Sau khi lấy đi 37 triệu đồng, Mười vứt chiếc két sắt xuống sông mà không hề biết rằng bên trong két còn nhiều ngoại tệ, vàng...
Báo Người đưa tin dẫn lời Trung tá Tạ Đình Tuấn, Trưởng Công an huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), ngày 8/8, cơ quan điều tra Công an huyện đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối tượng Nguyễn Văn Mười (SN 1974, trú tại xóm 11, xã Lĩnh Sơn, huyện Anh Sơn) về hành vi Trộm cắp tài sản.
Nguyễn Văn Mười tại cơ quan điều tra - Ảnh: báo Người đưa tin |
Trước đó, như báo Giao thông đã đưa tin vào ngày 28/7, ông Nguyễn Văn Nam (SN 1964, trú xã Quỳnh Châu, Quỳnh Lưu) phát hiện chiếc két sắt của gia đình bị mất. Trong két sắt có 95 triệu đồng tiền mặt, 14 chỉ vàng, 8.000 Yên Nhật, 5 sổ tiết kiệm trị giá trên 1 tỷ đồng và 4 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Sau đó, gia đình ông Nam đã làm đơn trình báo lên công an huyện Quỳnh Lưu.
Qua quá trình điều tra xác minh, chiều 30/7, lực lượng chức năng xác định Nguyễn Văn Mười là hung thủ nên tiến hành bắt giữ.
Tại cơ quan điều tra, Mười khai sau khi đột nhập vào nhà lấy trộm két sắt rồi chở về nhà cách hiện trường 70km. Sau đó, Mười đục két lấy 37 triệu đồng tiền mặt rồi vứt két xuống sông.
Từ lời khai của Mười, công an đã trục vớt chiếc két, bên trong vẫn còn 14 chỉ vàng, 80.000 Yên Nhật, 58 triệu đồng tiền mặt, nhiều sổ tiết kiệm và bìa đất.
Điều 138. Tội trộm cắp tài sản (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009): 1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Tái phạm nguy hiểm; d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm; đ) Hành hung để tẩu thoát; e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; g) Gây hậu quả nghiêm trọng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |
(Tổng hợp)