Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết khói từ thảm họa cháy rừng ở Australia sẽ phát tán đi khắp nơi trên thế giới.
Hệ sinh thái rừng ở Australia bị phá hủy nghiệm trọng và cần rất nhiều thời gian để phục hồi. Ảnh: Wolter Peeters |
Australia vừa trải qua thảm họa cháy rừng tồi tệ nhất trong lịch sử. Những đám cháy đã làm thiệt mạng 27 người, khoảng 2.000 ngôi nhà bị phá hủy, tàn phá hơn 10 triệu ha đất - diện tích lớn hơn cả quốc gia Bồ Đào Nha. Ước tính có khoảng một tỷ động vật đã chết bao gồm loài có vú, chim và bò sát.
Không chỉ vậy, thảm hỏa này còn mang đến nguy cơ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng gây ra bởi khói mù từ các đám cháy.
Vài ngày trước, Cơ quan Khí tượng New Zealand đã phát đi cảnh bảo chất lượng không khí kém gây nguy hiểm cho sức khỏe con người, bởi hai nhánh khói mù đã lan từ các đám cháy ở Đông Nam Australia sang đảo Bắc và đảo Nam của nước này.
Khói mù từ những đám cháy rừng ở Australia lan rộng sang New Zealand. Ảnh: Getty |
Không chỉ dừng lại quanh khu vực Châu Đại Đương, mới đây vào ngày 14/1, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) khói từ các đám cháy rừng ở Australia sẽ phát tán đi khắp nơi trên thế giới, sau đó quay trở lại và bao phủ toàn bộ Australia trong những ngày tới.
Hiện NASA đang theo dõi sự di chuyển của đám khói dài tới hơn 15 km trong bầu khí quyển, hình thành từ các trận cháy rừng tại hai bang New South Wales và Victoria của Australia. Đến ngày 8/1, khói đã bay được nửa vòng Trái Đất, băng qua Nam Mỹ.
Khói từ các đám cháy rừng ở Australia sẽ lan đi khắp thế giới. Ảnh: AP |
Trước đó, NASA thông báo khói bụi từ các đám cháy rừng ở Australia đã "tác động mạnh mẽ" đến New Zealand và "gây ra các vấn đề nghiêm trọng về chất lượng không khí tại quốc gia này và gây biến đổi màu của tuyết trên các đỉnh núi".
Các nhà khoa học tại NASA cho rằng sự kết hợp giữa nhiệt độ cao từ các vụ hỏa hoạn và hiện tượng khô hạn lịch sử của Australia đã dẫn đến việc hình thành của một số lượng lớn các cơn bão "bất thường".
Hiện tượng thời tiết đã được kích hoạt bởi sự tích tụ tro bụi, khói và vật liệu đốt, cộng hưởng không khí nóng và ánh mặt trời thiêu đốt. Những hợp chất này tạo thành các đám mây trông giống như giông bão truyền thống, nhưng không có mưa.
Hoa Vũ (T/h)