(ĐSPL) – Cứ năm nào đến mùa cưới thì vụ phong bì cũng bị mọi người lôi ra mổ xẻ, kêu ca các kiểu. Quanh cái phong bì mừng đám cưới thôi mà có cả 1001 chuyện bi hài.
Những trường hợp sau đây có thể giúp bạn tham khảo để xử lí nếu bản thân bị rơi vào tình cảnh tương tự. Với những người lớn tuổi, kinh nghiệm chín chắn, có lẽ những trường hợp như vậy sẽ được giải quyết nhanh gọn.
1. Bị ăn chặn tiền mừng đám cưới
Mới đây trên mạng xã hội có người đã chia sẻ về chuyện bị một chị đồng nghiệp trong công ty ăn chặn mất tiền gửi đám cưới. Cũng như nhiều người không đi dự tiệc được do bận việc cá nhân, anh chàng đã gửi 500K nhờ chị phòng nhân sự đi ăn cưới gửi giúp.
Chuyện này có lẽ chẳng xa lạ gì với mọi người, nếu sau này anh không vô tình biết được cô dâu, cũng là đồng nghiệp trong phòng, chỉ nhận được có 200K thay vì 500K anh đã gửi.
Sau khi biết mình bị ăn quả lừa cay đắng và ê mặt với cô dâu, anh đã viết email gửi cho chị nhân sự và yêu cầu được trả lại tiền. Anh chàng trong câu chuyện cũng không phải dạng vừa khi gửi email cho chị nhân sự cũng không quên gửi cho toàn công ty để “nhắc nhở” mọi người tránh bị rơi vào trường hợp như mình.
Đoạn email được M.T gửi khắp công ty. |
Đoạn chia sẻ được anh đăng tải trên mạng xã hội đã trở thành chủ đề bàn tán của nhiều người. Người thì tỏ vẻ cảm thông, đồng cảm bày tỏ mình cũng từng rơi vào trường hợp tương tự, người lại oán trách anh làm quá khi thông báo cho cả công ty biết…
Với trường hợp này, anh chàng chắc đã gửi tiền mặt để chị kia bỏ phong bì hộ. Thiết nghĩ nếu anh tự chuẩn bị một phong bì dán kín có viết lời chúc bên ngoài thì sẽ giảm thiểu được rủi ro này. Và tất nhiên đó cũng là biện pháp “phòng người ngay” thôi, chứ người ta đã cố tình thì kiểu gì cũng chết.
2. Bị nhờ ứng tiền gửi phong bì mừng đám cưới
Nhiều người đến sát ngày mới không đi tham dự tiệc cưới được nên vội vàng gọi điện cho bạn bè, người quen từ xa nhờ bỏ phong bì hộ rồi sẽ gửi sau.
Nhiều người rất có trách nhiệm, trả tiền nhanh chóng đầy đủ nhưng nhiều người hay “quên” và thế là lại có chuyện người bị cháy túi sau mỗi đám cưới do bị nhiều “nhờ vả” kiểu này.
Từng có anh kể là một đồng nghiệp quê ở xa Hà nội làm đám cưới. Cả công ty chỉ có đại diện vài người đi được. Trước khi xuất phát, đã có rất nhiều người nhờ gửi gắm cả nắm phong bì tiền mừng. Nhưng sau khi lên xe, suốt hành trình điện thoại mỗi người reo liên tục vì những người nhờ ứng phong bì gửi hộ.
Nội dung của những cuộc điện thoại này cũng không khác nhau luôn là: “Bỏ giúp anh/em XXXK tiền mừng cho Y rồi anh/em trả lại sau.”
Đến nỗi hết cả tiền mặt dự trữ trên người, giữa đường, anh phải nhảy xuống đến máy ATM rút tiền trong thẻ để đối phó.
Bị nhờ ừng gửi hộ phong bì trở thành tai nạn cho nhiều người. |
Nhưng cái vấn đề rất tế nhị, lắm lúc khiến khổ chủ đi đám cưới mà méo hết cả mặt, lại nằm ở chính cái chuyện nhờ gửi, rồi “gửi lại sau” này.
