+Aa-
    Zalo

    Khởi tố bị can, bắt tạm giam cựu Tổng giám đốc Vinashin: Không có chuyện "hạ cánh an toàn"!

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Nguyên Tổng GĐ Vinashin Trương Văn Tuyến và một Phó tổng giám đốc tập đoàn này bị bắt vì nghi liên quan việc chiếm đoạt hơn 100 tỷ đồng tiền ngoài lãi suất của Oceanbank.

    Nguyên Tổng giám đốc Vinashin Trương Văn Tuyến và một Phó tổng giám đốc tập đoàn này bị bắt vì nghi liên quan việc chiếm đoạt hơn 100 tỷ đồng tiền ngoài lãi suất của Oceanbank.

    Cựu Tổng giám đốc Vinashin cùng thuộc cấp bị bắt

    Ngày 10/12, cơ quan Cảnh sát điều tra bộ Công an bắt tạm giam ông Trương Văn Tuyến, nguyên Tổng giám đốc tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) và Phạm Thanh Sơn, Phó tổng giám đốc SBIC Vinashin về tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

    Lệnh bắt tạm giam được cơ quan công an ban hành hôm 6/12 khi điều tra mở rộng vụ án lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Vinashin theo quyết định nhập vụ án hình sự số 04/C46- P11 ngày 5/6 của cơ quan Cảnh sát điều tra bộ Công an.

    Quá trình điều tra vụ án xác định, ông Trương Văn Tuyến, nguyên Tổng Giám đốc Vinashin; ông Phạm Thanh Sơn, Phó tổng Giám đốc SBIC (Vinashin) đã có hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn, ký duyệt gửi tiền có kỳ hạn của tập đoàn Vinashin (nay là tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam SBIC) vào ngân hàng Đại Dương (Oceanbank) trái quy định pháp luật, đồng phạm với ông Trần Đức Chính, kế toán toán trưởng tập đoàn Vinashin trong việc chiếm đoạt hơn 105 tỷ đồng tiền ngoài lãi suất từ Oceanbank.

    Bị can Trương Văn Tuyến (trái) và bị can Phạm Thanh Sơn.

    Trước đó, kế toán trưởng Vinashin là Trần Đức Chính và cựu Chủ tịch HĐTV tập đoàn này là Nguyễn Ngọc Sự đã bị cơ quan điều tra bắt tạm giam về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

    Kết quả điều tra giai đoạn II vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm cho thấy ông Sự có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong việc sử dụng nguồn tiền của tập đoàn Vinashin gửi vào Oceanbank để một số cá nhân chiếm đoạt hơn 100 tỷ đồng tiền ngoài lãi suất. Bị can Trần Đức Chính ngoài trực tiếp tham gia vụ án này còn liên quan vụ việc tương tự xảy ra trong thời ông ta làm Kế toán trưởng viện Dầu khí Việt Nam (VPI).

    Tại phiên xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại VPI hồi tháng Tám, Trần Đức Chính lĩnh 18 tháng tù. Việc chi lãi ngoài của Oceanbank được Hà Văn Thắm, Chủ tịch HĐQT nhà băng này, triển khai từ năm 2010 nhằm lôi kéo đối tác sử dụng dịch vụ ngân hàng. Từ chỉ đạo này, các khối, ban nghiệp vụ thuộc Hội sở và giám đốc chi nhánh, phòng giao dịch Oceanbank đã chi lãi ngoài huy động vốn.

    Kết quả điều tra xác minh từ 2010 đến 31/11/2014, Oceanbank chi lãi ngoài hơn 1.500 tỷ đồng, khiến ngân hàng mất thanh khoản trước khi bị mua lại với giá 0 đồng. Kết quả xét hỏi tại tòa và điều tra mở rộng cho thấy, tiền lãi ngoài được chi cho nhiều cá nhân là quan chức thuộc Tập đoàn Dầu khí và đơn vị trực thuộc.

    Xét xử phúc thẩm đại án Oceanbank, TAND Cấp cao ở Hà Nội đã tuyên y án chung thân với Hà Văn Thắm, tuyên tử hình với nguyên Tổng giám đốc Oceanbank Nguyễn Xuân Sơn. VKSND Tối cao cáo buộc 4 lãnh đạo Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn đã nhận lãi ngoài hơn 10 tỷ đồng sau khi doanh nghiệp này gửi hàng nghìn tỷ đồng vào Oceanbank.

