Trong tháng Tám, nhiều vở kịch nói đã được thử thách của thời gian với hàng trăm đêm diễn như: Cát bụi, Điện thoại di động, Bỉ vỏ (nhà hát kịch Hà Nội), Vòng phấn Kavkaz, Công lý không gục ngã (nhà hát Tuổi trẻ) hay Kiều, Lão hà tiện (nhà hát kịch Việt Nam)... được diễn trên sân khấu Nhà hát Lớn sang trọng. Thế nhưng khán phòng chỉ hơn 500 chỗ, mà nhiều đêm diễn, khán giả chủ yếu là người thân của diễn viên đi xem bằng giấy mời, vé phát hành ế ẩm...
Chủ trương đưa các vở diễn sân khấu có chất lượng đến với khán giả của bộ VH, TT&DL có vẻ không thất bại song chưa thể nói là thành công. Nguyên nhân thì nhiều, có thể khán giả hôm nay có nhiều sự lựa chọn trong đó có chiếc tivi đầy ắp các chương trình giải trí, có thể do truyền thông quá ít khiến khán giả không biết nội dung những vở kịch đỉnh cao ấy thế nào... Song, nguyên nhân chính là suốt một thời gian dài, sân khấu đã tự xa rời khán giả nên kéo họ trở lại rạp là không dễ.
Một cảnh trong vở "Lão hà tiện" của Nhà hát kịch Việt Nam. |
Thiếu kịch bản tốt
Kịch bản là đầu vào quan trọng nhất của một vở diễn, người xưa nói “có tích mới dịch nên trò”. Viết kịch là một nghề khó, không thể đào tạo mà chỉ có thể bồi dưỡng và cung cấp cho họ những kỹ năng sáng tác. Nhà viết kịch Lưu Quang Vũ mới chỉ tốt nghiệp cấp III, chưa từng học đại học. Ông là minh chứng cho thấy nghề này phụ thuộc nhiều vào năng khiếu.
May mắn cho sân khấu kịch nói Việt Nam, trong nửa cuối của thế kỷ XX có rất nhiều nhà viết kịch tài ba. Họ đều tự mày mò, tự tìm hiểu nhưng có đầu óc tưởng tượng phong phú, tư duy logic và biết cách xây dựng những cốt truyện thu hút vì thế các kịch bản rõ ràng là tuyên truyền song vẫn hấp dẫn. Nhưng không may cho sân khấu Việt Nam đầu thế kỷ XXI, có rất ít nhà viết kịch và hiếm nhà viết kịch giỏi, vì thế dẫn đến tình trạng thiếu “bột”.
Để giải quyết tình trạng đói kịch bản, đạo diễn Trần Trung Kiên đã xây dựng chợ kịch bản trên mạng với mong muốn thu hút những người viết không chuyên. Và các đoàn có thêm cơ hội tìm một kịch bản hoàn chỉnh, một ý tưởng độc đáo để từ đó phát triển thành kịch bản. Tuy nhiên kết quả không mấy khả quan. Một nghề khó và mồ hôi nhỏ xuống ướt đẫm bàn phím nhưng kịch bản chưa chắc đã được dàn dựng, nếu được dàn dựng thì tiền cũng chả đáng là bao. Yêu sân khấu nhưng ai mà chả yêu tiền!
Thực ra, trong lịch sử sân khấu Việt Nam đã từng có cách giải quyết tình trạng khan hiếm kịch bản. Sân khấu cải lương miền Nam làm rất tốt việc này vào giữa thế kỷ XX. Để không bị động và phụ thuộc vào các nhà viết kịch tự do, các đoàn hát đều nuôi vài ba nhà viết kịch và họ gọi là soạn giả thường trực. Các soạn giả này hưởng lương và chỉ sáng tác kịch bản cho đoàn. Khi nhận thấy xã hội quan tâm vấn đề gì thì ngay lập tức cả nhóm cùng tập trung vào viết, người dựng cốt truyện, kẻ viết thoại hay lời hát, người kia nghĩ ra tình huống xung đột kịch. Vì thế, chỉ trong một thời gian ngắn đoàn hát có kịch bản để dựng đáp ứng nhu cầu khán giả.
