại thuốc kháng sinh dùng để kéo dài thời gian bảo quản hải sản có tên đầy đủ là Chloramphenicol đã bị Bộ NN&PTNT đưa vào danh sách cấm sử dụng tại Thông tư số 08 ngày 25/2/2014. Theo khai nhận của ông Nguyễn Thanh Trung, loại thuốc này được một bạn hàng ở Móng Cái mua giúp, sau khi bảo quản thủy sản xong sẽ chuyển hàng ra Quảng Ninh và một số tỉnh phía Bắc tiêu thụ.
Hải sản ngâm vào trong nước có pha chất cấm. Ảnh minh họa |
Các chợ cũng tấp nập bán hải sản ngâm...hóa chất!
4h sáng, chợ cá Bến Đình, phường 5, TP.Vũng Tàu đã khá tấp nập người mua, kẻ bán. Tại đây, các vựa thu mua hải sản bắt đầu giao mối cho những người bán lẻ tại các chợ trong thành phố. Theo chân chị Phan Thị Hằng, một người bán cá tại chợ Vũng Tàu, trong vai người phụ việc, PV báo Bà Rịa - Vũng Tàu đã tận mắt những thủ thuật bảo quản hải sản rợn người.
Tới hàng tôm, chị Hằng mách nhỏ: “Số tôm đang nằm trong các bì, sọt kia là hàng lấy từ các tàu cá xuống. Một chút nữa sẽ được chủ vựa cho vào chậu nước có chứa urê để ngâm, sau đó mới cân cho mối”. Theo chị Hằng, ngâm tôm với urê giữ được màu sắc tươi lâu hơn. Chị cũng cho biết thêm, hầu hết các loại cá đều được “tráng đạm” trước khi mang ra chợ. Công nghệ “tráng đạm” này rất đơn giản, toàn bộ cá được các đầu nậu đưa từ biển về được nhúng vào thùng nước đá có pha đạm urê, sau đó vớt ra sạp bán cho khách hàng.
Rất khó phân biệt hải sản ngâm hóa chất bằng mắt thường. Ảnh minh họa |
Còn những loại cá vận chuyển lên thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh xa các đầu nậu phải rắc thêm đạm urê vào trong đá cây. Nhờ đó, 4-5 ngày sau, thậm chí cả tuần cá vẫn tươi. Chỉ tay vào sọt cá bạc má, khi nghe chị Hiền (một người bán cá ở chợ) chê “hàng không được ngon”, một chủ vựa vội đon đả: “Chuyến này biển động nên tàu ở lại lâu, nhưng em yên tâm, chị làm hàng rất kỹ rồi, dù không được ngon nhưng để đến ngày mai vẫn được, giá lại rẻ hơn so với thứ khác”.
Theo chị Hiền, các loại cá như: cá thu, cá dứa, cá ngừ…là bị ngâm urê ít nhất là 2 lần. Chưa kể, khi đi bán lẻ, bị ế buộc người bán phải ngâm thêm urê lần nữa. Tuy nhiên, so với việc ngâm hải sản bằng urê, thì việc dùng thuốc tẩy Javen, thuốc Trung Quốc để ngâm hải sản còn rợn người hơn.
Nhìn đống mực, bạch tuộc lấy từ ghe lên...đen thui một màu, nhìn chẳng muốn mua. Nhưng chỉ trong vòng 30 phút, dưới bàn tay của các đầu nậu bỗng trở nên trắng nõn, nhìn rất bắt mắt. Anh Nguyễn Văn Hoàng, một thợ gánh thuê cho biết, do trong con mực có mật đen nên nếu rửa bằng nước lã rất khó sạch, rửa nhiều lần “hàng” sẽ không đẹp, nên các chủ vựa chỉ cho rửa qua vài lần rồi “ngâm” bằng thuốc tẩy, sau đó vớt, rửa qua nước và giao mối chở đi bán.
Theo Viet Q