Nằm cách Hà Nội chừng 40 km, làng hương xạ thôn Cao (xã Bảo Khê, TP Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên) là một trong những làng nghề làm hương lớn nhất cả nước.
Hương xạ thôn Cao được coi là cái nôi của nghề làm hương truyền thống lâu đời ở Việt Nam. Nhờ vào "bí mật gia truyền" mà làng nghề này đã có tuổi đời gần 300 năm.
Người làm nghề lâu năm vẫn ví Tết là dịp đặc biệt để sản xuất ra những mẻ hương đặc biệt. Nắng cuối đông và không khí khô hanh rất lý tưởng để hương khô tự nhiên, đều, nhanh nhất, giữ màu và hương thơm, lại không tốn chi phí sấy.
Trên khắp các đường làng, ngõ, xóm, hương được rải đều tăm tắp trên các giá phơi, không khí lao động sản xuất tại các cơ sở làm hương diễn ra nhộn nhịp. Người trộn bột, người xe hương, người phơi, người đóng gói, ai nấy đều cố gắng nhanh tay để hoàn thành những đơn hàng phục vụ thị trường dịp Tết Nguyên đán.
Được biết, ngay từ ngoài QL39 đã san sát những gian hàng bầy bán hương, đủ loại hương quế, hương đen, hương vòng, hương đậu tan… Mùi thơm của hương toả khắp nơi.
Trong làng, khung cảnh lao động diễn ra rất khẩn trương. Từ những em bé mới chỉ học lớp một, lớp hai đến những cụ già tóc bạc, răng rụng, ai đấy đều rất tất bật sản xuất hàng phục vụ cho mùa làm ăn tốt nhất trong năm.
Những tháng giáp Tết, những hộ gia đình, ít cũng sản xuất 3 vạn nén hương/ngày, hộ sản xuất nhiều thì tới 15 vạn nén hương/ngày.
Các hộ sản xuất đều trang bị máy móc để sản xuất như: Máy nghiền nguyên liệu, trộn nguyên liệu, làm hương vòng, làm hương nén… Người lao động thời vụ có thu nhập từ 250 - 350 nghìn đồng/ngày.
Ông Nguyễn Như Khanh, Chủ tịch hội làng nghề hương thôn Cao cho biết: Làm hương dù vất vả nhưng mỗi người dân thôn Cao đều ý thức đó là nghề của cha ông cần được giữ gìn và phát triển. Làng hương thôn Cao được ví như cái nôi của nghề làm hương Việt Nam, nhiều người dân trong thôn đã mang nghề của làng mình tới vùng khác để phát triển, mang nét đẹp truyền thống của dân tộc ra nhiều nước trên thế giới. Năm nay, 100% số hộ làm hương đã chuyển sang sản xuất hương bằng máy.
Người Cao Thôn cho rằng, nghề làm hương liên quan đến tâm linh, lương tâm làm nghề không cho phép họ cẩu thả, làm hương giả, hương kém chất lượng. Mỗi mẻ hương, người thợ đều cẩn thận đốt thử để kiểm tra chất lượng xem có cháy đều, cháy hết không, hương thơm ra sao, hình thức thế nào...
Nghề làm hương đem lại thu nhập chính cho nhiều hộ dân trong làng. Hiện nay ở Cao Thôn có khoảng 300 lao động làm hương, sản lượng hương xạ đạt xấp xỉ 10 triệu nén/năm với doanh thu từ 2,5 - 3 tỷ đồng. Thời vụ làm hương đông nhất là hai tháng giáp Tết Nguyên đán.
Không chỉ giữ ngọn lửa nghề, những người dân thôn Cao còn liên tục liên tục sáng tạo, phát triển mẫu mã, mùi hương, nhằm phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Sản phẩm không chỉ có thương hiệu trong tỉnh, trong nước, mà còn được một số doanh nghiệp lựa chọn để xuất khẩu.
Không chỉ là nét đẹp nghề truyền thống được cha truyền con nối mà từng nén hương của làng thôn Cao còn góp phần vào nét đẹp văn hóa tinh thần của người dân Việt Nam.
Phương Linh (T/h)