Các nhà viết kịch thời nay khó có thể hợp tác để làm việc nhóm như vậy. Mặt khác, các đoàn kịch quốc doanh không có suất biên chế nhà viết kịch mà phụ thuộc hoàn toàn vào các nhà viết kịch tự do. Các đoàn kịch xã hội hóa ở TP.HCM rất nhanh nhạy trong khâu tìm kiếm kịch bản, trả nhuận bút cao nhưng trong tình trạng khan tác giả thì việc cố gắng có kịch bản tốt là khó.
Giải pháp an toàn
Sau kịch bản là đạo diễn. Họ là người thổi hồn vào các câu thoại khô khan tạo ra sự sống động trên sân khấu và đẩy vở diễn đến một tư tưởng nào đó. Một đạo diễn giỏi được ví như thầy phù thủy, có thể biến một kịch bản bình thường thành một vở diễn hấp dẫn, thu hút người xem.
Hiện tại, phần lớn các đoàn kịch là của Nhà nước, dựng vở bằng tiền Nhà nước nên lãnh đạo đoàn, lãnh đạo ngành văn hóa tỉnh thành thường chọn giải pháp an toàn để giữ “ghế”. Nghĩa là chọn kịch bản “lành lành”. Nếu mời đạo diễn trẻ dàn dựng, họ chọn đạo diễn “lành lành”. Còn không, họ mời đạo diễn đã thành danh để ít nhất cũng đảm bảo chất lượng tối thiểu. Điều này dẫn tới tình trạng vài ba đạo diễn đã lên lão từ lâu vẫn tung hoành ngang dọc suốt một thời kỳ dài.
Có hội diễn sân khấu, các đạo diễn gạo cội “làm chủ trận địa” mỗi “cụ” dựng vài vở. Cùng một lúc họ dàn dựng nhiều vở nên xảy ra tình trạng mảng miếng, thủ pháp sử dụng trong vở này cũng được dùng cho vở khác. Vì thế, nội dung vở diễn khác nhau nhưng người xem không khó nhận ra sự nhang nhác giữa các vở. Điều đó đã làm cho khán giả xa rời sân khấu.
Thiếu trang thiết bị cho sân khấu
Họa sĩ NSND Lê Huy Quang từng chua chát: “Sân khấu của các rạp hát Việt Nam hôm nay quả là cũ kỹ, nghèo nàn, đơn điệu và lạc hậu về mọi phương diện kỹ thuật, từ ánh sáng, âm thanh đến công tác hậu đài, chuyển cảnh, các yêu cầu tối thiểu về thao tác, phối hợp trên sân khấu... Việc tắt đèn, chuyển cảnh thay đổi không gian, địa điểm vẫn thô sơ, lạc hậu, kéo ra kéo vào, lên xuống vài tấm phông bằng vải mềm, dựng lên vài tấm bục gỗ dán, pa-nô di động với chất liệu chủ yếu là gỗ và vải...”. Cái khó bó cái khôn.
Cũng có sự đầu tư không nhỏ cho việc xây dựng mới một số rạp như: Công Nhân, Đại Nam ở Hà Nội hay Trần Hưng Đạo ở TP.HCM song do cơ chế, nên khi nhận rạp, các nghệ sĩ chỉ biết thở dài vì người thiết kế, đơn vị thi công không hiểu gì về đặc trưng của sàn diễn khiến nghệ sĩ bó tay. Trong khi đó, sân khấu kịch nói trên thế giới từ lâu đã có sân khấu quay nhiều chiều, nhiều tầng, nhiều lớp, lên cao hay xuống dưới gầm sàn diễn, rồi ánh sáng, âm thanh hoàn hảo bởi hàng trăm ngọn đèn để tạo dựng không gian bằng ánh sáng...
Nhà lý luận sân khấu Nguyễn Quốc Ngọc cho rằng: “Nói sân khấu thiếu vắng khán giả hay chết lâm sàng cũng không sai vì các vở diễn không có tinh thần thời đại, không dám lao vào các đề tài nóng bỏng trong xã hội. Đa phần các diễn viên sân khấu nổi tiếng hiện nay không phải nhờ vai diễn trong kịch mà nhờ vào phim hay các gameshow trên truyền hình. Điều đó giống như chim tu hú đẻ trứng vào tổ chim chích để chim này ấp. Không có chim chích không thể có những con tu hú bay dọc ngang bầu trời”.
Cao Ngọc
Dẫn nguồn báo giấy Đời sống & Pháp luật Chủ nhật số 36