(ĐS&PL) Gần 10 năm qua, hàng trăm hộ dân ở xóm 6, xãYên Nhân, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định phải sống trong bầu không khí ô nhiễm nghiêm trọng do hoạt động tập kết và chế biến than gây ra. Mặc dù người dân đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp chính quyền, nhưng tình trạng trên vẫn chưa được xử lý dứt điểm.
Bãi tập kết than không che chắn ngay các hộ dân xóm 6, xã Yên Nhân, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định |
Không gian sống của người dân đều bị bụi than “đầu độc”
Nằm sát cánh đồng bên bờ sông đáy những tưởng người dân xóm 5, 6 thuộc Xã Yên Nhân, Huyện Ý Yên sẽ được hưởng một bầu không khí trong lành, thoáng đãng, nhưng có ai ngờ, người dân xóm này đang phải sống trong bầu không khí vô cùng ô nhiễm, suốt nhiều năm qua do hoạt động tập kết, chế biến và vận chuyển than của các công ty Mai Lan nằm ngay cánh khu dân cư xóm chưa đến 100m, ngày đêm xả bụi “đầu độc” môi trường. Cạnh đó nữa là tiếng ồn, hàng đêm tiếng động cơ xe tải trọng tải lớn, rồi máy xúc than hoạt động hết công xuất làm người dân không ngủ được… nhiều ha đất nông nghiệp không thể canh tác được vì bụi bẩn của than.
Theo phản ánh của người dân cả xóm 6 có 170 hộ dân các xóm lân cận là xóm 5 và khu vực trường học đều bị ảnh hưởng từ bãi tập kết than của công ty Mai Lan. Bụi than đang trở thành nỗi ám ảnh của người dân, khiến nhiều gia đình ở gần bãi tập kết than lúc nào cũng “cửa đóng then cài”. Nhà cửa, ruộng vườn bị bụi than phủ đen đặc. Ăn cơm cũng phải đóng cửa kín mít , thậm chí bát, đũa rửa xong phải lấy túi bóng bọc lại, quần áo không dám phơi ngoài trời. Có nhà phải lấy tấm xốp, băng dính dán hết tất cả các ô thoáng gió để ngăn bụi than bay vào nhà , nhưng cứ lau chùi được nửa ngày thì bụi than lại phủ dày đặc, than rơi vãi khắp nơi, nước đen ngòm, chảy ruộng nơi bà con đang canh tác sản xuất.
Ông Dương Văn Thoan trưởng xóm 6 và người dân cho biết, than đưa về không được tưới nước, không che bạt, bụi than dày nhiều lớp trên đường và phủ kín nhà cửa của dân đã vậy không hiểu sao mùi than rất khét như mùi lốp cao su cháy ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Học sinh của trường cấp 2 xã Yên Nhân ngồi trong lớp phải bịt khẩu trang đóng hết cửa vẫn không thể chịu được. Xóm 6 đã có nhiều trẻ em bị các bệnh liên quan đến đường hô hấp. Gần đây nhất, Công ty Mai Lan cũng hứa với người dân sẽ khắc phục những thiếu sót trong thời gian sớm nhất, nhưng đến bây giờ vẫn không khắc phục và vẫn nén nút thực hiện vận chuyển chế biến than.
Ông tướng con không cần giấy phép
Công ty Mai Lan đã mua ruộng của một số hộ dân ở trong thôn tự ý san lấp phá vỡ mặt bằng quy hoạch phần đất nông nghiệp để làm bãi than và dựng máy xay than nghiền ngày đêm. PV đã phỏng vấn ông Nguyễn Công Trình chủ tịch xã Yên Nhân cho biết hiện tại công ty Mai Lan chỉ được cấp phép kinh doanh để vật liệu xây dựng tại bến chứ chưa được cấp phép bến thủy nội địa cấp cảng lên xuống vật liệu xây dựng, chưa được thẩm định đánh giá tác động môi trường. Tuy vậy vận chuyển chế biến than vẫn cứ hoạt động ngày đêm ngang nhiên như thế là bất hợp pháp. Tuy vậy mọi hoạt động của công ty vẫn tồn tại và xã chỉ dừng lại ở việc “nhắc nhở”.
Trước kiến nghị của người dân xóm 6, chính quyền xã Yên Nhân đã cử đoàn xuống kiểm tra và yêu cầu Doanh Nghiệp Mai Lan khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường như người dân phản ánh. Tại buổi kiểm tra, ông Nguyễn Công Trình Chủ tịch UBND xã yên Nhân khẳng định, phản ánh của người dân về tình trạng ô nhiễm do khói bụi than là hoàn toàn chính xác. Xã yêu cầu khắc phục như che chắn bụi, phun tưới nước trên đường nhưng hiệu quả không cao, tình trạng ô nhiễm bụi từ bến thủy vẫn chưa giải quyết triệt để. Nếu công ty Mai Lan không đảm bảo các tiêu chí môi trường ảnh hưởng đến người dân và sản xuất của bà con thì cần phải di dời sớm.
Thiết nghĩ trước những kiến nghị, phản ánh của bà con, UBND xã Yên Nhân và các cơ quan chức năng của tỉnh Nam Định cần kiên quyết xử lý nghiêm việc tự ý lập bến thủy để vận chuyển chế biến than làm ảnh hưởng đến cuộc sống của nguời dân. Xử lý nghiêm khắc hành vi tự ý phá vỡ mặt bằng quy hoạch đất nông nghiệp để làm bãi than, cưỡng chế di dời bãi than và máy móc chế biến than gây ô nhiễm môi trường để không gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của bà con địa phương và trả lại mặt bằng đất nông nghiệp cho người dân.
Nhóm PV/Sức Khỏe 365