Lũy kế 9 tháng đầu năm, Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam ghi nhận tình hình kinh doanh kém, doanh thu bằng nửa năm 2018, lỗ ròng gần 81 tỷ đồng.
Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA, UPCoM: LLM) vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2019. Cụ thể, doanh thu quý III chỉ đạt 1.412 tỷ đồng, giảm 57% so với cùng kỳ (3.263 tỷ đồng). Lợi nhuận gộp đạt 45 tỷ đồng, giảm 67% so với cùng kỳ năm trước (135 tỷ đồng).
Bên cạnh đó, doanh thu hoạt động tài chính vỏn vẹn 23 tỷ đồng, giảm 82% so với cùng kỳ năm 2018 (129 tỷ đồng) và chi phí tài chính cũng giảm 72%, còn 27 tỷ đồng.
Dù đã tiết giảm các khoản chi phí nhưng LLM chỉ ghi nhận lãi ròng 16,5 tỷ đồng, giảm 70% so với năm 2018 (55,78 tỷ đồng).
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2019, LLM có doanh thu hơn 4.803 tỷ đồng, chưa bằng một nửa cùng kỳ; lỗ ròng gần 81 tỷ đồng.
Thủ lĩnh ngành lắp máy Lilama báo lỗ hơn 80 tỷ đồng. Ảnh: vneconomy |
Tính hết 30/9, LLM có tổng tài sản gần 7.642 tỷ đồng, giảm 42% so với hồi đầu năm. Trong đó tài sản ngắn hạn chiếm hơn 6.547 tỷ đồng, giảm 42%; tài sản dài hạn chiếm gần 1.095 tỷ đồng, giảm 41%. Các khoản phải thu của LLM đang thể hiện hơn 4.307 tỷ đồng, giảm 20% so với hồi đầu năm. Giá trị hàng tồn kho cũng đi lùi 71% về mức 1.040 tỷ đồng.
Tổng công ty lắp máy Việt Nam trước đây là doanh nghiệp do Bộ Xây dựng sở hữu 100% vốn điều lệ hoạt động trong các lĩnh vực xây lắp, gia công, chế tạo thiết bị cho các công trình công nghiệp và dân dụng.
Sau khi cổ phần hoá năm 2017, Lilama vẫn được Bộ Xây dựng nắm 97,88% và là cổ đông lớn nhất. Cũng trong năm 2017, Lilama niêm yết 80 triệu cổ phiếu lên sàn UPCoM với giá tham chiếu 10.000 đồng/cổ phiếu. Hiện trên sàn, giá Lilama đạt 21.800 đồng/cổ phiếu, tương ứng vốn hoá hơn 1.700 tỷ đồng.
Được biết, mới đây, theo tổng hợp của Bộ Tài chính, tổng lợi nhuận sau thuế của 143 doanh nghiệp nhà nước là 87.843 tỷ đồng. Trong đó, có 134 đơn vị kinh doanh có lãi, 9 đơn vị kinh doanh lỗ. Số nộp ngân sách của 143 doanh nghiệp nhà nước là 105.313 tỷ đồng.
Đáng chú ý, hai doanh nghiệp có lợi nhuận cao, chiếm tỷ trọng lớn là Viettel với 29.943 tỷ đồng và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) với 28.050 tỷ đồng đều có lợi nhuận sau thuế giảm so với cùng kỳ, lần lượt đạt 86,2% và 91,78% so với cùng kỳ 2017.
Có 9 doanh nghiệp báo lỗ trong số 143 doanh nghiệp nhà nước với tổng số lỗ là gần 226,4 tỷ đồng.
Cũng theo Bộ Tài chính, trong số 143 doanh nghiệp nhà nước có: 52 đơn vị được chủ sở hữu đánh giá an toàn về tài chính; 08 đơn vị được đánh giá là mất an toàn về tài chính; 05 đơn vị được chủ sở hữu đánh giá là có dấu hiệu mất an toàn về tài chính. Các đơn vị còn lại hiện chưa được chủ sở hữu tổng hợp, đánh giá.
Vũ Đậu(T/h)