Rất nhiều người, lúc nào cũng thòng theo câu “hôm nào gặp tôi gửi lại sau”, nhưng cái “hôm nào” ấy chả biết bao giờ, và cái “gửi lại sau” ấy nhiều khi chẳng xảy ra. Thường chỉ là do vô tình, người nhờ quên mất không gửi lại tiền đã nhờ mừng cưới.
Cái món tiền “nhờ gửi” này không lớn, chỉ 300, 500 nghìn, cao là đến 1 -2 triệu thôi. Người nhờ nhiều khi vì bận việc nọ việc kia, quên béng mất. Người đã rút tiền ra gửi hộ cũng ngại đòi, ngại nhắc.
Nhưng nếu nhiều người gửi thì cái món tiền đó lại không nhỏ tẹo nào. Đi truy từng người để đòi cũng rất bất tiện. Có anh kể, có người bạn ở tỉnh xa, thỉnh thoảng mới về Hà nội nên chờ “Khi nào gặp thì đưa” có mà còn lâu. Đến khi gặp khéo chính mình cũng quên mất, chẳng nhớ mà đòi, hoặc có khi qua lâu qua rồi, có vài trăm nghìn nên ngại mở mồm.
Nhưng nói từ chối không cho nhờ cũng không được, có những trường hợp buộc phải cho nhờ. Ví dụ như sếp nhờ, đồng nghiệp đang đi công tác xa hay nghỉ phép nhờ.
Nhiều người có kinh nghiệm nên trước khi đi đám cưới, “gióng trống khua chiêng” kêu ai có gửi phong bì thì tự chuẩn bị, tôi đưa hộ. Bạn bè gọi điện thoại nhờ thì đưa số tài khoản yêu cầu internet banking rồi tôi sẽ rút tiền bỏ hộ phong bì cho. Lý do thì cứ đường hoàng mà nói, nhiều người gửi gắm quá, không đủ tiền nên thông cảm. Làm vậy có lẽ hơi “chắc” nhưng cũng hạn chế được khá nhiều lỗ thủng cho ví tiền bản thân.
Thiết nghĩ trong trường hợp này, những người nhờ vả nên có trách nhiệm hoàn tiền lại cho người ta vì nói thế nào đó cũng là một “khoản nợ”. Mà tốt nhất là nên tự chuẩn bị phong bì ghi chú đầy đủ cho yên tâm, vì đám cưới người ta mời trước đó khá lâu, chứ có phải đột ngột đâu mà kêu không kịp. Có nhiều người bị nhờ vả kiểu này, ghi nhiều phong bì quá nên qua loa đại khái, không ghi tên người gửi và thế là cô dâu chú rể có thể hiểu lầm là bạn đã không gửi tiền cưới cho họ. Quan hệ đồng nghiệp, bạn bè bị sứt mẻ vì vài đồng bạc, có lẽ lúc đó mất nhiều hơn được.
3. Mất bạn bè vì phong bì cưới
Câu nói thường treo trên miệng của nhiều người đó là thiệp cưới là thiệp đòi nợ. “Lễ thượng vãng lai”, đám cưới anh/chị tôi đi tiền mừng ngần này, thì đến lượt anh/chị cũng phải bỏ tương đương. Nói tương đương vì còn phải tính đến lạm phát nếu thời gian đã qua lâu nữa ạ. Nếu không làm được, đi tiền mừng ít hơn thì tình cảm thân thiết sẽ nhạt nhòa, sứt mẻ.
Lê Hân (27 tuổi, Hà Nội) buồn bã kể lại câu chuyện của mình. Số là ngày đó, hai vợ chồng Hân còn khó khăn, cưới đứa bạn thân chỉ dám bỏ 300.000 đồng. Cô nghĩ, thôi thì ít ra cũng bằng số tiền trước đây bạn mừng mình.
