+Aa-
    Zalo

    Khủng hoảng người tị nạn châu Âu, những phản ứng trái chiều

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL)- Các nhà ngoại giao Liên minh châu Âu (EU) vẫn đang nỗ lực tìm tiếng nói chung để giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn.

    (ĐSPL)- Các nhà ngoại giao Liên minh châu Âu (EU) vẫn đang nỗ lực tìm tiếng nói chung để giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn. Tuy nhiên vẫn chỉ “như muối bỏ bề” và thực sự chưa tìm được tiếng nói chung giữa các nước có nền tảng kinh tế vững mạnh và những nước khó khăn.

    Tin tức từ VOV, ngày 12/9 lại có thêm những chiếc thuyền mong manh cập bến đảo Lesbos của Hy Lạp, mang theo hàng trăm người tị nạn.

    Từ những hòn đảo như thế này, bao nhiêu người trước họ và có thể cả những người đến sau họ sẽ bắt đầu một hành trình bơ vơ, vất vưởng khắp châu Âu, nơi mà họ vẫn coi là “miền đất hứa”.

    Kể từ đầu năm đến nay đã có hơn 430.000 người tị nạn và nhập cư vượt Địa Trung Hải để đến châu Âu, một con số kỷ lục bởi nó cao hơn gấp đôi tổng số người nhập cư trong năm ngoái.

    Ngập trong nợ nần nhưng Hy Lạp vẫn phải nỗ lực thúc đẩy việc xử lý đơn xin tị nạn của hàng trăm nghìn người Syria và nhiều người xin nhập cư từ các nước Trung Đông – Bắc Phi khác.

    Ước tính trong 4 ngày qua đã có khoảng 15.000 người được cơ quan chức năng Hy Lạp xử lý thủ tục cho rời khỏi đảo Lesbos để đi vào lục địa châu Âu.

    Kể từ đầu năm đến nay đã có hơn 430.000 người tị nạn và nhập cư vượt Địa Trung Hải để đến châu Âu. (ảnh: Reuters).

    Thế nhưng khi đặt chân lên “miền đất hứa” này, không phải người nhập cư hay tị nạn nào cũng nhận được sự tiếp đón mà họ vẫn hy vọng. Với số lượng người tị nạn đổ về quá lớn, các trung tâm tiếp nhận ở Hy Lạp cũng như Italy, Hungary, những nước nằm ở tuyến đầu của cuộc khủng hoảng này, đang bị quá tải.

    Cho rằng nền kinh tế sẽ không đủ sức tiếp nhận một lượng người nhập cư lớn đến thế, chính phủ Hungary vẫn tiếp tục tăng tốc xây dựng 175km hàng rào dây thép gai dọc biên giới với Serbia vốn dự kiến hoàn thành vào tháng 11 tới.

    Nhưng 15/9 này, Hungary đã bắt đầu đóng cửa biên giới ở thị trấn Roszke, điểm tập trung nhiều người tị nạn vì là nơi đặt tuyến đường sắt giữa Hungary và Serbia, để ngăn chặn dòng người đi bộ từ nước láng giềng này dọc theo đường sắt sang Hungary.

    Nhiều tổ chức nhân đạo đã bày tỏ quan ngại rằng kế hoạch này của Hungary có thể khiến chặng đường di cư của người tị nạn trở nên khó khăn hơn.

    Đại diện của Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn tại khu vực Trung Âu Montserrat Feixas Vihe cho biết: “Chúng tôi sẽ thảo luận với chính phủ để đảm bảo vẫn có con đường cho mọi người có thể đi vào Hungary, vào châu Âu và tìm kiếm cơ hội nhập cư. Tôi nghĩ rằng sẽ có thêm áp lực bởi vì sẽ có thêm một nút thắt cổ chai nữa và mọi người phải đợi lâu hơn hoặc tìm con đường khác”.

    Các nhà ngoại giao Liên minh châu Âu (EU) vẫn đang nỗ lực tìm tiếng nói chung để giải quyết cuộc khủng hoảng người nhập cư này trong khi dư luận ở mỗi nước cũng có nhiều phản ứng trái chiều.

    Ở Slovakia ngày 12/9 diễn ra cùng lúc 2 làn sóng biểu tình ủng hộ và phản đối người nhập cư. Cùng ngày tại Ba Lan, hàng nghìn người tuần hành phản đối việc chấp nhận thêm người nhập cư vào nước này.

