(ĐSPL) - Không may xảy ra va chạm hoặc tai nạn giao thông thì cần phải giữ nguyên hiện trường và điện thoại cho cơ quan công an nơi gần nhất đến giải quyết.
Hỏi: Tôi điều khiển xe lưu thông trên đường. Khi tới ngã ba, tôi bật xi nhan rẽ trái, cùng lúc đó phía sau có một xe đâm vào xe của tôi. Ban đầu hai bên đã thoả thuận tự hòa giải. Khi tôi đi xe vào lề đường, người đó lại không đổi ý hòa giải và điện thoại cho CSGT đến giải quyết.
Khi CSGT đo đạc hiện trường, lập biên bản lỗi xe tôi không giữ nguyên hiện trường của vụ tai nạn và đưa 2 phương tiện về trụ sở công an để tạm giữ.
Xin hỏi như vậy đúng hay sai và nếu đúng thì với lỗi như vậy tôi sẽ bị xử lý như thế nào?
Không giữ nguyên hiện trường tai nạn bị xử lý thế nào? |
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến trang Tư Vấn của báo Đời Sống & Pháp Luật. Với thắc mắc của bạn, xin được đưa ra quan điểm tư vấn như sau:
Theo quy định của pháp luật, khi tham gia giao thông, tất cả mọi công dân đều phải tuân thủ luật giao thông cũng như những biển báo giao thông đường bộ Trường hợp người điều khiển ô tô, xe máy tham gia giao thông trên đường không may xảy ra va chạm hoặc tai nạn giao thông thì cần phải giữ nguyên hiện trường và điện thoại cho cơ quan công an nơi gần nhất đến giải quyết.
Tuy nhiên, trong hiện trường tai nạn giao thông nếu thấy để phương tiện nơi xảy ra vụ việc sẽ có thể dẫn tới ùn tắc giao thông, thì người điều khiển phương tiện phải đánh dấu các vị trí xe đổ, sau đó đưa cả 2 xe vào lề đường nơi có vị trí đỗ an toàn và chờ cơ quan chức năng đến giải quyết.
Trường hợp xảy ra va chạm, người điều khiển phương tiện tự ý cho xe vào lề đường, mà lại không đánh dấu các vị trí xe đổ thì khi cảnh sát giao thông đến sẽ lập biên bản theo lỗi cụ thể của từng trường hợp vi phạm. Cảnh Sát giao thông sẽ lập biên bản theo lỗi không giữ nguyên hiện trường của vụ tai nạn giao thông.
Nghị định 171/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy các mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đã nêu rõ các mức phạt cho từng đối tượng:
Đối với người điều khiển, người ngồi trên xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô
Theo quy định tại điều 5 của Nghị định: Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với người điều khiển xe gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn.
Đối với người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy
Điều 6 Nghị định quy định phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người điều khiển xe gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn;
Đối với người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng
Điều 7 Nghị định quy định: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn.
Đối với người điều khiển, người ngồi trên xe đạp, xe đạp máy, người điều khiển xe thô sơ khác
Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi vi phạm sau đây: Gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn;
Như vậy, theo quy định của pháp luật có yêu cầu “trong hiện trường tai nạn giao thông nếu thấy để phương tiện nơi xảy ra vụ việc sẽ có thể dẫn tới ùn tắc giao thông, thì người điều khiển phương tiện phải đánh dấu các vị trí xe đổ, sau đó đưa cả 2 xe vào lề đường nơi có vị trí đỗ an toàn”.
Hy vọng rằng sự tư vấn sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì xin gửi về báo Đời sống & Pháp luật.
Luật gia Đồng Xuân Thuận
[mecloud]M4tdypsdn2[/mecloud]