    Phát hiện sai phạm, về hưu rồi cũng xử nghiêm

    Liên quan đến việc nhiều lãnh đạo tập đoàn, cán bộ bị truy tố ngay cả khi về hưu, ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư cho rằng, đây không phải lần đầu xử lý cán bộ khi đã nghỉ hưu, cũng không có khái niệm “hạ cánh an toàn”. “Có những Ủy viên T.Ư Đảng, cán bộ cấp cao khi có sai phạm thì đều bị xử lý. Sai phạm về chính trị, sai phạm về tư cách, về quản lý, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng đều bị xử lý. Không chỉ có xử lý về mặt nội bộ Đảng mà còn xử lý về pháp luật”, ông Hùng nói.

    Theo ông Hùng, từ thực tế cuộc sống đang nảy sinh ra rất nhiều vấn đề, những sự việc xảy ra giúp cho Đảng có những quy định mới phù hợp để làm thế nào cho Đảng trong sạch. Mới đây nhất là việc tìm cách “nhốt quyền lực vào trong lồng”. Trước các tình huống như thế phải có những bước phát triển mới về quy định của Đảng, quy định của pháp luật. “Luật pháp phải nghiêm minh, có những quy định về trách nhiệm công chức, nếu làm ăn không đến nơi đến chốn thì có thể yêu cầu từ chức, xem xét bãi miễn hoặc cách chức, tránh xảy ra những vụ việc nghiêm trọng”, ông Hùng nêu quan điểm.

    Mới đây, tại buổi tiếp xúc cử tri tại xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai, ông Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo trung ương cho hay: "Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước chỉ đạo công tác phòng chống tiêu cực, tham nhũng hết sức quyết liệt, chặt chẽ. Phát hiện sai phạm đến đâu, xử lý đến đó, không có vùng cấm. Nếu theo dõi từ đầu nhiệm kỳ đến nay sẽ thấy chúng ta xử lý việc này rất nghiêm khắc. Từ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng đến Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Bộ trưởng, Thứ trưởng, nếu có sai phạm đều được xử lý. Việc xử lý rất nghiêm khắc, tránh tình trạng xử lý nặng ở dưới mà nhẹ ở trên".

    Theo ông Thưởng, việc xử lý sai phạm cũng được xử lý cả người đương chức và về hưu. "Đang đương chức phát hiện sai phạm xử lý. Về hưu rồi phát hiện ra sai phạm cũng xử lý. Không có khái niệm "hạ cánh an toàn". Không có chuyện từ trước đến giờ làm sai mà an toàn. Hiện nay nhiệm vụ chống tiêu cực, tham nhũng đang vào giai đoạn quyết liệt, với yêu cầu rất cao... ", ông Thưởng nói.

    Ông Trương Văn Tuyến sinh năm 1950 tại Hà Nội. Ông Tuyến là kỹ sư cơ khí, từng công tác tại công ty Lắp máy và Thị nghiệm cơ điện thuộc bộ Xây dựng. Sau đó, ông công tác tại tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) với chức danh Phó Tổng giám đốc tập đoàn, Trưởng ban Quản lý dự án nhà máy Lọc dầu Dung Quất, kiêm Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn.

    Đến năm 2010, ông Tuyến làm Tổng giám đốc Vinashin. Năm 2013, ông Tuyến nghỉ hưu theo chế độ.

    Nhóm Phóng Viên

    Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống và Pháp luật số 149

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/khoi-to-bi-can-bat-tam-giam-cuu-tong-giam-doc-vinashin-khong-co-chuyen-ha-canh-an-toan-a254648.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Nguyên Chủ tịch HĐQT Vinashin bị khởi tố

    Nguyên Chủ tịch HĐQT Vinashin bị khởi tố

    Ông Phạm Thanh Bình, nguyên Chủ tịch HĐQT tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) bị khởi tố về hành vi Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh

    Bắt cựu Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Vinashin

    Bắt cựu Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Vinashin

    Ông Nguyễn Ngọc Sự - nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam Vinashin (SBIC) bị điều tra việc lợi dụng chức vụ khi gửi tiền của Vinashin vào OceanBank