+Aa-
    Zalo

    Không nên bỏ đồ quý giá trong hành lý ký gửi khi đi máy bay

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Anh Mai Quang Huy (Ngụ tại Hà Nội) vừa có đơn phản ánh đến Báo Đời Sống và Pháp Luật về việc anh bị mất tiền và tư trang trong hành lý ký gửi trên chuyến đi từ cảng hàng

    Anh Mai Quang Huy (Ngụ tại Hà Nội) vừa có đơn phản ánh đến Báo Đời Sống và Pháp Luật về việc anh bị mất tiền và tư trang trong hành lý ký gửi trên chuyến đi từ cảng hàng không sân bay Tân Sơn Nhất tới Côn Đảo.

    Trong đơn anh Huy viết: “Ngày 22/12 anh và gia đình đi chuyến bay số hiệu 0V8073 từ TP.HCM  đến Côn Đảo. Hành lý mang theo của tôi gồm một valy màu đen, bên trong có tiền,  tư trang và đồ dùng cá nhân”.

    Theo anh Huy do số lượng hành lý lớn nên anh đã dùng dịch vụ ký gửi tại Cảng hàng không Tân Sơn Nhất. Khi làm thủ tục, nhân viên hàng không đã caảnh báo anh không nên để tư trang, đồ vật có giá trị vào hành lý ký gửi và anh Huy vẫn quyết định gửi. Tuy nhiên sau đó, anh Huy lại có ý định muốn lấy valy để bỏ tiền và tư trang ra ngoài. Thế nhưng, do valy đã được theo băng chuyền vào khu vực cách lý xử lý và sắp đến giờ cất cánh nên  nhân viên không lấy ra được.

    Anh Huy chia sẻ “Tôi khá lo lắng về tài sản của tôi, tuy nhiên tôi tin tưởng đội ngũ nhân viên tại sân bay Tân Sơn Nhất. Chính vì thế tôi yên tâm lên máy bay”.

    Sau khi lấy hành lý tại Sân Bay Côn Sơn (Côn Đảo) và kiểm tra, anh Huy cho rằng bị mất tiền, tư trang trong hành lý. Anh Huy đã báo sự việc tới hãng hàng không và công ty Phục vụ mặt đất để tiến hành lập biên bản bất thường hành lý, ghi nhận hiện trạng hành lý và khai báo mất đồ trong hành lý ký gửi.

    Không nên bỏ đồ quý giá trong hành lý ký gửi khi đi máy bay (Ảnh minh họa)

    Trả lời PV Báo Đời Sống và Pháp Luật, đại diện hãng hàng không cho hay: “Nhân viên làm thủ tục đã làm đúng quy trình khi khuyến cáo khách không nên gửi đồ quý giá vào hành lý ký gửi. Khoảng 10 phút sau, khách quay lại đề nghị lấy túi xách nhưng không nói lý do vì sao lấy. Đại diện hãng đã liên lạc với cảng hàng không Tân Sơn Nhất và Côn Sơn để xác minh quá trình phục vụ chuyến bay.

    Ngày 26/2, cảng hàng không Tân Sơn Nhất có văn bản trả lời không phát hiện bất thường. Còn cảng hàng không Côn Đảo cũng thông báo sơ bộ không có bất thường khi phục vụ chuyến bay này”. Vị này cho biết thêm đang đợi văn bản trả lời chính thức của cảng hàng không Côn Đảo để có phản hồi chính thức tới hành khách.

    Đồ quý giá trong hành lý ký gửi thường … không được kê khai

    Các hãng hàng không đều có điều khoản kê khai hàng hóa giá trị lớn khi ký gửi. Khi đã kê khai mà hành lý thất lạc, hãng sẽ buộc phải bồi thường theo mức giá trị của hàng hóa, trừ khi họ chứng minh được giá trị kê khai lớn hơn giá trị thực tế.

    Tất nhiên, khi ký gửi hành lý có giá trị cao, bạn sẽ phải chịu một mức phí lớn hơn bình thường tùy theo quy định của hãng. Tuy nhiên, trên thực tế tỷ lệ thất lạc hành lý là rất thấp. Theo số liệu từ Hiệp hội Hàng không quốc tế IATA, 98,2% hành lý được vận chuyển theo đúng kế hoạch. Và đó cũng chính là lý do nhiều người quyết định không kê khai hành lý, tránh mất một khoản phí khá lớn mà... vô ích.

    Không nên bỏ đồ quý giá trong hành lý gửi máy bay

    Hành lý máy bay thường qua các khâu kiểm tra của an ninh, phục vụ hành lý, bốc xếp. Như vậy có quá nhiều bộ phận tham gia vào việc vận chuyển một kiện hành lý, từ khi làm thủ tục đến khi được đưa ra máy bay.

    Sau khi nhân viên của công ty phục vụ mặt đất làm thủ tục cho hành lý xong thì hành lý sẽ đi qua khu vực soi chiếu về về an ninh, các vấn đề liên quan đến an ninh sẽ do nhân viên an ninh giải quyết. Hãng vận chuyển, công ty phục vụ mặt đất và an ninh soi chiếu là các đơn vị khác nhau.

    Sau đó hành lý sẽ đi về khu vực băng chuyền. Ở đây có 1 bộ phận gọi là "phục vụ hành lý" thực hiện việc kiểm tra, phân loại các hành lý cho đúng từng chuyến bay và chặng bay, sau đó xếp vào những thùng hành lý.

    Tất nhiên họ làm việc dưới sự giám sát của cấp trên, và an ninh nhà ga. Sau đó những hành lý này mới được kéo ra tàu bay. Ở đây có một bộ phận khác được gọi là nhân viên bốc xếp chất hành lý lên máy bay.

    Như vậy có quá nhiều bộ phận tham gia vào việc phục vụ một kiện hành lý từ khi làm thủ tục đến khi được đưa ra máy bay. Ở đây chúng ta mới nói đến chuyến bay đi, và chừng ấy công đoạn cho chuyến bay đến (trừ khâu an ninh soi chiếu vì hành lý đến không cần soi chiếu). Vậy khi việc mất mát xảy ra chúng ta nên xem xét từ khâu nào? Đầu đến hay đầu đi? 

    Khi có các sự cố về mất mát về đồ đạc quý giá xảy ra thì hãng vận chuyển luôn gửi yêu cầu công ty phục vụ mặt đất điều tra và trả lời, sau đó chuyển đến khách hàng.

    Tại sao hãng vận chuyển lại khuyến cáo không để đồ quý giá trong hành lý ký gửi ? Vì họ muốn miễn trừ trách nhiệm. Vì họ không tham gia trực tiếp các công đoạn trên nên không dám đảm bảo việc mất mát, thất lạc sẽ không xảy ra. Và không có một cơ sở nào để chứng minh khách khai báo mất hành lý quí giá là thật hay giả mạo. Vì thế thường hãng hàng không sẽ bồi thường theo kilo.

    Khi đi máy bay, các đồ đạc quý giá nên mang theo người. 7kg hành lý xách tay là đủ vì nó sẽ luôn ở bên mình. Không nên bỏ vào hành lý ký gửi vì nó sẽ không được bất cứ một sự đảm bảo nào và theo khuyến cáo, và chính sách của hãng vận chuyển cũng vậy.

    Nguồn: Khỏe 365

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/khong-nen-bo-do-quy-gia-trong-hanh-ly-ky-gui-khi-di-may-bay-a265170.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan