+Aa-
    Zalo

    Khổng Minh tiên tri ngày “đoàn viên” của nước Việt?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải đã trao đổi với PV báo ĐS & PL tài liệu quý xuất bản tại Hồng Kông có câu sấm truyền từ 1.800 năm trước của Khổng Minh.

    (ĐSPL) - Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải đã trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật tài liệu quý mà ông phải năn nỉ, đổi quà quý mới có được. Tài liệu ấy, sau này được xuất bản tại Hồng Kông có câu sấm truyền từ 1.800 năm trước của Gia Cát Khổng Minh với tên là “Suy Bối đồ”, trong đó quẻ 42 và 43 khi được giải mã ứng với chiến dịch lịch sử Hồ Chí Minh, chiến thắng 30/4 thu non sông về một mối của Việt Nam(?).

    Cơ duyên gặp sách của Khổng Minh tiên sinh

    Ông Nguyễn Phúc Giác Hải nhớ lại thời điểm ông được tiếp cận cuốn sách từ những năm 70 của thế kỷ trước. Ngày ấy, ông đang nghiên cứu hiện tượng chữa bệnh không dùng thuốc của cụ Trưởng Cần. Một lần, ông gặp một người Hoa kiều đến cảm ơn cụ Trưởng Cần đã chữa khỏi bệnh. Biết ông Giác Hải là nhà nghiên cứu tâm linh, nghiên cứu những hiện tượng lạ, người Hoa kiều này đã cho ông xem cuốn sách quý.

    Xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc lập trong ngày 30/4/1975.

    Người Hoa kiều chủ động bịt hết đầu sách và các trang khác, chỉ cho ông Hải xem một trang bằng tiếng Anh. “Trang ấy được viết bởi một nhà sử học có tên là Ma Công viết rằng: Khi liên quân Anh- Pháp tiến vào cung Di Hoà, cung Yên Ninh, một người lính tìm được một chiếc hộp bọc da. Khi mở chiếc hộp thấy có một cuốn sách bọc lụa cẩn thận. Người lính ấy đưa cho cô thư ký Linda của nhà sử học, cuốn sách ghi lời sấm của nhà tiên tri Trung Quốc có từ ngàn năm gồm có nhiều hình vẽ. Sợ cuốn sách làm rối loạn nhân tâm nên người ta không cho xuất bản. Rất may cuốn sách này đến tay chúng ta và chúng ta có dịp để nghiên cứu nó”.

    Theo ông Hải, cuốn sách ấy sau được đem về Anh quốc bán cho hiệu sách. Một thương gia Trung Quốc thấy cuốn sách đó đã đổi 12 viên ngọc quý về in ở Hồng Kông. Cuốn sách được bán ở chợ Lớn và ông Hoa kiều mua được một cuốn. “Khi tôi dịch trang sách theo yêu cầu, ông ta mới giở cho tôi xem cuốn sách. Tôi biết sách quý nên xin mượn để sao chép lại. Nhưng ông ta không cho mượn nên tôi ngồi chép tại chỗ. Tôi cũng biết tiếng Hán nên ngồi chép tại chỗ mấy ngày. Nhưng có hôm tôi đang chép thì có khách đến nhà cụ Trưởng Cần, không muốn người khác biết về cuốn sách nên ông người Hoa kiều cho tôi mượn chụp lại”, ông Hải nói.

    Năm 1974, chưa có photocopy như bây giờ,  ông Hải phải mang sách đến Thông tấn xã Việt Nam dùng máy ảnh phim chụp lại. Sau đó rửa những trang sách bằng tấm ảnh bé bằng quân bài tú lơ khơ, muốn đọc chữ phải dùng kính lúp soi lên. Những trang ông Hải đã chép tay bằng chữ Hán được mang đến một ông giáo sư môn Hán văn dịch hộ. Ông giáo sư Hán văn nói có cuốn sách ấy. Nghe thông tin như vậy, ông Hải chớp ngay lấy và đặt vấn đề mua cuốn sách. Tuy nhiên, ông giáo sư Hán văn không bán nhưng nói sẽ đổi nếu như ông Hải sang Nga mua bộ cờ có gắn nam châm để người đi tàu, xe vẫn chơi được mà không bị rơi. “Tôi đang học tại Nga nên đã tìm mua bộ cờ với giá 15 rup (trong khi món hàng khan hiếm nhiều người Việt yêu thích là chiếc quạt máy chỉ có 5 rup) đổi cho ông giáo sư lấy cuốn sách. Điều kiện của tôi với ông giáo sư là dịch trước những lời sấm chữ Hán sang tiếng Việt”, ông Hải chia sẻ.

