+Aa-
    Zalo

    Không khí lạnh tăng cường, đợt rét đậm rét hại tại miền Bắc kéo dài đến bao giờ?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Dự báo, ngày 11/1 các tỉnh Bắc Bộ tiếp tục rét hại với nhiệt độ thấp nhất 7-10 độ, vùng núi cao có nơi dưới 0 độ và có khả năng xảy ra mưa tuyết, băng giá.

    Dự báo, ngày 11/1 các tỉnh Bắc Bộ tiếp tục rét hại với nhiệt độ thấp nhất 7-10 độ, vùng núi cao có nơi dưới 0 độ và có khả năng xảy ra mưa tuyết, băng giá.

    Không khí lạnh tăng cường, rét đậm rét hại kéo dài. Ảnh minh họa 

    Không khí lạnh tăng cường

    Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, ngày 12/1, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường nên ác tỉnh Trung Trung Bộ có mưa, mưa rào.

    Ở Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hoá đến Thừa Thiên Huế trời rét đậm, rét hại với nhiệt độ thấp nhất 7-10 độ, vùng núi 4-7 độ, vùng núi cao có nơi dưới 0 độ và có khả năng xảy ra băng giá và sương muối, riêng các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế 9-12 độ (nhiệt độ thấp nhất xảy ra vào đêm và sáng sớm).

    Ở Bắc Bộ trưa chiều trời nắng với nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến từ 16-18 độ; các tỉnh từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi trời rét với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 15-18 độ; Tây Nguyên đêm và sáng trời rét; Nam Trung Bộ và Nam Bộ trời lạnh vào đêm và sáng sớm.

    Ở vịnh Bắc Bộ ngày hôm nay (12/1), có gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 8, biển động, đêm gió giảm dần; sóng biển cao từ 2,0-3,0m. Vùng biển Trung Bộ, Nam Bộ và Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) có gió đông bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, biển động mạnh, sóng biển cao từ 3,0-5,0m; đêm gió giảm dần.

    Trên đất liền các tỉnh Trung Bộ còn có gió đông bắc mạnh cấp 3-4, vùng ven biển cấp 5, giật cấp 6.

    Khu vực Hà Nội ngày và đêm không mưa, trưa chiều trời nắng. Trời rét đậm, rét hại với nhiệt độ thấp nhất đêm nay phổ biến 8-10 độ, nhiệt độ cao nhất ngày hôm nay trong khoảng 16-18 độ.

    Rét đậm rét hại kéo dài đến bao giờ?

    Tiền Phong dẫn lời ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Khí hậu của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, cho biết, trong hôm nay, khối không khí lạnh vẫn duy trì cường độ mạnh.

    Do vậy, Bắc bộ và các tỉnh từ Thanh Hoá đến Thừa Thiên - Huế trời tiếp tục rét đậm, rét hại với nhiệt độ thấp nhất vùng đồng bằng từ 7-10 độ, vùng núi 4-7 độ, vùng núi cao có nơi dưới 0 độ.

    Ông Hưởng cho biết, dù không khí lạnh còn mạnh nhưng dòng xiết gió Tây yếu dần nên mưa giảm ở Tây Bắc trong hôm nay. Vì vậy, khả năng mưa tuyết diện rộng ít xuất hiện trở lại, nhưng băng giá và sương muối vẫn duy trì.

    Từ 13/1, không khí lạnh bắt đầu suy yếu, Bắc bộ bước vào đợt rét khô với hình thái thời tiết điển hình là đêm và sáng trời rét buốt nhưng trưa chiều hửng nắng, nhiệt độ chênh lệch ngày khá cao. Tuy nhiên, hình thái thời tiết này không duy trì lâu.

    Dự báo, khoảng 17/1, nước ta lại đón một đợt không khí lạnh rất mạnh gây rét đậm rét hại kéo dài ở miền Bắc và miền Trung.

    “Từ nay đến 20/1 là khoảng thời gian không khí lạnh hoạt động khá mạnh, trong đó đợt không khí lạnh từ 17/1 rất đáng lưu ý. Cần đề phòng các hiện tượng thời tiết cực đoan có thể xuất hiện như sương muối, băng giá và mưa tuyết tại các tỉnh vùng núi phía Bắc”, ông Hưởng nói.

