(ĐSPL) - Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước công nhận quyền yêu cầu bồi thường của người bị thiệt hại. Tuy nhiên, để đòi được quyền lợi cho mình thì người bị thiệt hại phải mất rất nhiều thời gian.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc bồi thường thiệt hại chậm trễ, nhưng nguyên nhân chính vẫn là do tranh chấp giữa thẩm quyền bồi thường và trách nhiệm bồi thường.
Trả “con voi”... thu “con kiến”
Theo Cục Bồi thường Nhà nước (Bộ Tư pháp), từ khi Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước có hiệu lực (từ ngày 1/1/2010) đến ngày 30/7/2013, ngân sách Nhà nước đã chi trả bồi thường cho người bị thiệt hại trên 28,2 tỷ đồng.
Tuy nhiên, số tiền mà cán bộ, công chức hoàn trả Nhà nước do việc thực thi công vụ sai chỉ vài chục triệu đồng. Thậm chí có vụ trong lĩnh vực tố tụng, Nhà nước phải bồi thường hàng tỷ, song thu được một khoản tiền hoàn trả khoảng vài chục triệu đồng.
Mới đây nhất vào tháng 8/2013, cơ quan tố tụng buộc phải bồi thường cho người bị oan sai số tiền lớn nhất từ trước đến nay. “Khổ chủ” trong vụ án này là ông Lương Ngọc Phi, ở Thái Bình một doanh nhân đang làm ăn phát đạt bỗng bị sa vào vòng lao lý.
Trở lại vụ án ông Lương Ngọc Phi, vào tháng 4/1998, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình (CSĐT) ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can với ông Lương Ngọc Phi, Giám đốc công ty khai thác chế biến nông hải sản xuất khẩu Hoà Bình có trụ sở tại TP.Thái Bình, về hành vi “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa”.
Ngày 1/5/1998 ông Phi bị bắt giam, vài tháng sau, toàn bộ tài sản của ông Phi và công ty đã được cơ quan CSĐT, Công an tỉnh phát mại với giá hết sức rẻ mạt.
Ngày 29/9/1999, TAND tỉnh Thái Bình đã đưa vụ án ra xét xử và tuyên phạt ông Lương Ngọc Phi 14 năm tù về tội “lạm dụng tín nhiệm...” và 3 năm tù về tội “trốn thuế”. Tổng hợp hình phạt, ông Phi phải nhận 17 năm tù.
Ông Phi kháng án, ngày 25/4/2000, toà phúc thẩm, TAND tối cao xét xử phúc thẩm và tuyên: “Lương Ngọc Phi không phạm tội “lạm dụng tín nhiệm”. Huỷ phần “trốn thuế” của bản án sơ thẩm, trả hồ sơ để điều tra lại.
Sau khi điều tra lại, ngày 12/12/2003, Viện KSND tỉnh Thái Bình ra quyết định đình chỉ điều tra và trả tự do cho ông Lương Ngọc Phi.
Từ khi bị bắt giam đến khi được trả tự do, ông Phi đã bị giam oan 35 tháng. Ngày 13/6/2006, ông Phi mới được TAND tỉnh công khai xin lỗi tại quê nhà. Ngay sau khi được minh oan, ông Phi đã tiến hành đòi bồi thường. Trong hành trình đòi bồi thường của mình, ông Phi đề nghị tách vụ kiện thành hai vụ riêng và đã được TAND TP thái Bình chấp thuận.
Vụ thứ nhất được Tòa xét xử vào ngày 21/7/2009, tuyên buộc TAND tỉnh phải bồi thường cho ông Phi 660 triệu đồng về các khoản thiệt hại về tổn thất tinh thần và thu nhập thực tế bị mất sau 35 tháng bị giam oan.
Vụ thứ hai được TAND TP.Thái Bình mở phiên xét xử ngày 26/8/2013, tuyên buộc TAND tỉnh Thái Bình phải bồi thường cho ông Phi số tiền 21,4 tỷ đồng vì đã ra bản án oan, gây thiệt hại về tài sản cho ông Lương Ngọc Phi.
Nhận định về vụ án của ông Lương Ngọc Phi, nhiều chuyên gia cho rằng đây là vụ án oan lớn cả về tính chất vụ việc ở thời điểm ông Phi bị bắt lẫn sự phức tạp, gian truân suốt gần một thập kỷ đi đòi bồi thường oan sai.
|
Ông Nguyễn Mạnh Hiền, Vụ trưởng vụ Kiểm sát điều tra án kinh tế và chức vụ VKSND Tối cao. |
Tuy nhiên, đáng nói hơn cả, số tiền TAND tỉnh phải bồi thường cho ông Phi là số tiền không hề nhỏ và là tiền ngân sách phải “gánh” cho lỗi của một số người tiến hành tố tụng gây ra cả chục năm trước đây, trong khi số tiền mà những cán bộ, công chức trực tiếp gây oan sai phải hoàn trả khá khiêm tốn so với mức Nhà nước bỏ ra để bồi thường.
Quá trình thương lượng bị kéo dài
Một vụ án oan “động trời” không kém mà tới đây các cơ quan chức năng sẽ phải giải quyết khi người bị oan sai có đơn yêu cầu là vụ ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang. Mức bồi thường chưa được xác định nhưng các cán bộ gây oan sai thì người đã chết, người về hưu, người chuyển công tác. Vì vậy, việc hoàn trả sẽ không đơn giản, nếu không muốn nói là chẳng khác nào “mò kim đáy bể”.
Trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Hiền, vụ Trưởng Vụ kiểm sát điều tra án kinh tế và chức vụ, VKSND Tối cao về vấn đề trên, ông Hiền cho biết: Nghị định của Chính phủ đã quy định rõ trách nhiệm bổi thường đối với người bị oan sai, nhưng trên thực tế do nhiều vụ án hồ sơ bị trả đi trả lại, nên khó phân định rạch ròi trách nhiệm bồi thường thuộc đơn vị nào.
Ngoài ra còn nhiều nguyên nhân dẫn đến việc giải quyết bồi thường thiệt hại bị chậm trễ.
Thứ nhất do người được bồi thường không nắm rõ quy định của pháp luật nên họ có những đòi hỏi, yêu sách thái quá. Ví dụ, theo quy định pháp luật họ được bồi thường 1 tỷ, thế nhưng họ đòi tới 10 tỷ, dẫn đến quá trình thương lượng giữa người yêu cầu bồi thường và cơ quan có trách nhiệm bồi thường bị kéo dài. Thậm chí có vụ phải giải quyết bằng vụ án dân sự.
Thứ hai, người được bồi thường phải có đầy đủ hồ sơ liên quan đền việc yêu cầu đòi bồi thường như: Quyết định của cơ quan có thẩm quyền về việc người đó bị oan sai, các chứng từ liên quan chứng minh được mức thu nhập thực tế và thiệt hại do việc oan sai gây nên.
Thứ ba, tranh chấp về thẩm quyền bồi thường, như đã phân tích ở trên, nếu trong giai đoạn điều tra VKS phê chuẩn lệnh bắt gây ra oan sai thì VKS phảỉ chịu trách nhiệm bồi thường.
Trường hợp ông Nguyễn Thanh Chấn bị TAND tối cao xét xử phúc thẩm cuối cùng gây ra oan sai cho ông Chấn. Như vậy TAND tối cao phải có trách nhiệm bồi thường cho ông Chấn.
Cần rạch ròi trách nhiệm bồi thường
Theo ông Nguyễn Mạnh Hiền: Cơ quan nào ra quyết định cuối cùng gây ra oan sai thì cơ quan đó phải chịu trách nhiệm bồi thường. Tất cả các vụ bồi thường thuộc trách nhiệm của VKSND tối cao (đều được xử lý bồi thường kịp thời đúng quy định của pháp luật). |
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/kien-doi-boi-thuong-thiet-hai-chuyen-con-voi-cai-kien-a32984.html