Khi đứng trên đỉnh của tòa lâu đài Blarney, du khách có thể quan sát toàn cảnh khu vườn Poison Garden (còn gọi là vườn Alnwick) rộng 1.000 mẫu Anh. Nơi đây hấp dẫn du khách với cách bố trí hợp lý và không gian thoáng đãng.
Hoa cỏ trong vườn khoe sắc quanh năm, cây cảnh tại đây được cắt tỉa cẩn thận, xếp thành hàng lối. Đặc biệt, vườn Poison Garden từng được các nhà làm phim Harry Porter sử dụng làm bối cảnh cho trường Hogwarts.
Tuy nhiên, ẩn sau vẻ đẹp của khu vườn này là cánh cổng đen, với dòng chữ yêu cầu du khách không nên tùy tiện lại gần, ngửi hoặc chạm vào bất cứ loài cây nào.
Được mở cửa từ năm 2005, Poison Garden là “đứa con tinh thần” của bà Jane Percy -Nữ công tước xứ Northumberland, một hạt ở Đông Bắc nước Anh trải dài đến biên giới với Scotland, sau khi anh trai của chồng bà đột ngột qua đời.
Theo đó, sau khi cùng gia đình chuyển đến sống trong lâu đài, chồng bà Percy muốn bà làm gì đó với những khu vườn. Thời điểm này, nơi đây mới chỉ là một khu lâm nghiệp thương mại bị bỏ hoang, chẳng có gì khác ngoài những hàng cây thông Noel.
Bà Percy kể, ban đầu chồng bà chỉ nghĩ rằng vợ mình sẽ trồng một vài bông hồng nhưng nữ công tước đã làm nhiều hơn thế. Năm 1996, bà thuê Jacques Wirtz - một kiến trúc sư nổi tiếng về thiết kế cảnh quan, giúp tạo dựng khu vườn.
Theo Smithsonian, bà Percy cho hay muốn thử làm gì đó khác biệt với những khu vườn khác nằm rải rác ở vùng nông thôn nước Anh. Ý tưởng đầu tiên của bà là một khu vườn bào chế thuốc.
Thế nhưng, sau một chuyến đi đến Italy, bà Percy đã nảy ra ý tưởng mới. Cụ thể, sau khi đến thăm khu vườn thuốc độc khét tiếng Medici, nữ công tước cũng muốn tạo ra một khu vườn tương tự.
Từ ý tưởng này, bà bắt đầu thu thập các loại cây có độc cho vườn Poison Garden. Trong khi lựa chọn 100 giống cây cuối cùng sẽ trồng ở đó, bà chỉ có một yêu cầu là những loại cây phải có một câu chuyện thú vị đằng sau chúng.
Khu vườn Poison Garden là một bộ sưu tập các loại cây độc hại từ khắp nơi trên thế giới như hoa wolfsbane, mandrake, ricin hay cây cần sa.
Trong hình là cây Cửu lý hương, có tên khoa học là Common Rue hay Ruta graveolens. Cửu lý hương có mùi rất khó chịu được sử dụng là thành phần của thuốc chống côn trùng và các loại thuốc giải độc. Tuy nhiên, nếu sử dụng không đúng cách, nó có thể gây nôn mửa và các vấn đề tiêu hóa khác, thậm chí có thể tử vong.
Hoa loa kèn của thiên thần có mùi thơm dễ chịu và nhiều màu sắc nhưng thực chất lại chứa chất độc có thể gây chết người. Tất cả bộ phận của cây chứa lượng lớn độc tố tropane alkaloid, đặc biệt trong hạt và lá. Nếu vô tình nuốt phải thì sẽ bị nôn, tiêu chảy, tê liệt, gặp ảo giác, thậm chí tử vong.
Trước mỗi loại cây đều có một biển báo nguy hiểm đi kèm thông tin thú vị về độc tính của từng loại và nhiều cách sử dụng khác nhau trong lịch sử. "Đừng động, ngửi hay ăn bất cứ loài cây nào! Trẻ em phải có người lớn đi kèm trong suốt thời gian ở đây" là thông điệp được thể hiện trên các tấm biển cảnh báo được những người quản lý vườn cắm ở khắp nơi.
Một số cây cực độc được bảo vệ bởi lồng thép để ngăn chặn sự tiếp xúc vô tình của một số người hiếu kỳ. Đáng chú ý, khu vực cây hoang dã có nhiều loại cây độc nguy hiểm nhất đối với loài người và đã “cướp đi sinh mạng” của con người trong nhiều trường hợp.
Vườn Poison Garden cũng trồng một số loại cây được sử dụng rộng rãi làm phương pháp chữa bệnh cho một số loại bệnh. Tuy nhiên, chúng cũng có nhiều tác dụng phụ nguy hiểm tới sức khỏe và tính mạng của con người.
Theo quy định, du khách không được chạm, ngửi, nếm hoặc thậm chí là đứng gần các cây trong khu vườn Poison Garden. Chỉ 20 du khách được phép tham quan khu vườn mỗi lần để đảm bảo hướng dẫn viên có thể bao quát tất cả mọi người.
Người làm vườn tại Poison Garden được huấn luyện đặc biệt để chăm sóc cây. Họ phải đeo găng tay, thậm chí là cả khẩu trang khi chăm sóc một số loại cây nhất định.
Tuy đã được hướng dẫn và cảnh báo, du khách vẫn có thể trở thành nạn nhân của những loài thực vật nói trên. Các trường hợp ngất xỉu do ngửi phải hương hoa độc thỉnh thoảng xảy ra, đặc biệt vào mùa hè. Được biết, vào mùa hè năm 2014, 7 du khách đã ngất xỉu sau khi hít phải hương độc.
Bỏ qua những nguy hiểm từ các loài thực vật, Poison Garden có vô vàn tượng điêu khắc tuyệt đẹp, với công nghệ ánh sáng và tưới nước tối tân. Tại khu vườn này, du khách cũng có thể chiêm ngưỡng một trong những ngôi nhà cây lớn nhất thế giới.
Nơi đây còn là một khu vườn phức hợp khổng lồ, với các vườn nhỏ kiểu hiện đại, đường vòm cây, đài phun nước lớn, vườn anh đào và nhà kính, cùng nhà hàng, quầy bar.
Ảnh: Smithsonian, Alnwick Garden, NY Times
Theo: Người đưa tin Copy link
Link bài gốc Lấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/khu-vuon-trong-cac-cay-co-oc-to-cuc-manh-chi-ngui-cung-co-the-ngat-xiu-a421326.html