+Aa-
    Zalo

    Không để cá nhân "núp bóng" pháp nhân để trốn tội

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật của QH Phan Trung Lý đã lưu ý như vậy khi nói về vấn đề trách nhiệm hình sự của pháp nhân.

    Chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật của QH Phan Trung Lý đã lưu ý như vậy khi nói về vấn đề trách nhiệm hình sự của pháp nhân khi Ủy ban thường vụ QH cho ý kiến về dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) vào sáng 14/9.

    Theo báo cáo của Ủy ban Tư pháp, hiện có hai luồng ý kiến về việc quy định trách nhiệm hình sự (TNHS) của pháp nhân vào dự luật. Đa phần ý kiến tán thành cho rằng quy định này là cần thiết vì hiện nay vi phạm pháp luật của pháp nhân gây ra khá phổ biến, ngày càng nghiêm trọng, đồng thời cũng đáp ứng yêu cầu hội nhập và các điều ước quốc tế mà Việt Nam cam kết.

    Ý kiến đề nghị không nên bổ sung TNHS của pháp nhân vì cho rằng, vướng mắc trong việc xử lý pháp nhân vi phạm pháp luật xuất phát từ khâu tổ chức thực hiện, mà không phải do thiếu cơ sở pháp lý. Các chế tài hình sự áp dụng đối với pháp nhân theo phương án của dự thảo Bộ luật (tước quyền sử dụng giấy phép, đình chỉ hoạt động, cấm kinh doanh...) cũng đã được áp dụng trong xử lý vi phạm hành chính. Việc quy định TNHS của pháp nhân có thể bị lạm dụng, lấy trách nhiệm pháp nhân để lẩn tránh trách nhiệm cá nhân.

    Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật - ông Phan Trung Lý.

    Theo Phó viện trưởng VKSND Tối cao Trần Công Phàn, cần hết sức cân nhắc quy định này. Bởi vì khi quy định TNHS đối với pháp pháp nhân thì gần như phá vỡ hết lý luận hiện nay. “Hiện nay, cả Hiến pháp năm 2013, khi nói khái niệm về tội phạm cũng đều chỉ người nào phạm tội, người nào được điều tra, người nào được bắt giữ, người nào bị tạm giam, tạm giữ… Từ xưa đến giờ, chúng ta đều nói đến nguyên tắc cá thể hóa TNHS”, ông Phàn nói.

    Cùng quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cũng cho rằng: “Xử TNHS pháp nhân không có nghĩa không xử cá nhân. Pháp nhân là đơn vị, tổ chức. Đại diện pháp nhân là cá nhân. Ai phải chịu trách nhiệm? Mức độ vi phạm như thế nào? Nếu quy định không rõ thì trách nhiệm, vi phạm của cá nhân sẽ bị trốn vào, chui vào pháp nhân. Như vậy, không đáp ứng yêu cầu phòng, chống tội phạm”.

    Về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lại có quan điểm đồng tình với quy định TNHS pháp nhân vào dự thảo luật. “Xử lý pháp nhân là phạt tiền, chứ ai phạt tù tập thể. Khi xử phải làm rõ trách nhiệm của ông Chủ tịch, các cá nhân liên quan… Luật hiện hành xử hình sự cũng có phạt tiền. Chữ ký của ông nào, ông nào chủ trương thì xử lý hình sự ông đó”, Chủ tịch Quốc hội nói.

    Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết Ủy ban Tư pháp và cơ quan trình dự luật thống nhất chọn phương án 1, tức xử lý hình sự pháp nhân. Vì tình hình vi phạm pháp luật do pháp nhân gây ra khá phổ biến, gây nhiều hậu quả.

    “Hiện có 116 nước, 6 nước Asean có quy định về TNHS của pháp nhân. Đồng thời Việt Nam đã tham gia nhiều công ước quốc tế bắt buộc quy định TNHS của pháp nhân như chống khủng bố... như thế đã có cơ sở về pháp lý. Hội nhập và yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm hiện nay thì cần phải có xử lý hính sự pháp nhân”, ông Uông Chu Lưu nói.

    Theo báo Pháp Luật TP.HCM

    [mecloud]bf2v4xwQNb[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/khong-de-ca-nhan-nup-bong-phap-nhan-de-tron-toi-a110654.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.