Theo thống kê của Khoa Truyền nhiễm (Trung tâm Y tế huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên), từ đầu năm đến nay đã có 65 bệnh nhân mắc viêm da mủ, chủ yếu là trẻ nhỏ dưới 10 tuổi.
Trao đổi với Báo Điện Biên Phủ, anh Nguyễn Đăng Tùng có 2 con nhỏ đang điều trị viêm da mủ tại đây cho biết: Nghỉ hè, hai cháu có về ông bà chơi và đi tắm suối, sau khi về nhà thì bắt đầu xuất hiện vết mụn nước như thủy đậu. Gia đình có ra hiệu thuốc mua thuốc về chữa trị, nhưng 4 ngày vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm mà còn nặng hơn, cháu bị sốt, ngứa ngáy không chịu được. Sau khi đưa đến Trung tâm Y tế khám thì được các bác sĩ chẩn đoán bị viêm da mủ và chỉ định nhập viện điều trị.
Một trường hợp khác, nhưng tình trạng nặng hơn với nhiều vết loét khắp người là cháu Tòng Thị Bảo Yến (8 tuổi, trú tại xã Na Tông, huyện Điện Biên).
Theo chia sẻ của người nhà cháu Yến, bố mẹ cháu đi làm ăn xa, cháu ở nhà với ông bà ngoại, nghỉ hè nên hay đi chơi, tắm suối, bị ngứa nhưng cháu ngại không dám nói với ai trong nhà, đến khi tình trạng các vết loét nặng, đau đớn, không đi lại được nữa thì gia đình mới biết và đưa cháu đến Trung tâm Y tế khám bệnh.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Bích Thục, Trưởng khoa Truyền nhiễm cho biết: "Bệnh viêm da mủ có thể xảy ra quanh năm, hay gặp nhất vào mùa hè; tùy vào nguyên nhân gây bệnh sẽ xuất hiện ở những nhóm người khác nhau, trong đó thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 10 tuổi, người suy giảm miễn dịch và nhóm người giữ gìn vệ sinh không đảm bảo".
Trao đổi về nguyên nhân gây bệnh viên da mủ vào mùa hè, bác sĩ Thục cho biết thêm: Nguyên nhân gây bệnh phổ biến nhất là do hai loại vi khuẩn tụ cầu khuẩn và liên cầu khuẩn (nguyên nhân gây bệnh bởi liên cầu sống tự nhiên trên da). Nếu phát hiện sớm bệnh và điều trị đúng cách thì những tổn thương trên da sẽ nhanh chóng khô bề mặt, bong vẩy da và bệnh nhân sẽ khỏi bệnh hoàn toàn sau 5 - 7 ngày.
Thực tế với hai trường hợp điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Điện Biên, hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng nếu chúng ta không phát hiện kịp thời người nhiễm bệnh. Dẫn lời bác sĩ Thục trước nguy cơ về sức khỏe khi bị bênh: Nếu phát hiện muộn hoặc người già, trẻ sơ sinh, bệnh nhân có kèm bệnh khác cần cẩn trọng trong việc đều trị vì có khả năng nhiễm trùng huyết, viêm cầu thận, thậm chí là tử vong. Năm 2020, ở khoa đã tiếp nhận một bệnh nhân bị viêm da mủ nặng, lở loét toàn thân, phải chuyển tuyến trên, nhưng đáng tiếc trường hợp đó quá nặng, cháu bé đã tử vong vì phát hiện muộn.
Bệnh viêm da mủ có các dấu hiệu như tổn thương nang lông, ban đầu lỗ chân lông hơi sưng đỏ, đau, sau thành mụn nhỏ. Bệnh gây nhọt, số lượng nhiều có thể kèm theo sốt, hạch bạch huyết sưng đau thường gặp ở người suy nhược, giảm sức đề kháng…
Ðối với nhóm nguyên nhân do liên cầu, người bệnh dễ bị lây tạo thành từng đám vẩy vàng sâu dính bết tóc, da trợt đỏ, rớm dịch hay chốc loét thường gặp ở bệnh nhân suy dinh dưỡng có bệnh tiểu đường, nghiện rượu hoặc bị chốc mép, hăm…
Báo Sức khỏe & Đời sống dẫn lời khuyên từ các bác sĩ để phòng ngừa bệnh ngoài da nói chung và bệnh viêm da mủ nói riêng như sau:
Luôn giữ vệ sinh môi trường sống khô ráo và thoáng mát.
Giữ cơ thể luôn sạch sẽ, khô thoáng, không để mồ hôi đọng lại trên người quá lâu.
Mặc quần áo rộng rãi, thoáng, thấm mồ hôi.
Hạn chế ăn quá nhiều đồ nóng và đồ ăn có hàm lượng đường cao.
Ăn nhiều rau xanh, tăng cường vitamin, chất khoáng và có chế độ ăn nhiều đạm giúp tăng cường sức đề kháng của cơ thể.
Uống đủ 2l nước trong ngày
Tránh cào xước vùng da bị viêm, không tự ý nặn mụn, nhọt.
Người bệnh không tự ý dùng kháng sinh, thuốc bôi, dán cao, đắp lá… vì tùy từng dạng viêm mũ sẽ có loại thuốc điều trị thích hợp.
Nguyễn Linh (T/h)