(ĐSPL) - Kịch trong nước đang có dấu hiệu ảm đạm, là lý do khiến các ông bầu tìm cách mở rộng thị trường ra hải ngoại. Tuy nhiên, một số ê- kíp chỉ chú trọng vào kinh tế, nên nhiều vở kịch bị khán giả hải ngoại quay lưng. Vậy, làm thế nào để giấc mơ kịch Việt xuất ngoại thành công, vẫn giữ được tính nghệ thuật, đồng thời giải quyết được bài toán về kinh tế?
Đừng để vụt sáng và… vụt tắt
Gần đây, nghệ sỹ sân khấu Idecaf (TP.HCM) vui mừng khi bốn suất diễn vở kịch Dạ cổ hoài lang ở Mỹ, vé bán sạch, đông kín người xem.
Nghệ sỹ Thành Lộc chia sẻ, trước khi lên đường, anh em nghệ sỹ vô cùng lo lắng, bởi không biết sự thành bại khi đưa “báu vật” kịch nói ra nước ngoài có được khán giả đón nhận hay không. Tuy nhiên, anh không ngờ, khi đến nơi, không chỉ khán giả mà truyền thông ở đây cũng săn đón các nghệ sỹ.
Thậm chí, nhiều anh chị em được báo, đài, truyền hình ở hải ngoại mời làm nhân vật talk show trong chương trình của họ. Không chỉ thế, khi diễn, khán giả tỏ ra thích thú, không một ai bước ra khỏi rạp trước khi vở kịch kết thúc.
“Đây là một thành công, giúp anh chị em nghệ sỹ vững tâm hơn với nghề, cũng như dự định đưa kịch trong nước ra hải ngoại”, NSƯT Thành Lộc chia sẻ.
Nghệ sỹ Tú Trinh cho biết, trước đây, khán giả Việt ở hải ngoại chủ yếu tiếp xúc với kịch ngắn, hoặc hài nên khái niệm kịch dài không tồn tại. Chừng 5 năm gần đây, một số sân khấu trong nước hợp đồng, kết hợp với các đơn vị tổ chức biểu diễn, nghệ sỹ hải ngoại biểu diễn kịch dài. Với một số vở như Lời thề định mệnh, Đoạn tuyệt, Giông tố, Con nhà giàu, Con nhà nghèo... đã giúp khán giả đến gần hơn với kịch dài.
Đặc biệt, năm ngoái, sân khấu Idecaf cũng thành công vang dội với vở Hợp đồng mãnh thú, khi có tám suất diễn rất thành công ở Mỹ. Ngoài ra, thời gian gần đây, các đài truyền hình dành cho người Việt ở hải ngoại cũng chú trọng đến việc phát sóng phim Việt.
Do đó, khán giả mong muốn được nhìn thấy thần tượng của mình ở ngoài đời... Đây là các yếu tố thuận lợi cho kịch Việt đến gần với khán giả hải ngoại. Cũng cần nói rằng, việc rộ lên phong trào các nghệ sỹ Việt phối hợp các bầu sô ở Mỹ dàn dựng kịch bản nổi tiếng trong nước, để biểu diễn ở hải ngoại là đáng trân trọng.
Tuy nhiên, bên cạnh những người đến với nghề bằng cái tâm, vẫn có rất nhiều người chỉ chú trọng vào kinh tế, doanh thu. Hai năm trở lại đây xuất hiện một số vở kịch được biểu diễn, dàn dựng khá sơ sài, thiếu sự nhuần nhuyễn, thậm chí là cẩu thả.
Trong khi đó, khán giả ở hải ngoại có rất nhiều sự lựa chọn trong việc giải trí, nên đã dần làm mất cảm tình, thiếu thiện cảm đối với kịch. Thậm chí, có không ít vở kịch dự kiến biểu diễn ở Houston, San Jose, quận Cam... đèn chưa kịp sáng đã vội tắt vì không bán được vé, hoặc khán giả trả vé vì thiếu sự chuyên nghiệp của đoàn.
Chị Hana Thạnh (California) chia sẻ: “Người Việt ở hải ngoại khá đông, bên cạnh những người sinh sống từ lâu, được sinh ra ở nước sở tại, còn có nhiều du học sinh, người xuất khẩu lao động... Tất cả họ đều khao khát được tiếp cận với văn hóa Việt, gần đây nhất là kịch. Tuy nhiên, có rất nhiều vở kịch biểu diễn nhưng thiếu sự đầu tư, diễn không có hồn... nên tạo cảm giác thiếu lòng tin và khiến khán giả quay lưng”.
Chị Thạnh cũng cho rằng, sở dĩ hai vở diễn Hợp đồng mãnh thú, Dạ cổ hoài lang thành công là nhờ sân khấu Idecaf đưa cả ê-kíp ở Việt Nam sang biểu diễn. Khi biết điều này, khán giả hải ngoại tin tưởng, vở kịch sẽ hay, có sự chuyên nghiệp và sẵn sàng săn vé trước khi đoàn sang.
Còn lắm gian nan
Theo ông bầu Huỳnh Anh Tuấn, sự thành công, tạo tiếng vang của một vài vở kịch Việt ở hải ngoại là dấu hiệu đáng mừng nhưng đằng sau hậu trường có rất nhiều rắc rối. Bí quyết chủ yếu để thành công của Dạ cổ hoài lang lần này là “bê” nguyên ê-kíp trong nước ra nước ngoài biểu diễn.
