Công an huyện Sóc Sơn ra quyết định khởi tố vụ phóng viên của Đài truyền hình Việt Nam bị kẻ lạ lái ôtô tông hỏng máy quay khi đang đi tác nghiệp.
Liên quan vụ việc nhóm phóng viên của Đài truyền hình Việt Nam bị phá hỏng máy quay khi tác nghiệp ở khu vực thuộc địa phận xã Phù Lỗ (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) vào sáng ngày 13/6, báo VOV đưa tin, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Sóc Sơn ngày 14/6 đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội chống người thi hành công vụ, hủy hoại tài sản theo quy định tại các Điều 257 và Điều 143 Bộ luật Hình sự để điều tra làm rõ vụ việc.
Chiếc máy quay trị giá hơn 1 tỉ bị hư hỏng và chiếc xe ô tô bán tải. Ảnh: báo Tiền Phong |
Cùng ngày, ông Trịnh Ngọc Sinh, Bí thư Đảng ủy xã Phù Lỗ cho biết, công an huyện Sóc Sơn và xã Phù Lỗ đang phối hợp điều tra làm rõ vụ việc.
Báo Tiền Phong đưa tin, trước đó, theo bản tường trình gửi công an huyện Sóc Sơn (TP Hà Nội) của phóng viên Trần Thị Tuyết Mai – Ban Thời sự VTV1, Đài truyền hình Việt Nam (VTV), vào khoảng 8h30 sáng 13/6, đoàn công tác gồm 4 người trong đó có phóng viên Trần Thị Tuyết Mai đến UBND xã Phù Lỗ làm việc về nội dung phản ánh trong đơn thư của người dân về tình trạng lấn chiếm ao hồ để tư lợi cá nhân. Trong đó có nội dung liên quan đến khu đất của ông H.
Khi đoàn của phóng viên Trần Thị Tuyết Mai đến khu vực trên để ghi hình từ phía ngoài thì có một chiếc ô tô bán tải đi từ trong khu đất đi ra. Người đàn ông lái xe nói “Ai cho chúng mày quay nhà tao” và đâm thẳng chiếc xe về phía đoàn của phóng viên.
Phóng viên Trần Thị Tuyết Mai cho biết thêm, sau khi tránh được chiếc xe bán tải đâm vào người, lái xe đã cố tình đâm vào chiếc máy quay khiến chiếc máy đổ xuống đường rồi bỏ đi. Chiếc máy quay trị giá hơn 1 tỷ đồng bị hư hỏng hiện tư liệu bên trong không thể lấy ra được.
Trước sự việc trên, nhóm phóng viên VTV đã trình báo đại diện chính quyền sở tại và cơ quan Công an.
Hiện, vụ việc đang được cơ quan Công an tiếp tục điều tra làm rõ.
Điều 257. Tội chống người thi hành công vụ (Bộ luật hình sự 1999, sửa đổi bổ sung ngày 19/06/2009): 1. Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: A) Có tổ chức; B) Phạm tội nhiều lần; C) Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội; D) Gây hậu quả nghiêm trọng; Đ) Tái phạm nguy hiểm. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |
(Tổng hợp)