    Từ cơ duyên ấy, nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải đã có được cuốn sách “Suy Bối đồ” gồm 60 quẻ và hình vẽ ghi lại lời tiên tri của Gia Cát- Khổng Minh. Trong đó có nội dung tiên tri ở quẻ 42 và 43 có liên quan đến chiến thắng 30/4 của người Việt.

    Lời sấm vang cả ngàn năm

    Trong quẻ 42, lời sấm viết: “Mỹ nhân tự tây lai/ Triều Trung nhật tiệm an/ Trường cung tại địa/ Nguy nhi bất nguy” được dịch sang tiếng Việt là: “Người đẹp từ phương Tây đến/ Trong triều ngày một yên/ Cây cung dài ở dưới đất/ Nguy đất mà không nguy”. Lời sấm này đi kèm với một hình vẽ một cô gái cầm cây đàn tỳ bà, dưới chân có một con thỏ và một cánh cung. Với hình vẽ đó, ai cũng tưởng câu “Mỹ nhân tự Tây lai” phải là cô gái đẹp từ phương Tây đến. Nhưng “mỹ nhân” ở đây là người Mỹ. Ông Hải lý giải: “Sau thế chiến lần 2, Trung Quốc (chính quyền Tưởng Giới Thạch) là một trong 5 nước của đồng minh được bầu vào thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, có quyền phủ quyết người Mỹ đến Trung Quốc trong quan hệ này là đương nhiên và đó là lần chính thức người Mỹ đến Trung Quốc bằng con đường ngoại giao”.

    Câu “Triều Trung nhật tiệm an” không có nghĩa là “Trong triều ngày một yên” mà hoá ra là Triều Tiên, Trung Quốc, Nhật Bản ngày một yên. Đó là tình hình thực những năm đầu hai đại chiến. Trong lời sấm ấy không chỉ đích danh Việt Nam nhưng có hình ảnh của nước ta. Đó là hai câu: “Trường cung tại địa/ Nguy nhi bất nguy”. Dãy Trường Sơn cũng coi như một cây cung nằm trên mặt đất. Vì thế cụm từ “Trường cung tại địa” là hàm ý chỉ Việt Nam là rất hợp lý. Các nước trên đều tạm yên, còn Việt Nam vẫn trong tình trạng nguy nan. Việt Nam sau ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập , quân Pháp tái chiếm Nam Bộ. Sau đó, Pháp kéo quân ra Bắc tiến vào Hà Nội qua cửa biển Hải Phòng. Việt Nam phải ký tạm ước sơ bộ 6/3/1946 nhưng Pháp tiếp tục “lấn tới” và Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến ngày 19/12/1946. Cuộc kháng chiến gian khổ kéo dài tám năm, sau chiến dịch Điện Biên Phủ, quân Pháp rút về nước theo Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954. Đất nước bị chia cắt, Mỹ nhảy vào miền Nam. Cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam diễn ra gay go, quyết liệt  nhưng chiến thắng đã về ta và non sông thu về một mối đúng như lời sấm “nguy nhi bất nguy” (nguy đấy mà không nguy đấy).

    Tại quẻ 43, sấm của Khổng Minh chỉ rõ việc giải phóng miền Nam. Lời sấm viết: “Quân phi quân/ Thần phi thần/Thuỷ gian nan? Chung khắc định” nghĩa là “Vua không phải là vua/ Bầy tôi không phải bầy tôi/ Mới đầu thì khó khăn/ Cuối cùng thì định được”. Lời sấm này nói về sự ra đời một thời đại mới. Đó là một chế độ như người ta thường nói, người đứng đầu “vừa là người lãnh đạo, vừa là đầy tớ của nhân dân (vua không phải là vua/ Bầy tôi không phải là bầy tôi). Rõ ràng một chế độ mà khởi đầu rất gian nan nhưng cuối cùng thì thắng lợi (Mới đầu thì khó khăn/ Cuối cùng thì định được).

