(ĐSPL) – Luật sư cho rằng, việc điều động nữ giáo viên đi tiếp khách là một chuyện không thể tưởng tượng nổi trong môi trường giáo dục. Không thể ép các nữ giáo viên trở thành những nhân viên đi tiếp khách, đi ăn, đi hát và khiến họ phải chịu đựng những hành động ôm vai bá cổ của khách.
Vừa qua, báo chí đã đăng tải một câu chuyện gây bức xúc trên mạng xã hội về việc UBND thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) đã nhiều lần gửi công văn đến Phòng GDĐT, các trường mầm non, tiểu học, THCS đóng trên địa bàn với nội dung: Điều động cán bộ, giáo viên nữ tham gia phục vụ tại các dịp lễ lớn. Số lượng lễ tân được lên danh sách dựa trên việc đề cử sẵn từ các đơn vị.
Yêu cầu nêu trên của UBND thị xã Hồng Lĩnh đã khiến hàng chục giáo viên trở thành “lễ tân” bất đắc dĩ trong các cuộc liên hoan, ăn uống, nhậu nhẹt của các vị cán bộ vã những vị khác của lãnh đạo thị xã.
Sau khi nhận nhiệm vụ tiếp đón các đoàn khách, các cô tiếp tục phải đi ăn, uống rượu, rồi hát hò với quan khách. Báo Người đưa tin dẫn lời một giáo viên mầm non: “Trong bữa tiệc, khi chén bia chén rượu vào, sẽ không tránh khỏi những hành động như ôm vai, bá cổ. Tỏ thái độ thì không được, sợ mất lòng quan khách; thậm chí là bị cấp trên phê bình gay gắt. Nhưng nếu dễ dãi quá sẽ bị lấn lướt, lợi dụng…".
Ảnh minh họa. |
Giải thích điều này, ông Lê Bá Thiềm, Trưởng phòng GDĐT thị xã Hồng Lĩnh xác nhận: Có sự điều động này, có việc giáo viên nữ tham gia phục vụ tại các buổi lễ. "Chuyện đi tiếp khách là hoàn toàn trong sáng. Tuy nhiên, trong các bữa tiệc, rượu vô thì lời ra; ai đó có một hành động không đẹp thì cũng là chuyện bình thường trong cuộc sống".
Liên quan tới sự việc, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Luật sư Lê Văn Kiên – Trưởng văn phòng Luật sư Ánh sáng Công lý để tìm hiểu sự việc.
Thưa luật sư, xin ông cho biết việc UBND thị xã Hồng Lĩnh gửi công văn điều động cán bộ, giáo viên nữ tham gia phục vụ tại các dịp lễ lớn có đúng với thẩm quyền?
Như chúng ta đã biết, giáo viên là một nghề cao quý, họ là những người giảng dạy, giáo dục cho học sinh, sinh viên, lên kế hoạch, tiến hành các tiết dạy học, thực hành và phát triển các khóa học nằm trong chương trình giảng dạy của nhà trường đồng thời cũng là người kiểm tra, ra đề, chấm điểm thi cho học sinh để đánh gia chất lượng từng học trò.
Vai trò và nhiệm vụ của giáo viên là vậy, họ không phải là “lễ tân” để phải đi ăn, uống rượu, rồi hát hò với quan khách theo sự yêu cầu của người khác.
Đặc biệt, nếu là giáo viên nữ, việc UBND thị xã Hồng Lĩnh có văn bản yêu cầu như vậy là không thể chấp nhận được.
Theo Trưởng phòng GDĐT thị xã Hồng Lĩnh, việc các giáo viên nữ tiếp khách và phải nhận những hành động không đẹp là điều hoàn toàn bình thường trong cuộc sống, quan điểm của ông là gì trong việc này?
Không biết vị trưởng phòng GDĐT thị xã Hồng Lĩnh suy nghĩ như thế nào khi nói đó là chuyện bình thường, với tôi đây là một chuyện không thể tưởng tượng nổi trong môi trường giáo dục. Một chuyện phản cảm, thiếu văn hóa và không thể chấp nhận. Tại sao lại có thể ép các nữ giáo viên trở thành những nhân viên đi tiếp khách, đi ăn, đi hát và khiến họ phải chịu đựng những hành động ôm vai bá cổ của khách?
Việc trưởng phòng giáo dục nói rằng giáo viên tiếp khách xong bị sàm sỡ là chuyện bình thường thì nhận định đó là hành vi của người vô văn hóa. Không xứng đáng là người quản lý ngành sư phạm của một thị xã, một huyện. Đáng lẽ ra ông ta phải bảo vệ các giáo viên là ngưòi của mình quản lý thì ông ta lại cho rằng đó là việc bình thường và các giáo viên phải làm.
Mặt khác, các giáo viên không có nghĩa vụ phải đi làm lễ tân như điều động của UBND thị xã trừ khi họ tự nguyện. Hợp đồng của giáo viên là hợp đồng giảng dậy, đào tạo tại ngôi trường họ đã ký hợp đồng lao động chứ không phải là hợp đồng làm lễ tân cho bất cứ một cơ quan nhà nước hoặc doanh nghiệp nào khác.
Luật sư có cho rằng việc này là vi phạm pháp luật?
Tôi tin rằng nếu không phải vì bị ép buộc thì sẽ không có nữ giáo viên nào chấp nhận đi làm “lễ tân” để cho những quan khách bá vai bá cổ.
Cơ quan báo chí đăng tải, một giáo viên mầm non đã ngâm ngùi: “Trong bữa tiệc, khi chén bia chén rượu vào, sẽ không tránh khỏi những hành động như ôm vai, bá cổ. Tỏ thái độ thì không được, sợ mất lòng quan khách; thậm chí là bị cấp trên phê bình gay gắt. Nhưng nếu dễ dãi quá sẽ bị lấn lướt, lợi dụng…".
Rõ ràng trong chuyện này cô giáo đã bị xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm. Pháp luật nghiêm cấp bất cứ ai được xúc phạm tới danh dự, nhân phẩm người khác.
Theo tôi, Sở GDĐT Hà Tĩnh phải lên tiếng ngay, chấn chỉnh hoạt động gây nên sự phản cảm và nỗi bức xúc cho các nữ giáo viên.
Các nữ giáo viên phải được tôn trọng, không ai có quyền lợi dụng danh nghĩa “cấp trên” để điều động họ vào những công việc không hợp lý như vậy.
Xin cảm ơn và chúc sức khỏe luât sư!
Ngày 14/11, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ký văn bản hỏa tốc gửi Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị chỉ đạo kiểm tra, làm rõ thông tin về việc điều động giáo viên phục vụ sự kiện, hội nghị. Văn bản nêu rõ: Theo phản ánh của các phương tiện thông tin đại chúng, thời gian qua, UBND thị xã Hồng Lĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) đã điều động một số giáo viên phục vụ các sự kiện, hội nghị tổ chức tại địa phương. Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng việc bố trí giáo viên làm các công việc có thể ảnh hưởng tới uy tín, hình ảnh của người giáo viên và việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn là không phù hợp. Bộ GD&ĐT đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo kiểm tra, làm rõ thông tin trên; chỉ đạo Ủy ban nhân dân thị xã Hồng Lĩnh tổ chức rút kinh nghiệm kịp thời nếu đúng như báo chí phản án |
Xuân Tùng (Thực hiện)
[mecloud]SNBEOVpVww[/mecloud]