Khởi tố vụ án mua sắm trang thiết bị phòng, chống Covid-19
Trước đó, ngày 28/4/2022, Thanh tra tỉnh Kiên Giang đã có kết luận thanh tra việc mua sắm sinh phẩm, hóa chất, kit xét nghiệm phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh trong 2 năm 2020, 2021.
Kết luận nêu rõ, Thanh tra tỉnh Kiên Giang đã chỉ ra hàng loạt sai phạm trong việc mua sắm sinh phẩm, thuốc, hoá chất…phòng chống dịch Covid-19.
Đối với các sai phạm tại các gói thầu do Công ty Việt Á thực hiện, do thời điểm công bố kết luận thanh tra, vụ việc của công ty Việt Á đang được Bộ Công an điều tra xử lý, do đó Thanh tra tỉnh theo dõi kết quả và báo cáo UBND tỉnh khi có kết luận chính thức của cơ quan điều tra.
Theo kết luận thanh tra, việc mua sắm sinh phẩm, hóa chất, kit xét nghiệm phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh trong 2 năm 2020, 2021 đều do Sở Y tế tỉnh Kiên Giang và Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh ký hợp đồng mua của Công ty Việt Á.
Trong đó, Sở Y tế ký 2 hợp đồng trị giá hơn 58 tỷ và Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh ký 2 hợp đồng trị giá hơn 786 triệu đồng.
Cả 2 gói thầu do Sở Y tế ký đều mua giá cao hơn các mặt hàng cùng loại khác như Chloramin B cao hơn 25.450 đồng/kg, bộ kit test COVID-19 cao hơn từ 67.500- 72.500 đồng/kit test.
Ngoài ra, đối với các gói thầu mua thuốc trong 2 năm 2019, 2020 do Sở Y tế thực hiện có tổng giá trị thực mua của 5 gói thầu trên toàn tỉnh chỉ đạt 65,4%, mặc dù đã hết thời gian thực hiện hợp đồng mua sắm.
Trong đó, kết quả trúng thầu có tới 1.276 mặt hàng với tổng tiền hơn 444,3 tỷ đồng nhưng giá trị thực mua chỉ có hơn 290,4 tỷ đồng.
Một số nhà thầu thực hiện chưa đúng theo hợp đồng đã ký kết với các cơ sở khám, chữa bệnh nhưng việc xử lý, báo cáo tình hình vi phạm của nhà thầu trong quá trình cung ứng thuốc tại một số đơn vị thực hiện chưa đúng theo quy định.
Trong khi đó, các gói thầu mua thuốc trong thời gian 2021-2023, Sở Y tế tổ chức đấu thầu trễ so với quy định 8 tháng dẫn đến phải mua sắm trực tiếp và chỉ định thầu rút gọn xảy ra tại một số đơn vị.
Những sai phạm trên đã gây ra hậu quả nghiêm trọng, làm thất thoát ngân sách nhà nước hàng chục tỉ đồng.
Kỷ luật hàng loạt cán bộ
Đến nay, ông Hà Văn Phúc, Giám đốc Sở Y tế Kiên Giang đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo.
Ông Phúc bị cảnh cáo vì những sai phạm trong việc quản lý, điều hành, phê duyệt dự toán mua sắm vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm Covid-19 gói thầu mua sắm năm theo kế hoạch không đúng thẩm quyền, lựa chọn đơn vị cung cấp không chặt, không kỹ, vi phạm quy định pháp luật đấu thầu (các gói thầu do Công ty Việt Á trúng thầu, đơn vị báo giá đều là công ty mẹ, công ty con, công ty có quan hệ trong điều hành, không đảm bảo khách quan về giá) không tiết kiệm ngân sách nhà nước.
Trước đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang có Thông báo số 910-TB/TU về việc nhân sự thôi tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025, thôi giữ chức Giám đốc Sở Y tế, thôi Ủy viên Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang, thôi đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Hà Văn Phúc.
Liên quan đến vụ việc này, nhiều cá nhân khác đã bị kỷ luật gồm ông Kha Vĩnh Xuyên – Trưởng phòng Kế hoạch – Tài chính Sở Y tế; Nguyễn Thị Phương Thanh – Trưởng Khoa Dược – Vật tư y tế Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh; Kiều Lộc Thịnh – Trưởng Khoa Xét nghiệm – Chẩn đoán hình ảnh – Thăm dò chức năng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh; Võ Thị Thu Hồng – Thủ kho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh; Phạm Thị Thu Nguyệt – Thủ kho Vaccine chương trình – hóa chất Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.
Hiện tại, vụ án chưa khởi tố bị can. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Kiên Giang đang tiến hành đẩy nhanh, phân loại điều tra vụ án, nếu đủ căn cứ sẽ khởi tố bị can, xử lý theo quy định của pháp luật.
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 3/1/2023 trả lời báo chí về vụ án Việt Á; vụ án “chuyến bay giải cứu” trong năm 2022, trung tướng Tô Ân Xô – chánh văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an – cho biết cơ quan điều tra cố gắng phấn đấu kết thúc điều tra trong quý 1-2023. Rất nhiều khả năng bị can sẽ tăng trong thời gian tới.
Thanh Xuân