Thanh niên tông chết CSGT khi đang làm nhiệm vụ ở Huế vừa bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về hành vi "chống người thi hành công vụ".
Tin tức trên báo Tiền Phong, chiều 5/5, Công an thị xã Hương Thủy (tỉnh TT-Huế) tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Ngọc Chiến (sinh năm 1991, trú xã Vĩnh Hoà, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) về hành vi chống người thi hành công vụ, dẫn đến thương vong cho cảnh sát giao thông (CSGT).
Nạn nhân là Hạ sĩ Võ Duy Khánh (29 tuổi, cán bộ Phòng CSGT tỉnh Thừa Thiên - Huế).
Chiến bị Công an thị xã Hương Thủy khởi tố. Ảnh: báo Tri thức trực tuyến |
Theo báo Tri thức trực tuyến, tại cơ quan điều tra, Chiến khai rằng giữa thanh niên này và Hạ sĩ Khánh không quen biết nhau và cũng không hề có bất kỳ mâu thuẫn nào. Khi chạy quá tốc độ cho phép, thấy lực lượng CSGT ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra, Chiến sợ bị xử lý vi phạm luật giao thông nên đã rú ga định bỏ trốn đã tông Hạ sĩ Khánh.
Trước đó, ngày 3/5, cơ quan điều tra Công an Thừa Thiên - Huế cho biết, sau khi vụ việc xảy ra, đơn vị đã đưa Chiến đến cơ sở y tế để giám định. Kết quả cho thấy, Chiến có dấu hiệu sử dụng ma túy.
Như báo Dân trí thông tin, vào lúc 15h45 ngày 2/5, anh Khánh đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát giao thông tại đường đường tránh Quốc lộ 1A, đoạn qua tỉnh Thừa Thiên Huế thì phát hiện một đối tượng điều khiển xe mô tô mang biển kiểm soát 74L1-195.39 vi phạm tốc độ 68/50 km/h.
Khi bị yêu cầu dừng xe để kiểm tra theo qui định, thay vì chấp hành hiệu lệnh, Chiến đã điều khiển xe mô tô tăng tốc độ, đâm thẳng vào lực lượng làm nhiệm vụ.
Hậu quả vụ tai nạn đã làm cả 2 người đều bị thương, và chuyển đến bệnh viện Trung ương Huế cấp cứu.
Mặc dù đã được đồng đội đưa đi cấp cứu ngay sau đó nhưng do bị chấn thương quá nặng, anh Khánh đã hy sinh vào lúc 7h ngày 3/5 tại bệnh viện.
Điều 257. Tội chống người thi hành công vụ (Bộ luật hình sự 1999, sửa đổi bổ sung ngày 19/06/2009): 1. Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: A) Có tổ chức; B) Phạm tội nhiều lần; C) Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội; D) Gây hậu quả nghiêm trọng; Đ) Tái phạm nguy hiểm. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |
(Tổng hợp)