(ĐSPL) - Bất chấp sự can ngăn, môt người đàn ông hung hãn ở huyện Đô Lương (Nghệ An) đã cầm dao truy sát và chém Trưởng công an xã khiến người này bị trọng thương và nhập viện cấp cứu.
Ngày 25/11, Đại tá Thái Khắc Thống, Trưởng Công an huyện Đô Lương (Nghệ An) cho biết, cơ quan CSĐT đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối tượng Phạm Văn Hà về hành vi “Cố ý gây thương tích”.
Theo đó, vào ngày 10/11, chính quyền địa phương xã Trung Sơn, huyện Đô Lương đã ra quyết định xử phạt hành chính và tổ chức lực lượng cưỡng chế công trình xây dựng trái phép đường giao thông công cộng, lấn chiếm đường đi chung của gia đình ông Phạm Văn Hà (49 tuổi), trú tại xóm 3 xã Trung Sơn, huyện Đô Lương.
Tuy nhiên, trong quá trình làm việc, ông Phạm Văn Hà đã không hợp tác và có thái độ lăng mạ, chửi bới tổ công tác. Đồng thời, ông Hà cho rằng anh Phạm Văn Tùng (34 tuổi), người hàng xóm là nguyên nhân khiến mình bị xử phạt nên đã lấy dao (dài khoảng 40cm) tấn công anh Tùng.
Thấy vậy, ông Lê Xuân Toản, Trưởng công an xã Trung Sơn đã lập tức chạy đến ngăn chặn, yêu cầu ông Hà thả dao xuống để đối thoại. Song, bất chấp sự can ngăn, người đàn ông hung hãn này đã lao vào chém Trưởng công an xã trọng thương rồi tiếp tục truy đuổi anh Tùng.
Ông Lê Xuân Toản, Trưởng công an xã Trung Sơn kể về việc bị đối tượng hung hãn truy sát và ché trọng thương. |
Sự việc xảy ra, ngay sau đó lực lượng công an và người dân đã nhanh chóng vào can ngăn và tước vũ khí của ông Hà, đồng thời đưa ôn Toản đi cấp cứu.
Tại Bệnh viện, qua thăm khám, được các bác sỹ xác định ông Toản bị chấn thương mẻ xương bản ngoài trán, miệng vết thương ở phần cơ dài gần 7cm. Kết luận giám định pháp y tại Trung tâm Pháp y tỉnh Nghệ An của ông Toản với tỉ lệ thương tật 23%.
Được biết, ông Phạm Văn Hà từng có tiền án, tiền sự vào năm 2014.
Hiện, vụ việc đang được Công an huyện Đô Lương hoàn thiện hồ sơ để xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo Điều 104 Bộ luật hình sự năm 1999 đã sửa đổi, bổ sung năm 2009 có quy định về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác, cụ thể là: "1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm: A) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người; B) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân; C) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người; D) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ; Đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình; E) Có tổ chức; G) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục; H) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê; I) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm; K) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân. 2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. 3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm. 4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân". Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo. |
NGỌC TUẤN
Xem thêm video:
[mecloud]gZDKyLEBbq[/mecloud]