+Aa-
    Zalo

    Không có cơ sở để TQ xác lập chủ quyền các vùng đảo đã chiếm

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL)- Gần đây có thông tin cho rằng Trung Quốc sắp đủ thời gian chiếm hữu để xác lập chủ quyền đối với các đảo mà Trung Quốc chiếm đóng trước đây của Việt Nam.

    (ĐSPL)- Gần đây có thông tin cho rằng Trung Quốc sắp đủ thời gian chiếm hữu để xác lập chủ quyền đối với các đảo mà Trung Quốc chiếm đóng trước đây của Việt Nam.
    Luồng thông tin đó cho rằng: Theo quy định của luật pháp quốc tế trong vòng 10 năm nữa phía Việt Nam không khởi kiện, thì các đảo mà Trung Quốc chiếm đóng của nước ta trước đây sẽ thuộc về Trung Quốc!? Để làm rõ thông tin “lạ” trên, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP. HCM.
    Dùng vũ lực xâm chiếm lãnh thổ là vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc
    Là một luật sư, hẳn ông có biết về luồng thông tin này. Với tư cách là một chuyên gia pháp lý, ông có ý kiến như thế nào đối với quan điểm trên?      
    Theo tôi, quan điểm trên là không đúng với các quy định của Hiến chương Liên hợp quốc và Nghị quyết 2625 của Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 24/10/1970. Cụ thể: Nghị quyết 2625 ngày 24/10/1970 của Đại hội đồng Liên hợp quốc quy định rõ: “Lãnh thổ của một quốc gia không thể là đối tượng của một cuộc chiếm đóng quân sự do sử dụng vũ lực trái với các quy định của Hiến chương Liên hợp quốc. Lãnh thổ của một quốc gia không thể là đối tượng của một sự chiếm hữu từ một quốc gia khác sau khi dùng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Bất kỳ sự thụ đắc lãnh thổ nào đạt được bằng đe dọa hay sử dụng vũ lực sẽ không được thừa nhận là hợp pháp”.  Bên cạnh đó, tại khoản 4 Điều 2 Hiến chương Liên hợp quốc cũng quy định: “Các nước thành viên Liên hợp quốc trong quan hệ quốc tế không được đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng vũ lực chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ hay nền độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào, hoặc nhằm những mục đích khác không phù hợp với mục đích của Liên hợp quốc”.
    Do đó, việc Trung Quốc dùng vũ lực để chiếm đóng một số đảo của Việt Nam vào năm 1974 và sau này là hành động chiếm đóng bất hợp pháp, đi ngược lại với Hiến chương Liên hợp quốc và Nghị quyết 2625 ngày 24/10/1970 của Đại hội đồng Liên hợp quốc. Chính vì việc chiếm đóng này là bất hợp pháp, nên cho dù Trung Quốc có chiếm đóng lên tới 100 năm đi nữa thì việc chiếm đóng đó sẽ không được xem là căn cứ để Trung Quốc xác lập chủ quyền đối với các đảo đó. 
    Không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc xác lập chủ quyền
    Luật sư Nguyễn Văn Hậu.
     Chúng ta nên kiện Trung Quốc
    Trong thời gian gần đây, phía Trung Quốc có viện dẫn Công thư 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, cho rằng nội dung công hàm đã thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với Hoàng Sa và Trường Sa. ông có quan điểm như thế nào về vấn đề này? 
    Việc Trung Quốc diễn giải nội dung Công thư ngày 14/9/1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng theo hướng Việt Nam đã công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là luận điệu hết sức xuyên tạc nội dung, ý nghĩa của bản Công hàm. Đồng thời, việc diễn giải theo hướng trên cũng không phù hợp với luật pháp quốc tế. Cụ thể:
    Thứ nhất, Công thư 1958 không có bất cứ nội dung nào thừa nhận Trung Quốc có chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Trong Công hàm 1958 không có từ nào, câu nào đề cập đến vấn đề lãnh thổ và chủ quyền, càng không nêu tên bất kỳ quần đảo nào như Trung Quốc đã nêu. Do vậy, chỉ xét riêng về câu chữ trong Công thưcũng dễ dàng nhận thấy suy diễn xuyên tạc của Trung Quốc, cho rằng Công thư 1958 đã tuyên bố từ bỏ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là xuyên tạc lịch sử và hoàn toàn không có cơ sở pháp lý.
    Thứ hai, về phương diện pháp lý, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà lúc đó không trực tiếp quản lý đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Theo Hiệp định Genève 1954 thì hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm phía Nam vĩ tuyến 17 tạm thời thuộc quyền quản lý của Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa (chế độ tại miền Nam). Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa theo Hiệp định Genève 1954 đã liên tục thực thi chủ quyền lâu đời của người Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bằng các văn bản hành chính Nhà nước cũng như bằng việc triển khai thực thi chủ quyền thực tế trên hai quần đảo này. Như vậy, những lời tuyên bố của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (miền Bắc) tại thư1958, được xem như lời tuyên bố của một bên thứ ba không có ảnh hưởng đến vụ tranh chấp.
    Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng, chúng ta nên kiện Trung Quốc ra cơ quan tài phán quốc tế để bảo vệ lãnh thổ của mình?
    Biện pháp khởi kiện Trung Quốc ra cơ quan tài phán quốc tế là một biện pháp hoà bình, dựa trên cơ sở Công ước quốc tế về Luật Biển năm 1982 và luật pháp quốc tế, do đó trong trường hợp cần thiết thì Nhà nước ta nên thực hiện biện pháp khởi kiện Trung quốc song song với các biện pháp về kinh tế, ngoại giao, truyền thông... để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với vùng biển của mình.
    Nếu thực hiện biện pháp khởi kiện thì chúng ta sẽ khởi kiện ở Toà án nào? Và chúng ta cần phải chuẩn bị những gì cho vụ kiện?
    Theo quy định tại Điều 287 Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển, và từ kinh nghiệm của Philippines, Chính phủ ta có thể khởi kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài quốc tế về Luật Biển của Liên hợp quốc về việc giải thích và áp dụng Công ước. Theo quy định tại Điều này và Phụ lục VII của Công ước thì kể cả trường hợp Trung Quốc từ chối tham gia vụ kiện thì Toà Trọng tài vẫn được thành lập và việc Trung Quốc không tham gia vụ kiện cũng không ảnh hưởng đến quyết định của Tòa trọng tài quốc tế về Luật Biển của Liên hợp quốc. Thông qua đó, chúng ta sẽ làm cho các hành động phi pháp của Trung Quốc bị công khai, đặc biệt khi Trung Quốc là một trong năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an.
    Để chuẩn bị khởi kiện, Chính phủ có thể thành lập một Ban nghiên cứu để nghiên cứu, chuẩn bị hồ sơ, chứng cứ và giải quyết các vấn đề liên quan đến việc nộp đơn khởi kiện và tham gia vụ kiện. Ban này có thể gồm các chuyên gia công pháp quốc tế về Luật Biển, chuyên gia về lịch sử... và trong trường hợp cần thiết, chúng ta có thể thuê các chuyên gia nước ngoài để chuẩn bị chắc chắn cho việc khởi kiện Trung Quốc.
    Gần đây, Hội Luật gia Dân chủ Quốc tế với hơn 100 tổ chức thành viên đến từ hơn 100 nước với những luật sư có kinh nghiệm trong các vụ kiện quốc tế cũng đã ra tuyên bố luôn ủng hộ và sát cánh cùng Việt Nam trong việc thực hiện các biện pháp pháp lý bảo vệ chủ quyền của Việt Nam. Khi khởi kiện Trung Quốc, chúng ta cần tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng, bạn bè quốc tế để việc khởi kiện được thành công, thuận lợi.               

