Năm 2019 đã chứng kiến sự bùng nổ các dự án điện mặt trời – nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng xanh tại các tỉnh thành phía nam. Đối với Thành phố Hồ Chí Minh, đó là trào lưu phát triển điện mặt trời mái nhà.
Tiềm năng lớn
Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nằm trong dải phân bổ ánh sáng mặt trời nhiều nhất trong năm trên bản đồ bức xạ của thế giới, cường độ bức xạ mặt trời tương đối cao. Do đó, tiềm năng phát triển và ứng dụng năng lượng mặt trời ở TP.HCM rất lớn, đặc biệt là điện mặt trời trên mái nhà. Cụ thể, TP.HCM có lượng bức xạ lớn, trung bình khoảng 1.581 kWh/m2/năm, cao nhất là 6,3 kWh/m2/ngày vào tháng 2 và thấp nhất là 3,3 kWh/m2/ngày vào tháng 7. Số giờ nắng trung bình trong tháng dao động từ 150-300 giờ, liên tục trong suốt cả năm, không bị gián đoạn như ở miền Bắc.
Theo “Báo cáo Đánh giá kỹ thuật Tiềm năng năng lượng mặt trời trên mái nhà tại Việt Nam” năm 2017 của Ngân hàng Thế giới - World Bank: tiềm năng điện mặt trời trên địa bàn Thành phố ước tính là khoảng 6.300 MW.
Công trình điện mặt trời mái nhà trên nóc trụ sở TCT Điện lực TPHCM |
Điện mặt trời đem lại lợi ích to lớn cho người đầu tư và cho xã hội. Đây là nguồn năng lượng tái tạo, vĩnh cửu, an toàn, rất thân thiện với môi trường, không ảnh hưởng đến sức khoẻ con người, trong quá trình vận hành không gây ra tiếng ồn và khói bụi. Mô hình điện mặt trời mái nhà giúp tiết kiệm một phần chi phí tiền điện cho nhà đầu tư do không phải sử dụng nguồn điện lưới, bên cạnh đó còn giúp hấp thụ bức xạ nhiệt đối với mái nhà, giúp làm giảm sức nóng của toàn bộ ngôi nhà, từ đó giảm sử dụng máy lạnh, góp phần tiết kiệm chi phí tiền điện. Đối với các doanh nghiệp, việc sử dụng điện mặt trời còn góp phần nâng cao hình ảnh, thương hiệu và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Cơ hội thuận lợi
Để phát huy tiềm năng về năng lượng mặt trời, năm 2015 Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó đặt ra mục tiêu chiến lược “Phát triển và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo góp phần thực hiện các mục tiêu môi trường bền vững và phát triển nền kinh tế xanh”. Chính phủ cũng cụ thể hóa bằng các chính sách, các quy định về cơ chế đấu nối vào lưới điện quốc gia và giá mua điện mặt trời.
Trước cơ hội thuận lợi về chính sách, về tiềm năng tự nhiên và cả cơ hội do giá cả tấm pin năng lượng mặt trời đã giảm mạnh só với 3-5 năm về trước, nhiều nhà doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng hàng loạt các nhà máy điện mặt trời, tập trung nhiều ở các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Long An. Cùng với đó, nhiều hộ gia đình, nhiều cơ quan, xí nghiệp đã đầu tư mô hình điện mặt trời mái nhà, điện năng tạo ra được sử dụng thay cho mua điện lưới, phần dư bán ngược lại cho ngành điện, giảm đáng kể chi phí mua điện. Đây cũng chính là mô hình thích hợp cho khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, là nơi có nhiều trụ sở cơ quan, trường học, khu đô thị và các khu công nghiệp có nhiều nhà xưởng.
Năm 2019 chứng kiến sự “bùng nổ” mô hình điện mặt trời trên mái nhà tại TPHCM. Theo thống kê, đến hết năm 2019 đã có trên 5.000 công trình điện mặt trời trên mái nhà tại Thành phố, với tổng công suất 60 MWp. Sự phát triển trong năm 2019 gấp hàng chục lần tất cả các năm trước cộng lại.
Cần chính sách thúc đẩy mạnh mẽ hơn
Mặc dù năm 2019 chứng kiến sự phát triển mạnh điện mặt trời mái nhà tại TPHCM, nhưng kết quả đạt được còn thấp so với tiềm năng. Theo lãnh đạo TCT Điện lực TPHCM, điện mặt trời mái nhà là mô hình sản xuất điện phân tán nên hệ thống điện TPHCM đủ sức tiếp nhận công suất điện mặt trời gấp 10 lần hiện nay mà không lo quá tải.
Để tiếp tục phát triển mạnh việc lắp đặt và sử dụng hệ thống điện mặt trời trên mái nhà nói riêng, điện mặt trời nói chung, rất cần những chính sách khuyến khích mạnh mẽ và ổn định từ nhà nước. Ví dụ như cần sớm ban hành giá mua điện mặt trời từ 1/7/2019, cần có chính sách hỗ trợ chi phí đầu tư ban đầu, hoặc yêu cầu bắt buộc các cơ quan hành chính sự nghiệp, đơn vị thụ hưởng ngân sách nhà nước phải gắn điện mặt trời mái nhà.
Việt Anh