Thu nhập giảm, kinh tế khó khăn, nhiều bà mẹ đã tiết kiệm chi phí nuôi con bằng những cách khó mà thông cảm.
Cạn túi tiền, mẹ triệt để tiết kiệm
Khủng hoảng kinh tế chưa thực sự đi qua. Chị Loan là người cảm nhận rất rõ điều này khi thu nhập của cả hai vợ chồng giảm dần đều theo từng tháng. Đầu vào thì "teo tóp" nhưng đầu ra liên tục "phình ra" khiến chị méo mặt khi xoay sở ngân sách gia đình.
Thiếu tiền, chị phải cắt giảm chi tiêu. Đầu tiên, gia đình ba người phải chuyển từ căn nhà thuê giá 3,5 triệu tới căn nhà giá bằng một nửa, rất tồi tàn. Tiếp đến, mọi khoản tiêu vặt của hai vợ chồng bị cắt triệt để. Anh Năm, chồng chị thậm chí còn không được uống trà đá tán gẫu với bạn bè nữa.
Nhưng chừng đó dường như vẫn chưa đủ. Chẳng biết cắt giảm ở đâu, chị đành quay sang nhìn bé Thiện. Cậu con trai mới 4 tuổi của chị đang là "máy" tiêu tiền trong gia đình. Dù chi tiêu cho bé rất tiết kiệm thì tiền đi mẫu giáo, tiền sữa, tiền ăn sáng,… của bé làm vơi túi tiền gia đình mỗi tháng ít nhất khoảng 2,5 triệu.
Nhìn con chị xót lắm nhưng biết làm thế nào đây khi chị không còn đủ tiền phục vụ những nhu cầu tạm coi là thối thiểu nhất của con? Chẳng còn cách nào khác, chị đành cho bé Thiện “nghỉ chơi” với sữa. Thỉnh thoảng bé thèm lắm, chị mới mua một hộp gọi là “quà vặt”.
Không những thế, khẩu phần ăn của bé cũng bị cắt bớt dinh dưỡng. Thịt, cá, ngao, hến,… chị không mua thường xuyên như trước nữa. Một tuần may ra bé mới được vài bữa ăn tươi.
Khẩu phần ăn còn bị cắt, bé Thiện chẳng mong gì mẹ mua đồ chơi hay cho đi chơi, đi mua sắm như bạn bè đồng trang lứa.
Dù thu nhập sụt giảm nhưng gia đình chị Nga, anh Nam có khá khẩm hơn vì thỉnh thoảng nhận được “trợ cấp” từ bố mẹ. Anh chị đồng thuận với nhau “Dù chết đói cũng không được động chạm tới khẩu phần ăn của con”.
Chị Nga chia sẻ: “Với tôi, dinh dưỡng và chữa bệnh cho con là quan trọng nhất. Ăn mặc rách rưới, cũ nát cũng không sao, miễn con ăn uống đủ chất, nếu có ốm thì phải uống thuốc tốt”.
Với quan điểm như vậy, bữa ăn của bé Ngân vẫn rất đầy đủ. Nhưng ăn mặc của bé lại có vấn đề. Để tiết kiệm chi tiêu, chị chỉ mua quần áo hàng thùng cho con. Lúc nào bé Ngân cũng có quần áo mới để “lấy le” với bạn bè. Và không ít người phải sốc khi quần áo của bé chỉ có giá từ 5.000 tới 10.000 đồng.
Ảnh: Internet |
Tiết kiệm quá hóa thảm họa
Chị Nga luôn chia sẻ rằng thực phẩm ăn vào trong bụng mới quan trọng, mới cần được chú ý. Còn quần áo, vải vóc khoác lên người không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe nên chỉ là thứ yếu. Chính vì vậy, 90\% quần áo trong tủ của bé Ngân đều là hàng thùng.
Chị sẽ mãi giữ quan điểm này nếu không có sự cố nghiêm trọng xảy ra. Gần đây, bé Ngân chẳng hiểu sao rất hay ngứa. Bé luôn tay gãi tới mức da bị trầy xước và nổi mụn. Sau vài tuần, da bé sưng tấy, mẩn đỏ trông rất đáng sợ.
Ban đầu chị nghĩ rằng bé bị dị ứng vì dạo này hệ thống nước máy khu vực nhà chị có vấn đề, rất hay nổi cặn. Đưa bé đi khám, chị cũng chỉ biết bé viêm da. Nhưng tại sao bé viêm da thì chị và cả bác sĩ đều không rõ.
Rất may, trong quá trình điều trị, chị hay trò chuyện với bác sĩ - vốn là bạn thân của anh trai chị, nên hai người mới đoán có thể quần áo hàng thùng chính là nguyên nhân gây ra viêm da cho bé. Thế là chị vội vàng bỏ hết đống quần áo hàng thùng của bé đi.
Vay mượn khắp nơi, anh chị cùng dồn đủ tiền chữa bệnh cho bé. Khi bé ra viện, chị nhẩm tính, số tiền viện phí đủ sức cho chị mua cả tủ quần áo mới cho con.
Còn chị Loan cũng phải chịu hậu quả vì cắt giảm chi tiêu cho con. Sau gần một năm ăn uống theo chế độ mới, bé Thiện gầy còm trông thấy. Bé không còn tinh nghịch, hiếu động như trước đây nữa. Bé hay ngồi yên lặng xem ti vi hoặc nằm lăn trên giường. Chị không quan tâm lắm tới sự thay đổi này vì cho rằng bé càng lớn, tính nết càng thay đổi. Bé gầy đi có thể là do “kéo xác”.
Thế nhưng một chuyện xảy ra khiến chị phải quan tâm đến con hơn. Một buổi chiều, khi đi học về, bé tự dưng lăn ra ngất. Đưa bé đi khám chị mới biết bé bị suy dinh dưỡng. Bị thiếu chất nên bé thường xuyên mệt mỏi, choáng váng.
Không “khai” sự thật cho bác sĩ nhưng chị biết ai là người chịu trách nhiệm. Thương con đứt ruột, chị đành bán chiếc kiềng vàng mà bố mẹ cho làm của hồi môn để mua đồ ăn tẩm bổ cho con. Cuối cùng chị rút ra kết luận, con cái luôn quan trọng nhất. Bố mẹ có thể tiết kiệm bất cứ thứ gì nhưng không thể tiết kiệm khẩu phần ăn của con được.