    Việt Nam là quốc gia đầu tiên phát hiện và xác lập chủ quyền ở Hoàng Sa

    “Với những bằng chứng lịch sử và pháp lý mà Việt Nam đang có hiện nay, chúng ta hoàn toàn có quyền khẳng định rằng Việt Nam là quốc gia đầu tiên phát hiện và xác lập chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa một cách hòa bình, liên tục từ thế kỷ thứ XVII, phù hợp với nguyên tắc phát hiện và chiếm hữu thực chất - nguyên tắc quan trọng nhất trong việc xác định chủ quyền của quốc gia đối với lãnh thổ được luật pháp quốc tế công nhận. Điển hình là việc chúa Nguyễn lập “đội Hoàng Sa”, “đội Bắc Hải” để khai thác tài nguyên và bảo vệ quần đảo Hoàng Sa đã được ghi nhận trong các tài liệu lịch sử như Toàn tập Thiên nam tứ chí lộ đồ thư của Đỗ Bá Tự Công Đạo (1686), Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn (1776)... Đồng thời, chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Parasels - Hoàng Sa cũng được thừa nhận trong nhiều tài liệu của nước ngoài như Hải ngoại ký sự (1696) của Thích Đại Sán, Nhật ký Batavia (1631-1636) của công ty ấn Độ - Hà Lan, An Nam đại quốc họa đồ (1838) của Taberd,...” -  Luật sư Nguyễn Văn Hậu khẳng định.

     
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/khong-co-co-so-de-tq-xac-lap-chu-quyen-cac-vung-dao-da-chiem-a37625.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.