Mới đây, một câu chuyện dở khóc dở cười đã xảy ra tại huyện Vĩnh Khang, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Cụ thể, vào tối 20/5, một người đàn ông họ Hùng, sau khi uống rượu say, đã đến đồn cảnh sát gây rối. Người đàn ông nói rằng mình vừa cãi nhau với người nhà, nên không muốn về nhà nữa, mong cảnh sát có thể tạm giam mình.
Khi bị từ chối, người đàn ông lớn tiếng: “Các anh không bắt tôi đúng không? Vậy giờ tôi đánh các anh thì các anh có lý do để bắt tôi rồi chứ?”. Rồi chưa kịp dứt lời, anh ta đã đẩy ngã một cảnh sát xuống đất.
“Bây giờ thì có thể bắt giam tôi được rồi chứ?”, người đàn ông này vẫn hét lên sau khi bị khống chế.
Đội cảnh sát đã tạm giữ anh ta lại và tiến hành thẩm vấn sau khi anh ta tỉnh táo. Theo lời khai, anh Hùng là người tỉnh Vân Nam, đến nhà vợ ở rể. Mối quan hệ giữa anh ta và vợ không êm ấm, thậm chí anh còn bất hòa với cả bố vợ.
Hôm đó, anh ta đã cãi nhau một trận với vợ. Sợ rằng sẽ làm điều gì đó sai trái hoặc bất lợi cho bản thân trong lúc tâm trạng chán nản nên anh Hùng tìm tới đồn cảnh sát, yêu cầu cảnh sát tạm giữ mình trong vài ngày để anh tỉnh táo lại.
Cảnh sát đã triệu tập nhà vợ của anh Hùng tới đồn cảnh sát để làm công tác hòa giải. Vô cùng xấu hổ, hai vợ chồng anh Hùng đã làm hòa với nhau. Tuy nhiên, người đàn ông vẫn bị giam giữ hành chính trong 8 ngày vì gây rối trật tự xã hội.
Xu hướng gia đình giàu muốn tìm con rể nghèo ở Trung Quốc
Do ảnh hưởng của chính sách một con, nhiều gia đình giàu có ở các thành phố lớn của Trung Quốc đang tìm kiếm những người chấp nhận ở rể để có người chăm sóc khi về già.
Li Jiyan đến từ Hàng Châu, một người chuyên mai mối, hiện đang tìm kiếm các nam sinh tốt nghiệp đến từ các tỉnh nghèo để kết hôn với các tiểu thư trong những gia đình giàu có.
Kể từ năm 1999 đến nay, Li Jiyan đã gắn kết thành công 1.000 cặp đôi. Văn phòng của Li đầy ắp những chồng hồ sơ và loạt bức ảnh đóng khung ghi lại cảnh anh được các báo đài ở Trung Quốc phỏng vấn.
Những nam nhân được Li chọn phải tốt nghiệp trường dạy nghề hoặc đại học, thu nhập 100.000 nhân dân tệ (khoảng 360 triệu đồng) một năm, và cao hơn 1,70 mét.
Ngồi trong văn phòng, Li liên tục nhận được cuộc gọi từ những khách hàng tiềm năng và từ chối làm mai mối cho một chàng trai trẻ vì anh ta chưa tốt nghiệp đại học.
Trong khi Li ca ngợi và khuyến khích đàn ông độc lập thì mô hình kinh doanh của anh lại dựa trên sự bất bình đẳng giàu nghèo ở đất nước tỷ dân này. Li giải thích rằng những gia đình giàu có chỉ có một cô con gái thường tìm một người con rể nghèo, ngoan ngoãn, với điều kiện đứa trẻ khi sinh ra phải mang họ mẹ.
Nghề nghiệp của Li bắt nguồn từ một truyền thống cổ xưa trong các triều đại phong kiến của Trung Quốc, nơi các gia đình nổi tiếng muốn con gái của họ kiếm một người chồng nghèo hơn và chấp nhận ở rể.
Theo truyền thống, sau khi kết hôn, phụ nữ có trách nhiệm sinh con trai để nối dõi tông đường và chăm sóc cha mẹ của người đàn ông. Người phụ nữ không được sở hữu tài sản gì từ bố mẹ sau khi lấy chồng, cha mẹ đẻ cũng không nhận lại gì từ con gái, nên con gái sau khi xuất giá được ví như “bát nước đổ đi”.
Tuy nhiên, một số cuộc hôn nhân không như vậy. Kể từ thời nhà Tần vào thế kỷ thứ ba, một gia đình không có con trai đã được phép tuyển một người đàn ông nghèo nhưng khỏe mạnh để chăm lo “hương khói”, làm con rể cho gia đình họ.
Trong triều đại nhà Nguyên và nhà Minh (giữa thế kỷ 13 và 17), người đàn ông là con trai duy nhất trong gia đình sẽ bị cấm tham gia vào các cuộc hôn nhân như vậy. Đàn ông đi ở rể thường bị xã hội coi thường.
Mặc dù chính sách một con đã được bãi bỏ vào năm 2015 và các gia đình được phép sinh hai con nhưng những tác động tiêu cực của nó vẫn tồn tại. Có lẽ vì lý do này mà xã hội Trung Quốc đã dần cởi mở hơn với hôn nhân. Khi có ít phụ nữ hơn, tư tưởng tôn trọng đàn ông và không tôn trọng phụ nữ dần mất đi trong xã hội hiện đại. Ngày càng nhiều phụ nữ thành thị được giáo dục và đòi hỏi quyền cao hơn trong cuộc sống và hôn nhân.
Giáo dục ở Trung Quốc cũng đang phát triển với 200 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học. Các gia đình sở hữu nhà ở các thành phố lớn đã trở nên giàu có hơn sau một thập kỷ bùng nổ kinh tế. Nhiều gia đình chỉ có một cô con gái và đặt nhiều kỳ vọng vào con cái.
Có một ngôi đền ở Hàng Châu tên là Lingyin Temple, được biết đến với sự linh thiêng và là nơi thu hút nhiều người đến cầu nguyện cho một cuộc hôn nhân bền chặt hoặc cầu xin con cái. Jiajia và chồng Chen Jingsheng, đều 25 tuổi, nắm tay nhau rời khỏi Điện Quan Âm. Khi được hỏi họ đang cầu nguyện điều gì, người phụ nữ trả lời: “Tôi ước chúng tôi ở bên nhau mãi mãi”.
Cặp đôi quen nhau từ thời cấp 3 và bên nhau được 7 năm. Jingsheng đến từ Meizhou, một thị trấn nhỏ ở tỉnh Quảng Đông. Anh ấy nói, hầu hết phụ nữ thường mong đợi tìm được một người đàn ông sở hữu một căn hộ chung cư trước khi kết hôn. Đây là một áp lực không nhỏ đối với một chuyên gia IT như anh khi sống ở một thành phố nổi tiếng ở Quảng Châu.
Anh không có hộ khẩu ở Quảng Châu nên việc mua nhà ở đây rất khó khăn và anh phải nhờ đến gia đình bên vợ. Jiajia có giấy phép cư trú tại Quảng Châu, vì vậy gia đình cô đã giúp cô mua một căn hộ.
“Cha mẹ tôi nhìn thấy tiềm năng của anh ấy và tin rằng anh ấy là một người có tinh thần cầu tiến. Nếu anh ấy không như vậy, bố mẹ tôi đã không ủng hộ tôi và vợ tôi theo cách này”, Jiajia nói.
Mộc Miên (Theo Economist)