(ĐSPL) - Trước sự xuất hiện và tấn công người của kiến ba khoang, nhiều người dân tỏ ra hoang mang, lo lắng, nhất là các gia đình có con nhỏ.
Sợ hãi là tâm trạng chung của nhiều người dân ở TP Vinh (Nghệ An) trong thời gian gần đây khi nói đến kiến ba khoang. Sau gần một tuần tạm yên, kiến ba khoang đã bắt đầu xuất hiện trở lại và tấn công các hộ dân sống tại các khu chung cư Glory Palace, phường Trường Thi (TP Vinh), chung cưTràng An, phường Vinh Tân (TP Vinh). Nhiều sinh viên tại TP Vinh và Hà Tĩnh cũng bị loại côn trùng này “hành hạ” trong nhiều ngày qua.
Xem video:
Kiến ba khoang tấn công, người dân hoang mang, lo lắng
Từ đầu tháng 11, kiến ba khoang xuất hiện ở các khu chung cư này khá nhiều. Hầu hết các hộ dân luôn trong tình trạng đóng bít cửa, chạy điều hoà, tắt bớt bóng điện để tránh việc thu hút sự chú ý của loài côn trùng này.
Biển cảnh báo tại chung cư Tràng An, phường Vinh Tân, TP Vinh |
Theo bác Nguyễn Quốc Thắng, bảo vệ tại chung cư Tràng An: “Cứ giờ lên đèn là loài kiến này lại xuất hiện nhiều, chúng tập trung về nơi có ánh sáng. Để tránh việc trẻ con chơi ở sảnh bị loại côn trùng này đốt, chúng tôi buộc phải dán thông báo ở cửa để người lớn ra vào có ý thức khép kín cửa kính tránh côn trung độc không bay, bò vào được”.
Nhiều người dân sống tại tầng 7, tầng 8 chung cư Tràng An cho biết, họ vô cùng khốn khổ trước sự xuất hiện của loài kiến ba khoang. Chúng rất nguy hiểm, nhiều người lớn bị đốt không thể đi làm, còn trẻ nhỏ khi bị đốt gây đau rát, trẻ sẽ gãi và làm chất dịch trong vết thương lan rộng, lan đến đâu thì sẽ bị phồng bọng nước đến đó. Cá biệt, có gia đình cả nhà bị kiến ba khoang đốt gây bị thương nặng.
Chị Trần Thị Phương Thuỳ, chủ căn hộ 802 chung cư Tràng An cho biết: “Kiến bắt đầu xuất hiện nhiều từ đầu tháng, hầu như các căn hộ thuộc tầng 8 đều có người bị kiến đốt. Chúng tôi đã dùng nhiều biện pháp để tiêu diệt kiến như: dùng đèn bắt muỗi, đóng kín cửa, tắt đèn... nhưng kiến mới chỉ giảm, sau đó lại quay lại khiến chúng tôi rất lo lắng”.
Cũng chung tâm trạng, anh Ngô Xuân Lâm, chủ hộ 803 chung cư Tràng An nói: “Thường đàn ông bị kiến đốt nhiều, do thói quen cởi trần khi ngủ. Tiếp đến là trẻ nhỏ, do các cháu chưa ý thức được côn trùng nên khi chơi ở nền nhà và không tránh được”.
Nhiều trẻ nhỏ tại khu chung cư Tràng An bị kiến ba khoang đốt |
Theo ghi nhận của phóng viên, tình trạng này không chỉ xuất hiện ở chung cư Tràng An, phường Vinh Tân (TP Vinh) mà ở chung cư Glory Palace, phường Trường Thi (TP Vinh) và 1 số chung cư lân cận cũng bị kiến ba khoang tấn công. Khi nghe thông tin độc tố của loài kiến này cao gấp nhiều lần so với rắn hổ mang, nhiều gia đình, nhất là những nhà có con nhỏ tỏ ra rất hoang mang, lo lắng.
Chị Nguyễn Thị Bích Hồng, chủ căn hộ 607 chung cư Glory Palace chia sẻ, chị bị kiến đốt cách đây gần 10 ngày. Ban đầu cứ nghĩ bị giời leo nên dùng phương pháp dân gian chữa trị nhưng càng lâu vết thương càng lan rộng. Sau đó, chị được 1 người bạn là bác sỹ da liễu tư vấn cho thuốc bôi, đến nay vết thương đã lành tuy nhiên để lại sẹo thâm khá nhiều trên vầng mắt.
Cũng như các gia đình tại các chung cư nếu trên, nhiều sinh viên tại kí túc xá trường Đại học Vinh cơ sở 2 cũng bị kiến ba khoang tấn công. Loài côn trùng này từ đâu kéo đến bám nhiều ở cửa sổ, mép giường và có cả trong quần áo. Phòng có 8 người thì đến 5 người bị loài kiến này tấn công. Gần 100 sinh viên lưu trú tại kí túc xá trường Đại học Hà Tĩnh cũng bị kiến ba khoang đốt, gây ngứa và lở loét toàn thân.
Một sinh viên trường Đại học Vinh bị kiến ba khoang tấn công |
Theo ông Phạm Toan, trưởng ban quản lý cơ sở 3, Đại học Hà Tĩnh, nhà trường đã tuyên truyền về sự nguy hại của kiến ba khoang và khuyến cáo sinh viên không được dùng tay giết kiến, đóng cửa, tắt bớt bóng đèn vào ban đêm để phòng tránh bị kiến cắn. Những sinh viên bị kiến cắn cần xuống trạm y tế của trường để khám và điều trị.
Kiến ba khoang đuôi nhọn, có tên quốc tế thường gọi là Paederus fuscipes curtis (thuộc họ Staphylinidae, chi Coleoptera`). Con trưởng thành rất thích bay vào bóng đèn, thân mình dài trung bình khoảng 7mm, có màu đen và cam, đầu màu đen. Râu dài hình sợi chỉ, chân chạy nhanh, cánh ngắn đến nửa thân mình, cuối bụng nhọn có hai đuôi nhỏ. Trong cơ thể của kiến ba khoang có chứa độc tố có tên Pederin (C24H43O9N), có độc tính gấp 12 – 15 lần nọc rắn hổ. Pederin có trong máu con vật. Khi con vật đã chết khô và để trong 8 năm thì độc tính vẫn tồn tại. (Nguồn: Viện Sốt rét ký sinh trùng côn trùng Quy Nhơn) |