Trong 20 năm trở lại đây, kiều hối chuyển về Việt Nam tăng đều, từ mức hơn 1,3 tỷ USD vào năm 2000 cho tới gần 16 tỷ USD vào năm 2018.
Người dân nhận tiền kiều hối bằng bảng Anh tại ngân hàng ở TP.HCM |
Kiều hối chuyển về Việt Nam năm 2019 ước đạt 16,7 tỷ USD
Kiều hối chuyển về các quốc gia thu nhập trung bình và thấp được dự báo sẽ đạt 551 tỷ USD trong năm 2019 và 597 tỷ USD vào năm 2021, trích dẫn Dữ liệu Kiều hối thường niên mới cập nhật của Ngân hàng Thế giới (World Bank).
10 quốc gia được dự báo sẽ nhận nhiều kiều hối nhất năm 2019 bao gồm: Ấn Độ, Trung Quốc, Mexico, Philippines, Ai Cập, Nigeria, Pakistan, Bangladesh, Việt Nam và Ukraine. Cụ thể, ở vị trí thứ nhất, Ấn Độ được dự báo sẽ nhận kiều hối 82,2 tỷ USD, chiếm 2,8% GDP của nước này.
Việt Nam đứng ở vị trí thứ 9, kiều hối chuyển về trong năm nay năm nay ước tính đạt 16,7 tỷ USD (chiếm 6,4% GDP), tăng nhẹ so với năm 2018.
Năm 2018 lượng kiều hối về Việt Nam đạt gần 16 tỷ USD, trước đó, năm 2017 là 13,8 tỷ USD, năm 2016 là 11,88 tỷ USD, theo dữ liệu từ Ngân hàng Thế giới (WB).
Trong 20 năm trở lại đây, kiều hối chuyển về Việt Nam tăng đều, từ mức hơn 1,3 tỷ USD vào năm 2000 và chỉ giảm duy nhất vào năm 2009 do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Theo thống kê, Việt Nam đang có nguồn lực to lớn là 4,5 triệu kiều bào ở nước ngoài luôn mong muốn đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
Theo các chuyên gia, kiều hối cùng với du lịch, xuất khẩu và đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) là những lĩnh vực giúp tăng nguồn cung ngoại tệ cho thị trường, góp phần hỗ trợ tích cực cho việc ổn định tỉ giá thời gian qua.
Người lao động di cư và những rủi ro bị bóc lột
Tuy nhiên, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho biết, làm việc ở nước ngoài có nhiều tác động tích cực đối với cá nhân người lao động lẫn quốc gia phái cử và tiếp nhận, song người lao động di cư vẫn có thể gặp phải rủi ro bị bóc lột. Nguyên nhân một phần do các khoản chi phí di cư lao động cao và những thách thức trong triển khai các biện pháp bảo vệ.
"Hiện tồn tại những thách thức lớn trong quản lý nhằm đảm bảo việc làm thỏa đáng cho người lao động di cư, đặc biệt là tại các quốc gia không có pháp luật đầy đủ bảo vệ quyền lao động cho họ", Giám đốc ILO Việt Nam Chang-Hee Lee cho biết.
Bên cạnh đó, nhiều trường hợp người lao động Việt Nam gặp khó khăn khi tiếp cận quyền của mình tại nơi làm việc. Với lý do là các khoản nợ từ phí và lệ phí di cư lao động quá cao đã trở thành trở ngại khiến người lao động không dám rời bỏ nơi làm việc có yếu tố bóc lột và bạo lực.
Theo kết quả từ một nghiên cứu do Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) tiến hành, người lao động Việt Nam trở về từ Malaysia và Thái Lan đã phải trả phí xuất khẩu lao động cao hơn so các quốc gia khác trong khu vực.
Hơn nữa, lao động Việt Nam phải vay nợ nhiều nhất và cần nhiều thời gian nhất, tới 11 tháng để trả hết các khoản nợ của mình.
Giám đốc ILO Việt Nam cho biết: "Những khoản nợ này khiến người lao động Việt Nam dễ trở thành nạn dân của nạn buôn bán người và lao động cưỡng bức, do những người có mưu toan lạm dụng, bóc lột hoặc lừa đảo lợi dụng điều đó để thao túng người lao động”.
Theo Giám đốc ILO Việt Nam, trước đó, chính phủ đã có nhiều tiến bộ trong việc thiết lập khung pháp lý nhằm phòng chống bóc lột lao động và mua bán người trong bối cảnh di cư lao động. Tuy nhiên, không phải tất cả lao động Việt Nam đều có thể tiếp cận hệ thống tuyển dụng có đạo đức và công bằng.
Nghiên cứu chỉ ra 76% lao động di cư Việt Nam bị lạm dụng quyền lao động của mình trong thời gian làm việc tại Malaysia và Thái Lan. Đây là vấn đề nan giải do khả năng tiếp cận của người lao động Việt Nam tới cơ chế khiếu nại, giải quyết đền bù tại Việt Nam và quốc gia điểm đến còn hạn chế.
"Để bảo vệ người lao động không bị lạm dụng và lừa đảo trong quá trình tuyển dụng và giảm chi phí di cư lao động, Chính phủ Việt Nam, các công ty tuyển dụng và công đoàn cần tiếp tục nỗ lực nhằm cải thiện hệ thống quản trị di cư lao động", ông Chang - Hee Lee chia sẻ.
Cũng theo ông Chang - Hee Lee, việc sửa đổi Luật về Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đang diễn ra là cơ hội để rà soát lại các chính sách về di cư lao động, tăng cường các quy định và giám sát các thông lệ tuyển dụng nhằm bảo vệ người lao động tốt hơn. Đồng thời, góp phần chống lại tình trạng lao động cưỡng bức và nạn buôn bán người, tăng cường những đóng góp của lao động di cư vào phát triển kinh tế.
Mộc Miên(T/h)