Tại phiên họp Chính phủ với lãnh đạo 63 tỉnh, thành ngày 3/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Cán bộ sai thì phải điều tra, kết luận, xử lý. Tôi đã nhắc anh Sáu (Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu) là phải kết luận cho được vụ giám đốc sở để dư luận xấu như thế, làm hình ảnh rất xấu cho đội ngũ cán bộ của Đảng, Nhà nước".
Bị điều tra, cán bộ nên chủ động "giữ hình ảnh"
Đồng tình với ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, nhiều bạn đọc cũng cho rằng, khi vướng "lùm xùm", cán bộ lãnh đạo chưa cần đợi kết luận thanh tra cũng nên chủ động có những phát ngôn và hành động dứt khoát để không chỉ giữ hình ảnh cho bản thân, mà cho cả đội ngũ cán bộ.
Từ trường hợp một vị lãnh đạo Sở của tỉnh Yên Bái bị Công an tỉnh triệu tập trong vụ việc của nhà báo nhận tiền mới đây, độc giả cho rằng, đối với thủ trưởng cơ quan, đơn vị nhà nước, khi bị điều tra hoặc điều tra liên đới thì hoặc tuyên bố dứt khoát mình vô can, hoặc tạm ngưng công việc để phục vụ cho quá trình điều tra; hoặc chấp nhận "treo chức" trong một thời gian nhất định vì nhiều nguyên do.
Thứ nhất, nếu tuyên bố mình vô can, thay vì lấp lửng xác nhận một vài sự kiện "vô hại", vị thủ trưởng cơ quan, đơn vị nhà nước mới có thể giữ được uy tín với dư luận. Khi uy tín lãnh đạo đang bị dư luận đặt dấu hỏi thì ít nhiều đều ảnh hưởng tới công việc của cơ quan theo nhiều phương diện khác nhau. Một khi cấp dưới cũng như quần chúng hoài nghi về phẩm chất, tư cách đạo đức, sự chính trực, liêm khiết của người đứng đầu thì người này sẽ rất khó để quản lý, điều hành công việc cơ quan một cách xuyên suốt. Vì khi đó, uy tín của lãnh đạo ít nhiều đã bị giảm sút, rất khó để cấp dưới "phục" và tin tưởng hoàn toàn.
Thứ hai, nếu vì những lý do "tế nhị", không thể tuyên bố "vô can", thỉ việc chủ động hay bị tạm ngưng công việc điều hành hoạt động trong cơ quan của những người vướng lùm xùm cũng rất cần thiết. Bởi đây là cách để đảm bảo người đang bị điều tra không xóa "các dấu vết" liên quan tới cáo buộc đối với họ. Ngay cả khi cơ quan chức năng chưa ra quyết định tạm đình chỉ hay "treo chức" thì lãnh đạo vướng vào các cáo buộc vi phạm cũng nên chủ động tạm ngưng công việc và yêu cầu cơ quan chức năng điều tra làm rõ thông tin. Như vậy vừa thể hiện tính chủ động, dám đối diện với dư luận; vừa thể hiện được lòng tự trọng cũng như uy tín của người lãnh đạo, người đứng đầu.
Thế giới không thiếu tiền lệ
Liên quan tới những cáo buộc dính líu tới bê bối tham nhũng, lạm dụng quyền lực, Tổng thống Park Geun-hye ngày 29/11/2016 tuyên bố sẽ để Quốc hội quyết định số phận của mình và sẽ từ chức với thời điểm và thủ tục phù hợp nhằm tránh gây xáo trộn khi chuyển giao quyền lực bất ngờ. Và tháng 12/2016, bà Park Geun-hye bị Quốc hội Hàn Quốc tạm đình chỉ chức vụ để phục vụ điều tra, và thời điểm đó, quyền lực của bà được tạm thời chuyển giao cho Thủ tướng nước này.
Liên quan tới cáo buộc cho rằng đã lợi dụng vị thế để mua bán quyền lực, Tháng 2/2012, Tổng thống Christian Wulff của Đức đã từ chức sau khi bị tước quyền miễn trừ truy tố. Được biết, sau này, ông đã được minh oan.
Tháng 5/1993, Tổng thống Venezuela Andres Perez bị buộc tội biển thủ công quỹ và làm giàu bất chính. Ban đầu, ông bị đình chỉ chức vụ và sau đó chính thức bị Quốc hội phế truất hồi tháng 8 cùng năm.
Việt Nam có phải chuyện hiếm?
Trước đó, trong một cuộc họp tại Bộ Tài chính, ông Dương Phú Đông - Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan - Tổng cục Hải quan đã bị phê phán gay gắt vì vụ việc có liên quan đến Công ty Euro Auto gian lận nhập khẩu, làm giả giấy tờ lừa đảo khách hàng. Đến tháng 12/2016, ông Dương Phú Đông đã bị tạm đình chỉ chức vụ, tạm dừng công việc điều hành của Cục này 15 ngày để giải trình một số thông tin liên quan đến việc nhập khẩu ô tô BMW của Công ty Euro Auto.
Tháng 7/2016, ông Trịnh Ngọc Vĩnh, Phó Giám đốc Sở GTVT thành phố Cần Thơ cho biết, 3 cán bộ thanh tra giao thông của ngành nhận tiền bảo kê của các hãng xe, doanh nghiệp trên địa bàn gây xôn xao dư luận đã bị tạm đình chỉ sinh hoạt Đảng và đình chỉ chức vụ để phục vụ công tác điều tra.
Theo ông Vĩnh, trong lúc các cán bộ lãnh đạo (thuộc đội 3 và đội 11) bị tạm đình chỉ thì Ban giám đốc đã phân công lãnh đạo Thanh tra Sở GTVT điều hành 2 đội này để đảm bảo duy trì hoạt động bình thường.
Vừa qua, liên quan tới vụ việc nhà báo Duy Phong bị Công an thành phố Yên Bái tạm giam về hành vi "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản", ông Vũ Xuân Sáng - Giám đốc Sở kế hoạch & Đầu tư tỉnh Yên Bái - người được cho là đã đưa 200 triệu cho nhà báo Duy Phong cũng bị triệu tập. Thượng tá Chu Văn Hải - Phó trưởng phòng Tham mưu Công an tỉnh Yên Bái khẳng định với báo chí, việc triệu tập một tỉnh ủy viên như ông Vũ Xuân Sáng được thực hiện theo quy định pháp luật, tương tự như triệu tập các công dân khác. |