Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng quy định trình độ đào tạo Thạc sỹ, Tiến sỹ tương ứng với bậc quân hàm của quân nhân chuyên nghiệp là chưa phù hợp.
Sáng nay (13/8), sau khi thảo luận về dự thảo Pháp lệnh Quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất quan điểm nâng từ Pháp lệnh lên thành Luật và sẽ trình đề nghị bổ sung vào chương trình xây dựng luật và pháp lệnh 2015.
Một trong những lý do quan trọng được nêu ra để xây dựng Luật Quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng là tính hợp hiến. Bởi lẽ, quy định về cấp bậc quân hàm của quân nhân chuyên nghiệp và công nhân thuộc thẩm quyền của Quốc hội quy định hàm cấp trong lực lượng vũ trang nhân dân tại khoản 12 Điều 70 Hiến pháp.
Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ trình bày Tờ trình về Quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng tại phiên họp UBTVQH. |
Tờ trình do Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ- Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trình bày cho biết, cấp bậc quân hàm của quân nhân chuyên nghiệp được xác định tương ứng với trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ và mức lương để đáp ứng yêu cầu công tác chỉ huy, quản lý trong Quân đội nhân dân, gồm có từ cấp Thiếu úy đến cấp Thượng tá.
Bậc quân hàm cao nhất của quân nhân chuyên nghiệp có trình độ cao cấp là Thượng tá quân nhân chuyên nghiệp; có trình độ trung cấp là Trung tá; có trình độ sơ cấp là Thiếu tá.
Đa số ý kiến trong Ủy ban Quốc phòng- An ninh của Quốc hội cũng tán thành quy định bậc quân hàm cao nhất của QNCN. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị quy định phù hợp từng trình độ cụ thể hơn, theo đó: QNCN có trình độ sơ cấp cao nhất là Trung úy; trình độ trung cấp cao nhất là Đại úy và trình độ đại học cao nhất là Thiếu tá; QNCN có trình độ Thạc sĩ cao nhất là Trung tá; có trình độ Tiến sĩ cao nhất là Thượng tá.
Nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội không đồng tình với cách quy định này. Theo ông Đào Trọng Thi- Chủ nhiệm Ủy ban VH-GD-TTN-NĐ, trình độ đào tạo chỉ là điều kiện để xét chứ không thể gắn luôn với bậc quân hàm.
Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn nói: “Không phải cứ Tiến sĩ là Thượng tá còn Thạc sĩ là Trung tá. Việc thăng cấp bậc quân hàm còn căn cứ vào cống hiến và nhiều yếu tố khác. Nhiều người giàu kinh nghiệm và giỏi chuyên môn trong lực lượng nhưng có văn bằng Tiến sĩ đâu”. Ngoài ra, ông Sơn cũng như nhiều ý kiến khác đề nghị làm rõ cơ sở tại sao quy định bậc quân hàm cao nhất của QNCN chỉ là Thượng tá mà không lên cấp Đại tá.
Giải trình thêm tại phiên họp, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ cho biết, bậc quân hàm của QNCN thực tế là phiên tương ứng từ hệ số mức thang lương. Đó là danh dự, biểu trưng của người đang làm trong quân đội, không liên quan đến văn bằng cao đẳng, thạc sĩ hay tiến sĩ, giáo sư.
Đại diện cơ quan soạn thảo cũng cho biết thêm quân hàm của QNCN không phải như quân hàm sĩ quan mà chỉ để xác định trình độ chuyên môn và phục vụ công tác chỉ huy điều hành của người chỉ huy và sự thống nhất, chính quy trong quân đội.
Về câu hỏi tại sao không có cấp quân hàm Đại tá QNCN, đại diện Cục Quân lực- Bộ Quốc phòng cho rằng thực tiễn xác định ở Thượng tá là phù hợp với thang bảng lương, vì đến mức Thượng tá cũng là hết tuổi tại ngũ, nghỉ hưu. Nếu nâng lên Đại tá sẽ rải ra nhiều thang bậc lương.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đề nghị ban soạn thảo tiếp tục phối hợp với cơ quan thẩm tra nghiên cứu, gia cố, hoàn thiện nội dung từ dự thảo Pháp lệnh thành dự án Luật Quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng để trình đề nghị bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2015 trên tinh thần luật này thông qua tại một kỳ họp Quốc hội.
Theo VOV