Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng thanh niên xung phong đại diện cho hòa bình vì vậy không nên trang bị vũ khí cho lực lượng này.
Chiều 31/10, Quốc hội đã nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Thảo luận tại tổ TP. HCM, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng quy định về thời điểm nổ súng phải hết sức chi tiết nếu không đi vào cuộc sống sẽ khó cho người sử dụng phương tiện và khó cả cho những công dân. "Đâu là điểm dừng, đâu là tình huống sẽ xảy ra nổ súng phải có ranh giới rõ ràng", đại biểu Nghĩa nói.
Về việc có trang bị vũ khí cho lực lượng thanh niên xung phong hay không, đại biểu Nghĩa cho rằng thanh niên xung phong mặc áo xanh hòa bình nên không đặt vấn đề trang bị vũ khí cho lực lượng này.
"Đã nói vũ khí là những lực lượng an ninh quốc phòng, những lực lượng này thiếu người hay sao phải đưa vũ khí cho thanh niên xung phong? Nếu trang bị vũ khí cho lực lượng thanh niên xung phong có thể gây xung đột xã hội". đại biểu Nghĩa nêu vấn đề.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa. Ảnh: Tiến Tuấn. |
Đại biểu Nghĩa đề nghị phải học tập, tham khảo kinh nghiệm nước ngoài về việc nổ súng, quy định nổ súng gây sát thương ra sao. Trong khi đó đại biểu Nguyễn Minh Hoàng nêu vấn đề phải có tổng kết về các trường hợp nổ súng đã xảy ra.
Đại biểu Dương Ngọc Hải cũng lo lắng việc nổ súng đôi khi phụ thuộc vào ý chí của người sử dụng súng. "Nổ súng sớm quá anh có thể chịu trách nhiệm, nổ súng trễ quá thì nguy hiểm tính mạng. Quy định phải rõ ràng hơn, không thể chung chung" , đại biểu Hải nói.
Trao đổi về vấn đề nổ súng, thượng tướng Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng An ninh cho hay việc nổ súng được quy định tương đối chặt chẽ, nổ súng có cảnh báo và không cảnh báo.
"Nổ súng cảnh báo để đối tượng phải dừng hành động và khi quá giới hạn đó thì người sử dụng vũ khí có quyền nổ súng tiêu diệt", thượng tướng Việt cho hay.
Chủ nhiệm Ủy ban quốc phòng và an ninh Võ Trọng Việt. Ảnh: Quochoi.vn. |
Thượng tướng Việt cũng cho rằng trên thực tế cũng có người cầm súng lúng túng, cũng có khi không đáng nổ súng thì lại nổ súng nên có trường hợp phải ra tòa.
Theo ông Việt việc lúng túng trong sử dụng súng không phải do luật mà do công tác huấn luyện sử dụng vũ khí, cũng như người lái xe không thạo xe đáng ra phải nhấn phanh thì lại nhấn ga và ngược lại.
Về trường hợp nổ súng không cảnh báo, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh cho hay quy định nổ súng không cảnh báo như trong trường hợp bảo vệ yếu nhân, nếu không tiêu diệt đối phương thì nguy hại xảy ra.
"Cần trao cho người cầm súng có quyền chủ động vì đối tượng bảo vệ cao hơn, phức tạp hơn, cần phản ứng nhanh hơn nên có thể tiêu diệt không cảnh báo. Ngoài ra vì tính nhân đạo nếu phát hiện đối phương là phụ nữ, trẻ em, người tàn tật thì nhất định không được nổ súng", thượng tướng Việt nhấn mạnh.
Sau khi thảo luận tại tổ, Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ sẽ được Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường vào ngày 7/11.
Xem thêm video:
[mecloud]VKmDnVbRGx[/mecloud]