(ĐSPL)- Giám đốc Công ty Văn Hiến thừa nhận 51.000 cuốn sách trên có nguồn gốc bất hợp pháp. Sau khi nhập số sách lậu này, Công ty Văn Hiến dán tem giả của nhà xuất bản rồi đưa đi tiêu thụ.
Theo tin tức báo An ninh thủ đô, viện KSND Tối cao vừa có quyết định chuyển vụ án hình sự vi phạm các quy định về xuất bản, phát hành sách, báo, đĩa âm thanh, băng âm thanh, đĩa hình hoặc các ấn phẩm khác (Điều 271 BLHS), xảy ra tại Công ty CP Đầu tư và tư vấn giáo dục Văn Hiến (Công ty Văn Hiến) đến cơ quan An ninh điều tra - CATP Hà Nội để điều tra, xử lý theo thẩm quyền.
Cơ quan chức năng đã niêm phong, tạm giữ toàn bộ số hàng lậu tại kho của Công ty Văn Hiến (Ảnh: báo Công an nhân dân) |
Theo báo Công an nhân dân, ngày 12/8, Cục An ninh văn hóa, thông tin và truyền thông phối hợp Đoàn liên ngành phòng, chống in lậu Trung ương, kiểm tra đột xuất kho sách của Công ty cổ phần đầu tư và tư vấn giáo dục Văn Hiến (Công ty Văn Hiến), ở phường Ngọc Thụy (quận Long Biên, Hà Nội). Tại thời điểm kiểm tra, Cục An ninh văn hóa, thông tin và truyền thông phối hợp Đoàn liên ngành phòng, chống in lậu Trung ương thu giữ 25 đầu sách với hơn 51.000 cuốn sách không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Cũng theo báo An ninh thủ đô, tường trình với cơ quan chức năng, đại diện Công ty Văn Hiến thừa nhận, biết rõ số sách trên là sách giả nhưng vì lợi nhuận cao nên đã mua vào 25 đầu sách, tổng cộng hơn 51.000 cuốn với giá 270 triệu đồng định bán cho các phòng giáo dục thuộc các huyện ngoại thành Hà Nội. Nếu trót lọt, Công ty này sẽ hưởng lợi 60 đến 70 triệu đồng.
Cơ quan chức năng xác định, hành vi của Công ty Văn Hiến gây thiệt hại hơn 200 triệu đồng, gồm phí bản quyền, chi phí quản lý, nhuận bút tác giả, khoản thuế Nhà nước thất thu… chưa kể việc ảnh hưởng tới uy tín của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam trong việc cam kết đảm bảo không để xảy ra hiện tượng sao chép lậu bản quyền, bảo hộ bản quyền, gây rối loạn thị trường sách.
NINH LAN(tổng hợp)