+Aa-
    Zalo

    Kiến nghị xử lý pháp nhân "dung dưỡng" tham nhũng

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Thanh tra Chính phủ cho rằng, phải tăng hình phạt khác để răn đe và cần xem xét, xử lý cả những pháp nhân liên quan, “dung dưỡng” tham nhũng.

    Ủng hộ đề xuất bỏ án tử hình đối với tội phạm tham nhũng để tăng khả năng phát hiện, xử lý, thu hồi tài sản, song Thanh tra Chính phủ (TTCP) cho rằng, phải tăng hình phạt khác để răn đe và cần xem xét, xử lý cả những pháp nhân liên quan, “dung dưỡng” tham nhũng.

    Ngày 29/10, tại cuộc họp báo thông báo kết quả công tác thanh tra quý III/2015, ông Ngô Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục chống tham nhũng, TTCP giải đáp một số câu hỏi của báo chí về công tác đánh giá tình trạng tham nhũng hiện nay đã bám sát thực tế hay chưa; quan điểm về đề xuất bỏ án tử hình đối với tội phạm tham nhũng.

    TTCP cho biết báo cáo PCTN hiện nay chưa phản ánh được tương quan thực tế.

    Năm 2020 mới đẩy lùi được tham nhũng

    Theo ông Ngô Mạnh Hùng, hành vi tham nhũng có độ ẩn rất cao, rất khó đo lường, chính vì vậy những con số ở những báo cáo phòng, chống tham nhũng (PCTN) đưa ra chủ yếu phản ánh kết quả làm được của cơ quan chức năng chứ chưa nói được tương quan giữa thực tế.

    “Tuy nhiên, không phải vì thế mà chúng ta không có số liệu so sánh đối chiếu. Chúng ta có kết quả khảo sát, có đánh giá độc lập từ trong nước và nước ngoài, qua đó chúng ta có thể nhìn nhận tình hình tham nhũng ở nước ta nghiêm trọng đến mức như thế nào và kết quả phát hiện tương xứng ở mức độ nào…”, ông Hùng nói.

    Trước ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, công tác PCTN hiện nay vẫn trong thế “phòng ngự” chứ chưa “phản công”, ông Ngô Mạnh Hùng đánh giá: “Hình tượng hóa đó rất sát trong công tác PCTN đề ra ngay từ đầu, ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng. Qua công tác PCTN hằng năm thì mới bước đầu ngăn chặn trên một số lĩnh vực, chưa có nhận định nào nói chúng ta đã đẩy lùi được tham nhũng và mục tiêu đề ra là đến năm 2020 mới bắt đầu đẩy lùi tham nhũng. Khi nào đẩy lùi tham nhũng được thì chúng ta sẽ phản công”.

    “Một trong những giải pháp kỳ vọng ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng tới đây là Đề án kiểm soát thu nhập, tài sản của người có chức vụ quyền hạn. Hiện Chính phủ đã giao TTCP nghiên cứu để đưa vào nội dung sửa đổi bổ sung trong Luật Phòng chống tham nhũng”, ông Ngô Văn Khánh, Phó Tổng TTCP bổ sung.

    “Khai tử” doanh nghiệp “dung dưỡng” tham nhũng

    Về đề xuất bỏ án tử hình đối với tội phạm tham nhũng, ông Hùng cho rằng đây là vấn đề liên quan rất nhiều đến câu chuyện hợp tác quốc tế. Có những tội phạm tham nhũng khi bỏ trốn ra nước ngoài mà ở quốc gia đó không chấp nhận dẫn độ tội phạm cho những quốc gia còn duy trì án tử hình, thì việc chúng ta bỏ án tử hình dường như lại giúp cho chúng ta truy tìm, đưa những đối tượng tham nhũng về xử lý. Quan điểm giảm hình phạt để tăng thu hồi tài sản, tăng xử lý đã được đề cập trong “Chiến lược quốc gia PCTN đến năm 2020” đã được Chính phủ phê duyệt là quan điểm phù hợp với xu hướng quốc tế.

    “Nói toàn diện là như vậy, nhưng nếu bỏ án tử hình đối với tội phạm tham nhũng liệu còn đạt được tính răn đe hay không và đối với Việt Nam, trong bối cảnh hiện nay tham nhũng đang diễn ra nghiêm trọng thì việc bỏ hình thức tử hình đối với loại tội phạm này đang là vấn đề gây tranh cãi và các đại biểu Quốc hội cũng tranh luận rất nhiều. Chúng tôi tuân thủ đề án đã được Chính phủ phê duyệt trên tinh thần giảm hình phạt để tăng tính phát hiện xử lý, thu hồi tài sản cho đất nước.

    Nhưng bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã kiến nghị phải tăng hình phạt khác để răn đe, đó là đánh thẳng vào tài sản và xem xét đến cả trách nhiệm của những pháp nhân liên quan đến hành vi tham nhũng. Không phải chúng ta giảm nhẹ hình phạt nói chung mà chúng ta điều chỉnh mức hình phạt phù hợp, vừa đáp ứng được yêu cầu tăng khả năng phát hiện xử lý, vừa đáp ứng yêu cầu thu hồi tài sản mà vẫn đảm bảo tính răn đe”, ông Hùng nêu quan điểm.

    Khi nói về đề xuất xử lý đối với pháp nhân liên quan đến hành vi tham nhũng, ông Hùng cho biết, ở một số quốc gia xử lý tham nhũng rất hiệu quả. “Họ không chỉ xử lý đối tượng tham nhũng mà còn xử lý cả những doanh nghiệp dung dưỡng cho hành vi tham nhũng đó, có mức phạt lên đến vài tỷ USD mà doanh nghiệp vẫn phải chấp nhận nộp để không bị khai tử, đóng cửa không cho niêm yết cổ phiếu”, ông Hùng nêu ví dụ.

    Theo báo Tiền phong

    [mecloud]FodXw81lOY[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/kien-nghi-xu-ly-phap-nhan-dung-duong-tham-nhung-a117201.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.