    Cũng do tác động của không khí lạnh mạnh, Nam bộ và Nam Trung bộ trong nhiều ngày tới sẽ se lạnh về đêm và sáng sớm.

    Hiện tượng La Nina vẫn tiếp tục ảnh hưởng thời tiết nước ta đến tháng 3. Vì vậy, mùa đông lạnh hơn so với trung bình nhiều năm.

    Dự báo trong tháng 1 và tháng 2, khu vực Bắc bộ và Thanh Hóa - Thừa Thiên - Huế có nhiệt độ trung bình tháng thấp hơn trung bình nhiều năm từ 0,5-1,0 độ, đặc biệt là khu vực Bắc Trung bộ có thể thấp hơn từ 1-1,5 độ.

    Các đợt rét đậm, rét hại còn tiếp tục xảy ra từ nay đến tháng 2, có khả năng kéo dài từ 5-7 ngày, kéo dài nhiều ngày hơn ở các tỉnh vùng núi phía Bắc.

    Cảnh giác với làn khói "tử thần" do đốt than sưới ấm trong mùa đông

    Năm nào nước ta cũng xuất hiện các trường hợp người dân tử vong liên quan đến việc đốt than, đốt củi trong phòng kín để sưởi ấm. Nhiều trường hợp rất thương tâm khi nhiều người trong gia đình cùng tử vong, do không được phát hiện và cấp cứu kịp thời.

    Mới đây cũng xảy ra sự việc hai chị em tại Quảng Bình dùng than để đốt sưởi ấm đẫn đến việc chị tử vong, em đang được cấp cứu trong bệnh viện trong tình trạng nguy kịch.

    Cảnh giác với làn khói "tử thần" do đốt than sưới ấm trong mùa đông. Ảnh minh họa 

    TS.BS. Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) chia sẻ với TTXVN cho biết, trung tâm thường xuyên tiếp nhận nhiều trường hợp ngộ độc khí CO.

    Hầu hết bệnh nhân đều nhập viện trong tình trạng nặng. Hiện tượng ngộ độc này xảy ra chủ yếu do người dân đốt các nhiên liệu trong phòng kín bằng các cách khác nhau.

    Đặc biệt chỉ trong tuần đầu năm mới 2021, Trung tâm Chống độc đã tiếp nhận 1 bệnh nhân ngộ độc khí CO rất nặng, tổn thương não.

    Theo bác sĩ Phạm Ánh Ngân, bệnh viện Đại học Y dược: “Trong khói than chứa nhiều thành phần độc hại như: Cacbon monoxit (CO), CO2, nitơ oxit (NOx) và một số chất khác như lưu huỳnh oxit (SOx), muội than, hydrocacbon chưa cháy hết (CnHm), fomandehit (HCHO)… Các chất này khi tỏa ra trong không khí sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người. Nó có thể là tác nhân khởi phát cơn khó thở đối với người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), người bệnh hen suyễn, và cũng là tác nhân gây ngạt rất nguy hiểm với hệ hô hấp non nớt của trẻ em".

    Cụ thể, khi tiếp xúc thường xuyên với khói than làm tăng nguy cơ nhiễm trùng hô hấp như viêm phổi. Ngộ độc khí CO là một trong những nguyên nhân gây tử vong ở người bị ngạt khói.

    Vào mùa lạnh, việc đốt than để sưởi ấm tăng lên, số ca nhập viện vì ngộ độc khí CO cũng tăng theo. CO khuếch tán nhanh qua phế nang, qua màng mao mạch của phổi vào máu, cạnh tranh với oxy, dẫn tới nhân heme trong hồng cầu không gắn với oxy được nữa.

    Biểu hiện ngộ độc khí CO bao gồm: Đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, thay đổi tri giác, co giật, hôn mê. Nếu không được phát hiện và cấp cứu kịp thời, có thể dẫn đến tử vong.

    Trước những vụ việc đáng tiếc kể trên, các bác sĩ đã khuyến cáo nhân dân cần đề cao cảnh giác, phòng tránh rét là nhu cầu cần thiết nhưng không nên đốt củi, đốt than tổ ong trong nhà, phòng kín, tránh để những vụ việc đáng tiếc có thể xảy ra.

    Thủy Tiên (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/khong-khi-lanh-tang-cuong-dot-ret-dam-ret-hai-tai-mien-bac-keo-dai-den-bao-gio-a352373.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan