+Aa-
    Zalo

    Kiếm hiệp Kim dung: Trương Tam Phong 100 tuổi mới tạo ra Thái Cực Quyền, vậy thời trẻ dựa vào đâu để tung hoành thiên hạ?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Thời trẻ, dù chiêu thức võ công của Trương Tam Phong vẫn còn đơn giản nhưng trong mình nội công thâm hậu, ít có đối thủ.

    Thời trẻ, dù chiêu thức võ công của Trương Tam Phong vẫn còn đơn giản nhưng trong mình nội công thâm hậu, ít có đối thủ.

    Võ lâm Trung Nguyên có câu: "Bắc tôn Thiếu Lâm, Nam sùng Võ Đang". Điều đó cho thấy, trong các môn phái Võ thuật ở Trung Quốc thì hai phái nổi tiếng nhất là Võ Đang và Thiếu Lâm. Một phái ở miền Nam, một phái ở miền Bắc. Một phái thuộc Đạo gia, một phái thuộc Phật gia. Nói đến Thiếu Lâm không thể không nói đến Đạt Ma Tổ Sư. Nhắc tới Võ Đang không thể không nhắc tới Trương Tam Phong.

    Trương Tam Phong là một nhân vật có thật trong lịch sử Trung Quốc nhưng lại vô cùng huyền bí. Tương truyền ông sinh năm 1247, mất năm 1464, sống qua 3 triều đại Tống - Nguyên - Minh trong lịch sử Trung Quốc. Truyền kỳ về cuộc đời Trương Tam Phong cũng được thế hệ sau đưa vào các tác phẩm văn học và đương nhiên không thể thiếu trong thế giới võ hiệp của nhà văn Kim Dung.

    Trương Tam Phong xuất hiện lần đầu là vào cuối phần tiểu thuyết Thần Điêu Hiệp Lữ. Khi đó ông mới 16 tuổi và đang cùng Giác Viễn Đại Sư đuổi theo kẻ trộm Cửu Dương Chân Kinh từ Thiếu Lâm Tự. Đuổi đến núi Hoa Sơn thì gặp vợ chồng Quách Tĩnh, Dương Quá và nhiều cao thủ đương thời khác đang viếng mộ Hồng Thất Công và Âu Dương Phong.

    Lần thứ 2 Trương Tam Phong xuất hiện trong thế giới võ hiệp Kim Dung là trong Ỷ Thiên Đồ Long Ký, cũng là lần thứ 2 ông được gặp Quách Tương. Trong "Ỷ Thiên Đồ Long Ký", ông xuất hiện cả ở thời niên thiếu lẫn cả lúc về già và dưới tư cách là sư tổ phái Võ Đang.

    Đỉnh cao võ thuật của Trương Tam Phong là bộ Thái Cực Thần Công, chia làm hai loại là Thái cực kiếm và Thái cực quyền, được ông tạo ra khi đã 100 tuổi.

    Trương Tam Phong tên thật là Trương Quân Bảo, từ nhỏ sống cùng Giác Viễn Đại Sư ở Thiếu Lâm Tự. Trong một lần tình cờ, Giác Viễn đã học được Cửu Dương Chân Kinh trong một quyển kinh phật, nội công tăng tiến, thâm hậu không ngờ. Bản thân Trương Quân Bảo cũng luyện được 3 phần Cửu Dương Chân Kinh từ sư phụ Giác Viễn.

    Do đánh mất kinh thư, Giác Viễn bị Thiếu Lâm phạt bằng giới luật, đồng thời tay chân phải đeo xích sắt vô cùng nặng nề. Cho đến mở đầu của Ỷ Thiên Đồ Long Ký, một cao thủ võ lâm khi đó là Hà Túc Đạo, hiệu Côn Lôn Tam Thánh, đến Thiếu Lâm Tự khiêu chiến với Giác Viễn.

    Trong lúc Giác Viễn rơi vào thế khó, Trương Quân Bảo đã bộc phát võ công, đỡ giúp sư phụ 3 chưởng, đồng thời xuất chiêu Tứ Thông Bát Đạt được Dương Quá chỉ dạy cho trước đó, đánh bại Hà Túc Đạo.

    Tuy đánh đuổi được kẻ thù nhưng trong mắt các cao tăng Thiếu Lâm, Trương Quân Bảo đã phạm phải giới luật vì tự ý học võ công. Giác Viễn vì bảo vệ Trương Quân Bảo mà một mình chống lại Thiếu Lâm Tự, đưa đệ tử cao chạy xa bay.

    Trước lúc viên tịnh, Giác Viễn Đại Sư đã đọc lại toàn bộ Cửu Dương Chân Kinh cho Trương Quân Bảo, Quách Tương và Vô Sắc Thiền Sư nghe.

    Trương Quân Bảo sau đó chia tay Quách Tương và lên núi Võ Đang, luyện tập chăm chỉ Cửu Dương Chân Kinh mà Giác Viễn để lại, trong mười năm sau nội lực đã tiến bộ vượt bậc. Cũng từ nội lực Cửu Dương Chân Kinh, ông kết hợp với tâm pháp tu luyện của Đạo gia mà sáng tạo nên Võ Đang Cửu Dương Công, cũng là nền tàng cơ bản của toàn bộ võ học Võ Đang sau này.

    Giống như Trương Vô Kỵ, Trương Tam Phong hồi trẻ cũng có nền tảng võ học vô cùng đơn giản, nên tu luyện được Cửu Dương Chân Kinh một cách thuần túy nhất. Do đó, vào thời trẻ, dù chiêu thức võ công của Trương Tam Phong vẫn còn đơn giản nhưng trong mình nội công thâm hậu nên đã ít có đối thủ.

    Theo thời gian, với tư chất thiên phú, Trương Tam Phong tự sáng tạo rất nhiều võ công mới như tiền thân của Thái Cực Quyền - Miên Chưởng, khinh công trứ danh của Võ Đang - Thê Vân Tung, hay Nhiễu Chỉ Nhu Kiếm và Thần Môn Thập Tam Kiếm,...

    Sau khi thành lập Võ Đang, ông đã tích hợp hàng trăm trường phái quyền thuật và nội công, kết hợp với "Võ Đang Cửu Dương Công" để đột phá lên một tầng cấp cao hơn của kỹ năng nội công, gọi là "Thuần Dương Vô Cực Công", mà người ta thường gọi là Đồng Tử Công.

    Trong Ỷ Thiên Đồ Long Ký, Trương Tam Phong là cao thủ nội gia đã đạt tới cảnh giới "lô hỏa thuần thanh". Cũng chính nhờ những triết lý võ học vượt qua phàm tục, mà Trương Tam Phong khi trăm tuổi sáng tạo ra Thái Cực Quyền và Thái Cực Kiếm.

    Chả vậy mà đích thân nhà văn Kim Dung từng công nhận Trương Tam Phong là một nhân vật ngàn năm trước không ai hơn, ngàn năm sau cũng chẳng ai sánh bằng. Nói về tu vi võ học, khó có ai hơn được Trương Tam Phong.

    Hoa Vũ (Theo QQ)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/kiem-hiep-kim-dung-truong-tam-phong-100-tuoi-moi-tao-ra-thai-cuc-quyen-vay-thoi-tre-dua-vao-dau-de-tung-hoanh-thien-ha-a347194.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan