+Aa-
    Zalo

    Kinh doanh phân bón "không cần luật", đánh lừa người tiêu dùng

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Sản phẩm phân bón hữu cơ cao cấp woprofert, nhãn hiệu Miền Tây, bị nghi ngờ là hàng giả, vì thông tin in trên bao bì nhãn mác không rõ ràng về xuất xứ, nguồn gốc.

    Sản phẩm phân bón hữu cơ cao cấp Woprofert, nhãn hiệu Miền Tây, bị nghi ngờ là hàng giả, vì thông tin in trên bao bì nhãn mác không rõ ràng về xuất xứ, nguồn gốc, không tuân thủ các quy định về nhãn mác, hàng hóa.

    Sản phẩm không nguồn gốc, xuất xứ

    Nhiều hộ trồng cây cảnh, nhà vườn tại TP.HCM phản ánh tới báo ĐS&PL về sản phẩm phân bón có tên “phân hữu cơ cao cấp woprofert nhãn hiệu Miền Tây, xuất xứ Nhật Bản, đóng gói và phân phối bởi công ty TNHH SX-TM-DV Tre Tàu, NSX 20/04/2018” có dấu hiệu hàng giả.

    Bà Đỗ Xuân H. (chủ nhà vườn tại Q. Hóc Môn) cho biết: “Tôi mua phân bón nhãn hiệu Miền Tây của công ty TNHH ĐT-PT-SX-TM-DV Tiến Phát (Cty Tiến Phát), nhưng không hiểu tại sao trên bao bì lại là công ty TNHH SX-TM-DV Tre Tàu? Khi tôi liên hệ tới số điện thoại in trên bao bì thì số điện thoại này không liên lạc được. Tôi thấy nhãn hiệu sản phẩm là của công ty Tiến Phát, nhưng in trên bao bì là địa chỉ công ty Tre Tàu nào đó, vậy có phải hàng giả không, nguồn gốc sản phẩm thế nào?”.

    Sản phẩm phân  hữu cơ cao cấp woprofert nhãn hiệu Miền Tây không có nguồn gốc, xuất xứ

    Ông Nguyễn Thành L. (ngụ Thạnh Xuân, Q.12) thì bức xúc: “Thông tin trên bao bì phân bón hữu cơ cao cấp woprofert nhãn hiệu Miền Tây, in xuất xứ Hà Lan, nhưng không có địa chỉ nhà sản xuất, nhà phân phối sản phẩm cũng nhập nhèm thông tin, nếu phân kém chất lượng, ảnh hưởng cây trồng thì nhà vườn chúng tôi kêu ai?”. 

    PV đã thử gọi vào số điện thoại trên bao bì phân bón hữu cơ cao cấp woprofert hiệu Miền Tây (xuất xứ Nhật Bản) nhưng không liên lạc được. Trên bao bì cũng không địa chỉ. Vào website in trên bao bì loại phân này mới hiện ra địa chỉ của Cty Tiến Phát…

    Ngoài ra, cùng thương hiệu Miền Tây, còn có sản phẩm phân bò (đã qua xử lý) loại 3dm3, đơn vị sản xuất là công ty Tiến Phát nhưng bao bì không in thông tin cụ thể về các quy định như độ ẩm, các quy chuẩn kèm theo. Đồng thời, sản phẩm “phân trùn quế cao cấp, sản xuất theo công nghệ Nhật Bản” và phân bò (đã qua xử lý) bằng cảm quan thấy rõ phân ẩm, dính bết vào màng bao bì.

    Sản phẩm phân bò (đã qua xử lý) quá ẩm, dính bết vào màng bao bì

    Kinh doanh phân bón "không cần luật"

    Tại buổi làm việc với báo ĐS&PL, ông Tô Thành Lập - Giám đốc Cty Tiến Phát cho biết: “Công ty Tiến Phát chỉ gia công, đóng gói bao bì sản phẩm phân hữu cơ cao cấp woprofert, ruột là sản phẩm phân bón nhập khẩu của công ty TNHH SX-DV-TM Trung Hiệp Lợi (TP.HCM), phân phối sản phẩm là do công ty TNHH SX-TM-DV Tre Tàu”.

    Ông Lập khẳng định, công ty Tiến Phát không có trách nhiệm gì đối với sản phẩm trên. Riêng thương hiệu “Miền Tây” in trên bao bì phân hữu cơ cao cấp woprofert thì ông Lập cho rằng: “Tôi chỉ cho in trên bao bì để người tiêu dùng biết đến nhãn hiệu Miền Tây”.

