Theo báo Dân Trí, khu đất 3 mặt tiền ở giao lộ Lý Thái Tổ, Hùng Vương và Trần Bình Trọng, gần ngã 6 Cộng Hòa, từng là tài sản của gia đình ông Hứa Bổn Hòa (tên thật là Huỳnh Văn Hoa, còn gọi là chú Hỏa).
Được biết, chú Hỏa là người Việt gốc Hoa, sinh năm 1845, được mệnh danh là "vua nhà đất" Sài Gòn xưa. Ông là một trong những đại gia nổi tiếng của Sài Gòn cuối thế kỷ 19.
Trên khu đất rộng hơn 37.000 m2 (hơn 3,7 ha) tại quận 10, có 8 căn biệt thự được xây dựng trước năm 1975, là nơi nghỉ ngơi của gia đình chú Hỏa. Các biệt thự này mang kiến trúc riêng lẻ, tiêu biểu cho giai đoạn phát triển kiến trúc Sài Gòn trước 1975.
Cụm biệt thự được xây dựng theo kiến trúc Pháp, có hướng cách tân theo kiến trúc mái bằng, mặt tiền đá rửa, vốn là vật liệu mới được du nhập về thay cho cách xây tường truyền thống.
Khi xây nhà, các kiến trúc sư người Pháp đã có biến tấu cho phù hợp với khí hậu nhiệt đới như mỗi biệt thự đều có mái đón, ban công, sân thượng, hiên, vườn cảnh...
Theo ghi chép, một căn đã bị hư hỏng, chỉ còn lại 7 căn như hiện nay. Sau năm 1975, các biệt thự này trở thành nhà khách Chính phủ, do Bộ Ngoại giao quản lý, dùng để đón tiếp các đoàn khách cấp cao đến thăm và làm việc tại TP.HCM.
Năm 1996, từ nghiên cứu của các chuyên gia thuộc Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, UBND thành phố ra thông báo danh sách 108 cảnh quan kiến trúc cần được nghiên cứu bảo tồn, trong đó có cụm biệt thự này, theo thông tin trên VnExpress.
7 căn biệt thự từng được đưa vào liên doanh, liên kết nhưng đã bị hủy bỏ do không đúng quy định. Năm 2011, Bộ Tài chính đồng ý đem tài sản này ra đấu giá nhưng không thực hiện được và bỏ hoang từ năm 2017 đến nay, các công trình bên trong xuống cấp. Cử tri quận 10 nhiều lần kiến nghị xử lý khu đất "vàng" bằng cách bán đấu giá hoặc xây trung tâm thương mại, căn hộ cao cấp...
Hiện, chính quyền TP.HCM và Bộ ngoại giao thống nhất chuyển giao cụm biệt thự cho thành phố quản lý. Theo Sở Tài chính TP.HCM, sau khi hoàn tất thủ tục chuyển, chính quyền thành phố sẽ lập kế hoạch chi tiết cho triển khai dự án. Thành phố đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị liên quan để chuẩn bị các bước tiếp theo.
Theo chia sẻ của Khương Văn Mười - nguyên Phó chủ tịch Hội kiến trúc sư Việt Nam, người từng được chính quyền TP.HCM, Bộ Ngoại giao mời góp ý cho khu đất, việc chuyển đổi công năng 3,7 ha đất cần tính đến nhiều yếu tố.
Đầu tiên, quận 10 thiếu cây xanh công cộng, khu đất như mũi tam giác hướng thẳng tới ngã 6 Cộng Hòa, nút giao thông vốn dĩ được xây dựng cho một đô thị ít dân.
Tiếp đến, nguyên tắc chuyển đổi mang đến lợi ích tốt hơn cho người dân, bù đắp những gì địa phương còn thiếu. Trường hợp bảo tồn, đơn viên liên quan phải tính được kinh phí và phát huy được hiệu quả.
Chuyên gia chia sẻ, tính từ mũi tam giác đi vào hơn nửa khu đất nên để dành làm cây xanh và không gian để phát triển nút giao thông. Phần đất còn lại, tùy vào quy hoạch của thành phố, các tuyến metro trong tương lai, nhu cầu của quận 10 để có phương án phù hợp.