    Trong khi đó hôm qua tại Anh, khoảng 90.000 người tuần hành trên các đường phố của thủ đô London để yêu cầu chính phủ nước này tiếp nhận thêm người tị nạn trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nhập cư đang leo thang ở châu Âu.

    Những người biểu tình cầm tấm biển chào đón người tị nạn và tỏ ra bất mãn vì kế hoạch của chính phủ chỉ tiếp nhận 20.000 người tị nạn trong vòng 5 năm tới.

    Lãnh đạo mới được bầu của Công đảng Anh (Labour Party) Jeremy Corbyn cũng tham gia cuộc tuần hành này.

    Ông cho biết: “Hôm nay ở đây, tại Quảng trường Nghị viện này, chúng tôi, với tư cách là người dân bình thường kêu gọi chính phủ thực hiện bổn phận trước pháp luật về việc giúp đỡ những người mà chúng ta cần phải giúp đỡ. Hơn hết, hãy mở rộng trái tim và khối óc cũng như quan điểm về việc giúp đỡ những người cùng cực này có được cuộc sống an toàn hơn và có thể cống hiến cho xã hội của chúng ta”.

    Một bộ phận dư luận Anh trước đó từng bày tỏ quan ngại về những gánh nặng kinh tế khi nước này tiếp nhận thêm người tị nạn nhưng quan điểm đó không xuất hiện trong cuộc biểu tình này.

    Anh Mike O'Flin, một cư dân London bày tỏ: “Chúng ta có thể trích ra 1.200 tỷ bảng Anh để cứu lấy các ngân hàng, chúng ta có thể mua đầu đạn hạt nhân, tàu ngầm. Mỗi lần nã pháo vào Iraq hay Syria chúng ta ngốn của đất nước này đến 800.000 bảng Anh. Vậy thì đất nước của chúng tôi cũng phải có khả năng giúp đỡ những người đang trong cuộc khủng hoảng nhận đạo này”.

    Tại các thành phố lớn của Tây Ban Nha ngày 12/9 cũng diễn ra các cuộc tuần hành thể hiện sự ủng hộ với những người tị nạn khỏi các nước chiến tranh như Syria. Với khẩu hiệu “Chào đón người tị nạn, Vì một chính sách châu Âu có trách nhiệm”, những người tham gia tuần hành kêu gọi một chính sách công bằng vào hào phóng hơn đối với người tị nạn.

    Tổng thư ký Ủy ban viện trợ cho người tị nạn của Tây Ban Nha (CEAR) Estrella Galan Perez cho rằng: “Điều không thể chấp nhận được là các nước đang nỗ lực đàm phán về số lượng người tị nạn mà họ sẽ tiếp nhận. Hãy tính đến số lượng người tị nạn trên thế giới. Chúng ta không thể quên rằng có 4 triệu người tị nạn Syria nhưng trên tổng số 60 triệu người tị nạn trên toàn thế giới”.

    Thông tin từ Tri thức trực tuyến, theo số liệu từ Liên Hợp Quốc, từ đầu năm tới nay, 2.500 người tị nạn đã thiệt mạng. Họ phải di chuyển qua nhiều tuyến đường nguy hiểm như sa mạc trước khi vượt biển. Thậm chí, những người này chết dưới tay những kẻ bất lương trên trong hành trình tới "miền đất hứa".

    Các tuyến đường tới châu Âu chủ yếu do những kẻ buôn người vẽ ra. Chúng chỉ biết thu tiền và không quan tâm tới những chuyện xảy ra sau đó. Những kẻ lái tàu chở hàng trăm người nhập cư rồi thậm chí nhốt họ vào vỏ của các tàu chìm. Gần đây, 70 người nhập cư chết ngạt trong xe tải trên hành trình tới Áo.

    Giới chức châu Âu đã đưa ra được một số quyết sách để bước đầu giải quyết cuộc khủng hoảng người nhập cư hiện nay nhưng vẫn chỉ “như muối bỏ bề” và thực sự chưa tìm được tiếng nói chung giữa các nước có nền tảng kinh tế vững mạnh hơn và những nước khó có thể một mình gánh lấy trách nhiệm đối với người tị nạn.

    Cách duy nhất để ngăn tình trạng di cư là các cuộc xung đột tại tại Syria, Iraq và nhiều quốc gia khác chấm dứt. Hầu hết người tị nạn đều khẳng định họ sẽ trở về nhà nếu có thể.

    Đức An (Tổng hợp)

    Xem thêm video:

    [mecloud]saVn8LugEi[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/khung-hoang-nguoi-ti-nan-chau-au-nhung-phan-ung-trai-chieu-a110423.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.