    Về loại phân bò đã qua xử lý thương hiệu Miền Tây không in thông tin cụ thể về các quy định như độ ẩm, quy chuẩn kèm theo trên bao bì sản phẩm theo đúng quy định, ông Lập giải thích: “Sản phẩm phân hữu cơ truyền thống của cty Tiến Phát không cần thiết phải ghi rõ thông tin, phân càng ẩm càng tốt. Công ty chúng tôi sản xuất kinh doanh sản phẩm bằng cảm tính, không cần theo luật, những quy định về phân bón và các thông số trên nhãn mác bao bì không quan trọng. Tôi muốn bán được hàng nên in lên bao bì “sản xuất theo công nghệ Nhật bản” chứ hoàn toàn không có công nghệ Nhật bản gì cả!?”.

    Ông Tô Thành Lập - Giám đốc Cty Tiến Phát tại buổi làm việc với báo ĐS&PL

    Tuy nhiên, qua khảo sát thị trường cho thấy, hai loại phân này đang được bày bán nhiều ở các đại lý cây cảnh. Tại đại lý cây cảnh Tư Kết 2 (Q.Bình Tân) chủ hàng tên Loan cho hay: “Phân bón hữu cơ cao cấp woprofert nhãn hiệu Miền Tây đúng là của công ty Tiến Phát, dù nhãn mác để là công ty Tre Tàu. Khách muốn lấy hàng bao nhiêu cũng có”.

    Đặc biệt, theo tìm hiểu của phóng viên, công ty TNHH SX-TM-DV Tre Tàu đã giải thể từ năm 2016. Còn đại diện công ty TNHH SX-DV-TM Trung Hiệp Lợi khẳng định sản phẩm Phân bón hữu cơ cao cấp woprofert nhãn hiệu Miền Tây không phải là sản phẩm của công ty Trung Hiệp Lợi.

    TS Nguyễn Đăng Nghĩa - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đất, phân bón và môi trường phía Nam cho biết, đã là doanh nghiệp hoạt động kinh doanh thương mại phải tuân thủ theo luật doanh nghiệp. Khi phân phối sản phẩm trên thị trường thì không thể nói sản xuất theo cảm tính. Thông tin nhãn, mác, bao bì sản phẩm không cần tuân theo quy định pháp luật là sai.

    Mặt khác, khi sang chiết, đóng gói, in thương hiệu, logo, nhãn, mác của doanh nghiệp mình lên bao bì sản phẩm phải có hợp đồng chuyển giao công nghệ, đúng quy cách, quy chuẩn, và được các đơn vị nhập khẩu sản phẩm, đơn vị sản xuất sản phẩm đồng ý cho sang chiết, đóng gói bao bì riêng lẻ.

    Cũng theo TS Nghĩa, phân hữu cơ truyền thống là các loại phân như bò, gà... nếu không chế biến kỹ có thể mang đến một số nấm bệnh cho cây trồng, các vi sinh vật gây hại có trong phân bón gồm: E. coli, Salmonella, Coliform là những loại gây nên các bệnh đường ruột nguy hiểm, hoặc ô nhiễm thứ cấp do có chứa các kim loại nặng hay vi sinh vật gây hại.

    Chính vì vậy, Nghị định 108/2017 về quản lý phân bón ra đời nhằm thiết lập các yêu cầu, tiêu chuẩn bắt buộc của dòng sản phẩm hàng hóa này trên thị trường. Theo đó, đối với sản phẩm phân hữu truyền thống được đóng gói bao bì kinh doanh, và cần tuân thủ tiêu chuẩn về độ ẩm nhỏ hơn hoặc bằng 30%. Ngoài ra, đơn vị tính của sản phẩm phân bón phải tính bằng đơn vị trọng lượng kg, gam,...

    Ngoài ra theo TS Nghĩa, thông tin in trên bao bì sản phẩm sai, đồng nghĩa với việc sản phẩm giả, đánh lừa người tiêu dùng, ảnh hưởng thị trường phân bón. Thiệt hại về thông tin sai trên bao bì còn lớn hơn thiệt hại về phân bón kém chất lượng.

    Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới  bạn đọc.

    Hương Nguyên –  Tuấn Anh

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/kinh-doanh-phan-bon-khong-can-luat-danh-lua-nguoi-tieu-dung-a233112.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.