    Lời tụng viết: “Hắc thố tầu nhập thanh long huyệt/ Dục tận bất tận bất khả thuyết/Duy hữu ngoại biên căn thụ thượng/Tam thập niên trung tử tôn kết” dịch nghĩa là: “Con thỏ đen đuổi vào tận huyệt con rồng xanh/Muốn giải quyết đến tận cùng mà không làm được, rất khó mà nói/Duy chỉ có kẻ bên cạnh tính từ gốc cây mà lên/ Ba mươi năm sau con cháu sẽ kết”.

    Thực tế, những vấn đề của Trung Quốc về chuyện Tưởng Giới Thạch- Đài Loan, ông Nguyễn Phúc Giác Hải không muốn bàn luận sâu. Mà chỉ nói đến vấn đề liên quan đến Việt Nam (nước bên cạnh tính từ gốc cây mà lên của Trung Quốc). Lấy thời điểm Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (năm 1945) là cái gốc ứng với câu sấm “Duy hữu ngoại biên căn thụ thượng”, duy chỉ có nước láng giềng làm được việc thống nhất đất nước. Cuộc kháng chiến thu non sông về một mối thắng lợi với Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (30/4/1975) phải trải qua 30 năm. Đúng như lời bài hát của nhạc sỹ Phạm Tuyên “Ba mươi năm dân chủ cộng hoà kháng chiến đã thành công”.

    Một sự kỳ lạ giữa lời sấm và bài hát

    Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải cho biết: “Trong một cuộc gặp nhạc sỹ Phạm Tuyên, tác giả bài hát: Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng tôi có nói chuyện về lời tiên tri này. Nhạc sỹ ngạc nhiên giữa câu cuối cùng của lời sấm với lời bài hát. Nhạc sỹ Phạm Tuyên đề nghị tôi sao tặng đoạn tiên tri đó và coi như sự kỳ lạ mà anh đã gặp. Anh đùa “hoá ra tôi cũng thành nhà tiên tri””.

    Chuyên gia phong thủy Nguyễn Cung Hà: Sấm thể hiện sự lộ thiên của “thiên ý”

    Sấm truyền là một sự chiêm nghiệm, suy luận, tiên tri trước tương lai. Sấm thể hiện sự lộ thiên của “thiên ý”, một cách gián tiếp thông qua những người có khả năng đặc biệt, tiếp nhận và giải mã sấm. Sấm sẽ gắn với một loại năng lực đặc biệt, giống như giác quan thứ sáu vậy. Theo đó, cuộc sống đã có sự lập trình sẵn, chỉ có người quân tử hoặc người có năng lực được lựa chọn thì mới nắm được quá khứ, hiện tại, tương lai. Tuy nhiên, nếu không có sự so sánh, liên tưởng và kết nối các sự kiện với nhau thì sấm cũng chỉ là một dự đoán mơ hồ, nhiều khi khiến con người trở nên lo sợ, bất an cho tương lai mình. Không phải bất cứ sự tiên đoán trước nào cũng được gọi là sấm. Sấm chỉ có thể là báo trước một sự kiện tầm cỡ cho một vùng, một khu vực, hướng về chiều tương lai. Nhân loại từng biết đến những người có năng lực thực sự về sấm như Vanga, Nostradamus, Khương Tử Nha, Khổng Minh, Lã Vọng…

    GS. Ngô Đức Thịnh, Giám đốc trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hoá tín ngưỡng dân gian Việt Nam: Lời sấm truyền sẽ mãi là bí ẩn nhân loại

    GS. Ngô Đức Thịnh.

    Lời sấm truyền thuộc về thế giới huyền thuật của nhân loại và có lẽ luôn luôn là điều bí ẩn. Song rất khó nói về khả năng tiên tri của nó vì chưa có gì làm bằng chứng khoa học để khẳng định các lời sấm truyền là đúng hay không đúng. Nói một cách khoa học thì phải có thực nghiệm. Mà thực nghiệm ở đây là cái gì thì chưa ai hiểu được. Cũng có lời sấm truyền đã xảy ra trong thực tế, và chưa ai giải thích được tại sao thực tế lại đúng như những gì lời sấm đưa ra. Ở Việt Nam, cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm có rất nhiều lời sấm truyền kỳ lạ.

    MINH KHÁNH

    Xem thêm clip: Hà Nội: Tổ chức diễu hành và nhiều hoạt động kỷ niệm 60 năm Giải phóng Thủ đô

     

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/khong-minh-tien-tri-ngay-doan-vien-cua-nuoc-viet-a93615.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan