+Aa-
    Zalo

    Khu du lịch sinh thái gần trăm tỷ “trùm mền” bỏ hoang

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Được đầu tư với số tiền gần 90 tỷ đồng nhưng sau một thời gian đi vào hoạt động và bị thua lỗ, Khu du lịch sinh thái – văn hóa Bản Đôn (Đắk Lắk) đã bỏ hoang.

    (ĐSPL) - Được đầu tư với số tiền gần 90 tỷ đồng nhưng sau một thời gian đi vào hoạt động và bị thua lỗ, Khu du lịch sinh thái – văn hóa Bản Đôn, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk) đã “đắp chiếu” bỏ hoang.
    Năm 2005, UBND tỉnh Đắk Lắk phê chuẩn dự án xây dựng khu du lịch sinh thái – văn hoá Bản Đôn với nguồn kinh phí đầu tư lên đến gần 90 tỷ đồng (trong đó vốn của Nhà nước gần 63 tỷ đồng). Công ty TNHH MTV Cao su Đắk Lắk là đơn vị chủ quản. Tuy nhiên, do làm ăn thua lỗ nên hơn 6 tháng nay, khu du lịch này đã “đắp chiếu” bỏ hoang, gây lãng phí vốn đầu tư của Nhà nước. Theo thống kê, sau 9 năm hoạt động công ty này đã thua lỗ tới 71 tỷ đồng.
    Khu du lịch sinh thái – văn hoá Bản Đôn nằm gần sông Sêrêpốk huyền thoại, là mảnh đất được thiên nhiên khá ưu đãi khi có rừng, có hồ nước, tạo nên cảnh sắc thiên nhiên hài hoà. Tuy nhiên, từ khi tạm dừng hoạt động, nơi này đã biến thành một khu rừng hoang thưa vắng bóng người qua lại.
    Hoang vắng người qua lại, nhiều cơ sở hạ tầng bị xuống cấp
    Từ cổng dẫn vào trung tâm khu du lịch với quãng đường hơn một cây số, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là mùi khét lẹt bay ra từ những đống xác cây của khu rừng tái sinh vừa bị cháy cách đó hơn 2 tuần. Ở khu du lịch này, giờ chỉ duy trì 5 nhân viên bảo vệ để trông coi cơ sở hạ tầng. “Phải trông coi cẩn thận, nếu không người dân xông vào lấy hết tài sản”, anh Lý Anh Thắng nhân viên bảo vệ nói.
    Cổng chính ra vào khu du lịch sinh thái – văn hoá Bản Đôn đã dựng biển “tạm dừng hoạt động” được hơn 6 tháng nay
    Vào bên trong trung tâm khu vui chơi của khu du lịch, các trang thiết bị, cơ sở hạ tầng đang có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng, trong đó khu nhà người Lào và khu nhà người Êđê (khu nhà nghỉ được thiết kế theo kiểu nhà của người Lào và người Êđê – PV) có nhiều căn đã bị đổ nát. Tại đây, duy chỉ có chùa Tâm Linh là còn có người ở, “có hai nhà sư họ tình nguyện chuyển đến chùa sinh sống. Mấy năm nay, ở đây không có người ra vào, hoang vắng lắm”, anh Thắng cho biết thêm.
    Khu rừng tái sinh nơi dùng để nuôi dưỡng voi đã bị cháy rụi
    Khu nhà Êđê và nhà Lào bị dột nát, để hoang nên đã bị hư hỏng nghiêm trọng
    Năm 2005, khu du lịch sinh thái – văn hoá Bản Đôn được xây dựng. Đến tháng 3/2012, khu du lịch này được cổ phần hoá với tổng vốn 112 tỷ đồng (trong đó vốn nhà nước chiếm trên 40\%, còn lại của Công ty TNHH MTV cao su Đắk Lắk). Cũng từ lúc cổ phần hoá, khu du lịch đã liên tục làm ăn thua lỗ. Theo báo cáo, từ tháng 3/2012 đến tháng 12/2013, lỗ 26 tỷ đồng. Tính từ năm 2005 đến nay, sau 9 năm kinh doanh công ty này thua lỗ đến 71 tỷ đồng, gây thất thoát ngân sách Nhà nước và lãng phí tài nguyên rừng.
    Khu vui chơi giải trí, công viên nước bỏ hoang, các trang thiết bị đang có dấu hiệu hoen gĩ, hư hại dần
    Ông Vũ Minh Thoại, Trưởng phòng Văn hoá - Thông tin huyện Buôn Đôn cho biết: “Bản thân tôi đã từng làm tại khu du lịch sinh thái – văn hoá Bản Đôn. Theo tôi, nguyên nhân khiến khu du lịch này đóng cửa nhanh chóng nằm ở khâu thưa vắng khách và cách quản lí còn nhiều bất cập, nên đã làm thất thoát kinh phí”.
    Cũng theo ông Thoại, thực chất khu du lịch sinh thái – văn hoá Bản Đôn làm ăn đã bị thua lỗ từ trước đó. “Vào thời điểm cao su còn được giá, công ty TNHH MTV Cao su Đắk  Lắk lấy chỗ này bù vào chỗ kia. Đến khi cao su mất giá, không có nguồn bù nên mới lộ ra sự thật, công ty làm ăn bị thua lỗ bấy lâu nay”, ông Thoại nói.
    Thiết nghĩ, một công trình tiền tỷ như trên nhưng phải “trùm mền” bỏ hoang sẽ gây nhiều thất thoát, lãng phí cho nhà nước. Nếu được đầu tư, cải tạo đúng cách, khu du lịch sinh thái –văn hoá Bản Đôn hứa hẹn sẽ là điểm du lịch hấp dẫn của tỉnh Đắk Lắk.
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/khu-du-lich-sinh-thai-gan-tram-ty-trum-men-bo-hoang-a88366.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan