Trên website của một cơ quan công tố Trung Quốc đã đăng tải một vụ án gây hoang mang dư luận xứ tỷ dân.
Theo đó, người đàn ông họ Ngô (48 tuổi, làm nông tại huyện Qua Châu, thị Vĩnh Tĩnh, tỉnh Cam Túc) gặp chị Triệu, người làm thuê cho gia đình anh ta, vào năm 2019.
Sau thời gian tiếp xúc, cả hai nhanh chóng có tình cảm và có quan hệ yêu đương.
Vào tháng 12/2021, họ bắt đầu thảo luận về việc gây dựng gia đình, nhưng trong vài lần trao đổi, cả hai đều không thấy hài lòng, thoải mái.
Ngày 9/12 cùng năm, trong khi bàn về việc cưới hỏi và tiền sính lễ, hai bên tranh cãi dữ dội, chị Triệu tuyên bố không muốn kết hôn với Ngô nữa.
Cũng chính từ đây bi kịch của cô gái họ Triệu bắt đầu. Vì nghĩ người yêu đang chỉ lợi dụng mình để lấy tiền, khi không lợi dụng được thì trở mặt khiến Ngô đem lòng thù hận nung nấu ý định trả thù.
Ngô sau đó đã mang theo con dao, đi xe taxi đến nhà Triệu và trèo qua hàng rào phía sau để ẩn náu trong sân. Đến khoảng nửa đêm, khi chị Triệu đã đi ngủ, Ngô phá vỡ kính cửa sổ phòng ngủ, trèo vào phòng đâm vị hôn thê.
Thấy chị đã chết, Ngô lấy một tờ giấy vệ sinh nhúng máu trên đất để viết hai dòng chữ: "Tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện giết người", "Đây là cô Triệu ép tôi làm điều ác". Sau đó, tên sát nhân tìm thấy một chai rượu trắng và một chai rượu ngoại, ngồi uống một mình trong phòng khách của nạn nhân.
Trưa hôm sau, con trai nạn nhân thấy không thể liên lạc với mẹ nên lo lắng đi từ thành phố về nhà kiểm tra tình hình. Anh thấy cửa sổ phòng ngủ của mẹ bị vỡ, liền mở cửa bước vào và thấy mẹ đã tử vong. Lúc này, Ngô vẫn đang ngồi ở sân trong. Thấy con trai chị Triệu, tên sát nhân rút dao đâm liên tiếp. Con trai chị Triệu chạy khỏi hiện trường và báo cảnh sát.
Sau đó, Ngô đã cố tự tử, dùng con dao đâm vào ngực và bụng mình, sau đó bò qua hàng rào rời đi. Gã bị cảnh sát bắt giữ 2 giờ sau đó.
Trong phiên toà diễn ra vài ngày trước, Ngô bị buộc tội cố ý giết người, đại diện công tố đề xuất án tử hình.
Theo điều tra của các chuyên gia, “sính lễ trên trời”, hay sính lễ có giá trị cao ngất ngưởng, thay đổi dựa theo tình hình phát triển kinh tế của các khu vực ở Trung Quốc. Thực trạng sính lễ diễn biến cực đoan đến nỗi đàn ông muốn lấy vợ chỉ cần đến hỏi giá sính lễ, vừa ý thì lập tức tổ chức đám cưới.
Chuyên gia cho rằng, tập tục đám cưới mặc dù phản ánh văn hóa truyền thống nhưng không chỉ là chuyện riêng của một cá nhân hay một gia đình, mà còn thể hiện cả trình độ phát triển của xã hội.
Thực trạng "sính lễ trên trời" gây ảnh hưởng đến cuộc sống sau hôn nhân và hạnh phúc của các cặp đôi, tạo nên nhiều mâu thuẫn và khó khăn cho kinh tế gia đình, phá hủy tư tưởng tích cực và phạm vi đạo đức.
Thùy Dung(T/h)