Ngoài ra, tất cả đạo cụ biểu diễn,... cũng được chuyển từ Việt Nam sang. Nếu chọn cách làm truyền thống từ trước đến nay của các ông bầu, trong các vở diễn, chỉ có vài ba nghệ sỹ trong nước, số còn lại là nghệ sỹ hải ngoại thì chi phí không cao.
Tuy nhiên, thời gian tập dượt cho mỗi kịch bản như vậy chưa tròn một tuần, thiếu sự nhuần nhuyễn... Trong khi đó, khán giả rất tinh ý, mua một vé cũng khá phân vân, chọn nghệ sỹ, đoàn kịch, vở kịch... Việc đoàn đưa một vài nghệ sỹ ra nước ngoài biểu diễn, xin visa không quá khó. Tuy nhiên, nếu xin visa cho cả một ê-kíp vài chục người thì gặp nhiều rắc rối. Chỉ cần một vài nghệ sỹ xin phép trễ, hoặc không kịp visa sẽ khiến tất cả những người còn lại phải chờ và chi phí phát sinh lên rất nhiều.
Còn theo đánh giá của đạo diễn Vũ Minh, khi tình hình kịch ở trong nước đang ảm đạm việc xuất ngoại biểu diễn, mở rộng thị trường là cần thiết. Kịch ở hải ngoại đang được nhiều ông bầu lựa chọn, mỗi tuần đều có suất diễn. Tuy nhiên, để kịch ở hải ngoại phát triển lâu dài, các đạo diễn, ông bầu không nên giẫm chân vào nhau. Thay vào đó, mỗi ê-kíp nên chọn cho mình một thế mạnh riêng, mỗi thể loại riêng, để dàn dựng.
Như vậy, các ê-kíp sẽ không gây khó khăn cho nhau lại giúp mở rộng thị trường, giúp khán giả có nhiều sự lựa chọn. Riêng vở kịch Dạ cổ hoài lang, để có thể xuất ngoại, ekip của sân khấu Idecaf đã phải ngồi lại chỉnh sửa khá nhiều chi tiết, lời thoại. Bởi, đây là vở kịch rất thành công, được biểu diễn suốt 20 năm qua. Nhiều lời thoại, chi tiết không còn phù hợp với thời hiện tại nên cần được chỉnh sửa để tạo tính thời sự, giúp khán giả cảm nhận gần hơn với cuộc sống. Tuy nhiên, cái gốc, bản sắc, giá trị... của vở diễn vẫn được giữ nguyên vẹn.
Nghệ sỹ Hồng Vân từng đưa vở kịch Kỹ nghệ lấy tây của sân khấu kịch Phú Nhuận ra hải ngoại biểu diễn. Vở kịch này khi biểu diễn ở hải ngoại cũng khá thành công. Tuy nhiên, bà thừa nhận, bà không thể đưa hết 100\% ekip từ trong nước ra nước ngoài, bởi chi phí cao và nhiều lý do khác. Lúc ở Mỹ, chỉ có khoảng 2/3 nghệ sỹ trong nước sang, nên phải nhờ các nghệ sỹ hải ngoại thay thế. Các nghệ sỹ này chỉ có khoảng 3 ngày để tập duyệt nên thiếu sự nhập tâm, nhuần nhuyễn của vở kịch.
Từ đó, bà rút ra kinh nghiệm, nếu muốn đưa kịch ra nước ngoài biểu diễn thành công, hút khán giả, tạo được tiếng vang về sau, cách tốt nhất là phải đưa nguyên cả ê-kíp trong nước sang biểu diễn.
Đạo diễn Trần Ngọc Giàu cho rằng, kịch Việt ở hải ngoại đang có dấu hiệu phát triển, cần được đầu tư mới có thể bước dài. Nếu kịch thiếu sự đầu tư, dễ gây nhàm chán, thiếu chiến lược về diễn viên, nguồn diễn, kịch bản... khán giả sẽ quay lưng.
Do đó, điều quan trọng là những người tổ chức biểu diễn cần phải tỉnh táo, không nên vì sự thành công của một vài vở kịch mà tưởng rằng đây là môi trường dễ kiếm lời, tìm mọi cách để chạy theo kinh tế. Thay vào đó, cần có sự đầu tư bài bản và tầm nhìn dài hạn thì mới tiếp tục thu hút khán giả.
Nghệ sỹ lo bị... “xù” cát-sê Nghệ sỹ Lương Thế Thành chia sẻ, một trong những nỗi lo của nghệ sỹ khi biểu diễn ở nước ngoài là bị xù tiền cát-sê. Không chỉ anh mà rất nhiều bạn bè khi ra biểu diễn đều chịu cảnh “chạy làng” cát-sê và rất khó để đòi lại. Do đó, mỗi khi được mời ra nước ngoài biểu diễn, các nghệ sỹ luôn phải đề phòng, tìm hiểu kỹ bầu show để tránh trường hợp đáng tiếc. Riêng khi xuất ngoại cùng cả ê-kíp biểu diễn thì nỗi lo này vơi đi phần nào. Bởi, việc tiền bạc luôn được ê-kíp hỗ trợ. |
HUY CƯỜNG
Xem thêm video Giải trí:
[mecloud]Gcb5lSM2Rr[/mecloud]