(ĐSPL) - Nhà nghiên cứu Văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ khẳng định, không có một câu chuyện nào về bài hát "Bắc kim thang".
Thời gian gần đây, trên nhiều trang mạng đã lưu truyền một câu chuyện liên quan đến việc ra đời của bài hát "Bắc kim thang" với nhiều tranh cãi. Để tìm hiểu rõ hơn về bài đồng dao "Bắc kim thang", phóng viên báo Đời sống và Pháp luật đã có cuộc trò chuyện với nhà nghiên cứu Văn hóa Dân gian Nguyễn Hùng Vĩ – Giảng viên môn Văn học dân gian của khoa Văn trường ĐHKHXHNV – ĐHQG Hà Nội, để nghe ông giải thích về tác phẩm dân gian độc đáo này.
Nhà nghiên cứu Văn hóa Dân gian Nguyễn Hùng Vĩ. |
-“Bắc kim thang, bờ lang bí rợ” là một bài đồng dao miền Tây Nam Bộ được rất nhiều người yêu thích nhưng lại ít ai biết xuất xứ của nó. Ông có thể chia sẻ với độc giả về nguồn gốc của tác phẩm này?
-Những tác phẩm dân gian thường có các dị bản khác nhau, và "Bắc kim thang, bờ lang bí rợ" cũng có nhiều dị bản.
Có hai điều để nói về bài đồng dao này, thứ nhất, đây là vùng đất lục tỉnh, vào làng tây từ sớm cho nên chất liệu âm nhạc cũng như phong cách âm nhạc của bài này mang giai điệu của Pháp rất rõ ràng. Bởi vì trong các kiểu dân ca của ta không có dịp, nhạn cấu trúc một tác phẩm tương tự như vậy. Cho nên rất có thể một nhạc phẩm nhà trường hoặc một nhạc phẩm quen thuộc của pháp thế kỷ thứ 9, đã được du nhập vào vùng ấy.
Thứ hai, đây cũng là vùng đất tập hợp rất nhiều dân, đặc biệt là dân Quảng Đông, Quảng Châu sang đó vào thế kỷ thứ 17, 18 cho nên tiếng nói vùng ấy pha rất nhiều yếu tố của thổ ngữ, và có thể nó đã được dùng để đưa vào các bài hát dân gian. Kết hợp hai điều đấy đã tạo thành một tác phẩm hoàn toàn xa lạ với Bắc Bộ và mang âm hưởng của cận đại.
-Có rất nhiều ý kiến tranh cãi xung quanh ý nghĩa của bài đồng dao này, trong đó nhiều ý kiến nghiêng về ý, tác phẩm đề cao tình bạn, và quan niệm cứu vật vật trả ơn. Ý kiến của ông thế nào?
-Theo tôi thì không có câu chuyện nào cả về bài đồng dao "Bắc kim thang". Ý nghĩa của bài đồng dao này, cũng như nhiều bài đồng dao cho trẻ em khác là để cười vui, mua vui cho trẻ con, gây cười cho thoải mái…
Tôi chắc chắn rằng, đã có một nhạc phẩm của Pháp vào thời đó y hệt như vậy mà trước đây tôi đã từng nghe. Nhiều bài đồng dao toàn là nhạc tây hồi đó nên không phải cái gì dân gian cũng là cổ xưa. Dân gian luôn sản sinh ra cái mới, ra những dị bản, đến như quan họ còn sử dụng nhạc hiện đại của Trung Quốc chuyển sang vào năm 1935. Như từ “Đảo dương châu” biến thành bài “Trăng thanh gió mát”, đó là bài nhạc mới toanh hoàn toàn của Trung Quốc vào năm 1935, giờ chúng ta gọi là quan họ cổ. Từ đó có thể suy ra rằng, điều này hoàn toàn có thể xảy ra ở trong văn học dân gian.
-Trong các ghi chép về văn học dân gian Việt Nam có ghi về bài đồng dao cổ này không, thưa ông?
-Người ta có ghi chép sau này, còn ở đầu thế kỷ 20 thì không thấy. Trong quá trình ghi chép, chúng tôi có phân ra là: Ghi chép trước cách mạng tháng 8, ghi chép đầu thế kỷ 20 và ghi chép vào sau 1975. Từ những ghi chép vào những năm 20 của thế kỷ 20 trở về trước chưa thấy bài này.
-Hiện giờ giới trẻ không mấy quan tâm đến thể loại đồng dao, ông nghĩ nó liệu có bị lãng quên?
-Thực ra nhiều thể loại của nhạc trẻ bây giờ có xuất xứ từ các yếu tố dân gian cổ xưa, như nhạc rap chính là cách đọc vè ngày xưa kết hợp với âm nhạc. Tôi cho rằng những thể loại âm nhạc dân gian, âm nhạc dân tộc sẽ không bao giờ bị quên lãng.
Theo ông Ngọc Thạch – người lý giải sự tích bài Bắc kim thang đang lưu truyền trên mạng thì thực chất bài đồng dao Bắc kim thang là để diễn tả lại câu chuyện cổ tích đề cao tình bạn và tính chất cứu vật vật trả ơn của người xưa. Cả bài đồng dao này được viết lại dựa trên câu chuyện cổ tích về tình bạn, nên cách lý giải cũng vì thế mà nên hiểu cho đúng. Tuy nhiên trải qua thời gian dài, người lớn không còn kiên nhẫn để giải thích cho con trẻ hiểu về truyện cổ tích kia, thế nên bài đồng dao “Bắc kim thang” cứ thế mà lưu truyền, gây ra sự hoang mang, khó hiểu cho người nghe. Vì thế có nhiều lời bàn, tranh cãi xung quanh việc lý giải ý nghĩa cho bài đồng dao này. |