Nào ngờ sau ngày cưới, cô thấy bạn đối xử với mình khác hẳn, vừa chậm lời, vừa lạnh nhạt. Mãi đến sau này cô mới được biết thì ra bạn bức xúc vì ngày trước cô cưới, họ mừng 500.000 đồng, giờ họ cưới cô lại mừng ít đi.
Hân thủ thỉ: “Có thể ngày đó khi bóc phong bì mình không ghi chép cẩn thận nên nhớ nhầm. Cô bạn ấy rêu rao khắp nơi rằng, không trả được hơn thì ít nhất cũng phải trả bằng vì giờ thứ gì cũng đắt đỏ hơn xưa. Chẳng lẽ vì cái phong bì cưới lại có thể ảnh hưởng nhiều tới tình cảm bạn bè đến thế”.
Nhưng tình cảm bạn bè thân thiết vơi đi chút ít còn hi vọng có ngày lấy lại, chứ mối quan hệ giữa sếp với nhân viên mà mất thì khó mà vun vén. Không ít người bị sếp “đì” cho khốn khổ vì chỉ phong bì mỏng.
Hoàng (29 tuổi, nhân viên maketing) kể: “Lần đó con gái sếp cưới, tôi theo sự thống nhất của mọi người bỏ phong bì 1 triệu đồng. Nào ngờ, họ lẳng lặng bỏ phong bì hơn, còn tôi thì thật thà tin là thế. Mà giả sử họ có bảo mừng vài triệu thì chắc tôi cũng không có tiền. Ấy thế mà, sau đó sếp giận thật, có những việc trước sếp rất tin tưởng tôi thì giờ giao cho người khác làm. Ngay cả việc xin dấu, chữ ký cũng bị sếp làm khó. Từ đó trở đi, hễ con ông, bà nào cưới là tôi cứ cắn răng lột túi mà bỏ phong bì to cho yên ổn”.
4. Đếm phong bì suốt cả đêm tân hôn
Nhận thức được sự quan trọng của việc kiểm phong bì và ghi chép rõ ràng nên nhiều cặp đôi, đêm động phòng chong đèn sáng rực chỉ để… đếm phong bì. Ai cũng sốt sắng về số tiền mình nhận được là bao nhiêu, có đủ hoàn lại vốn liếng bỏ ra khi làm cỗ bàn mời quan khách. Thế là vừa mở, vừa đếm, vừa ghi chép và đôi khi còn tranh luận, cãi vã nhau.
Rắc rối và phức tạp nhất là trường hợp hai gia đình dùng chung một thùng đựng tiền mừng. Lúc này việc xác định số tiền mừng của mỗi bên trở thành “Nhiệm vụ bất khả thi”. Và dĩ nhiên, đêm tân hôn sẽ chẳng còn tình cảm, lãng mạn như nó vốn có.
Hương kể lại đêm tân hôn dở khóc, dở cười của mình: “Đêm động phòng, sau khi hoàn tất mọi thủ tục lễ nghĩa, hai vợ chồng định đi vào nội dung chính thì nhận được điện thoại của mẹ chồng bảo hai đứa phải kiểm kê phong bì trước khi ngủ. Thế là hai đứa lật đật trở dậy, mở từng phong bì, ghi chép đâu là tiền nhà trai, đâu là tiền nhà gái. Xong xuôi cũng hơn 2h sáng, cả hai mệt bã hơi, lăn ra ngủ, khỏi động phòng.”
Và còn nhiều những thị phi xung quanh chiếc phong bì mừng đám cưới nữa. Chỉ có thể nhắc nhở bạn một câu, sống tỉnh táo không hư vinh, sĩ diện hão, có kế hoạch cẩn thận sẽ tránh được phần lớn những tình huống đáng buồn trên. Đừng để những tấm thiệp hồng báo tin mừng hạnh phúc lứa đôi lại trở thành điều bất hạnh cho bạn và gia đình.
Tổng hợp