Afghanistan là một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới. Nhưng vào năm 2010, các quan chức quân sự và nhà địa chất Mỹ tiết lộ rằng đất nước nằm ở ngã tư của Trung và Nam Á sở hữu những mỏ khoáng sản (như đồng, sắt, vàng) trị giá gần 1.000 tỷ USD, có thể thay đổi toàn bộ nền kinh tế nước này.
Afghanistan còn có cả mỏ đất hiếm và có thể là cả những mỏ lithium lớn nhất thế giới. Chính phủ Mỹ ước tính trữ lượng lithium của Afghanistan có thể ngang với Bolivia, nơi đang có trữ lượng lớn nhất thế giới từng được biết đến. Năm 2010, một bản ghi nhớ nội bộ của Bộ Quốc phòng Mỹ đã gọi Afghanistan là "Ả Rập Saudi của lithium".
Lithium là nguyên liệu quan trọng để sản xuất các loại pin sạc và những công nghệ quan trọng để ứng phó với khủng hoảng khí hậu.
Hồi tháng 5, Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) nói rằng cần tăng mạnh nguồn cung lithium, đồng, nicken, cô-ban và các nguyên tố đất hiếm để giúp thế giới xử lý khủng hoảng khí hậu.
Một chiếc xe hơi chạy điện cần lượng khoáng sản nhiều gấp 6 lần so với xe truyền thống. Lithium, nicken và cô-ban là những nguyên liệu quan trọng để làm ắc-quy phục vụ loại xe này.
Các mạng điện cũng sử dụng lượng đồng và nhôm lớn. Đất hiếm còn được dùng để chế tạo nam châm giúp tuốc-bin điện gió hoạt động.
"Taliban hiện đang nắm trong tay một số khoáng sản chiến lược quan trọng nhất trên thế giới", ông Rod Schoonover, người đứng đầu chương trình an ninh sinh thái tại Trung tâm Rủi ro Chiến lược, một tổ chức tư vấn của Washington, cho biết. "Liệu họ có thể/sẽ sử dụng chúng hay không sẽ là một câu hỏi quan trọng trong tương lai”.
Những thách thức về an ninh, thiếu cơ sở hạ tầng và hạn hán nghiêm trọng đã cản trở Afghanistan khai thác hầu hết các loại khoáng sản có giá trị trong quá khứ. Điều này càng khó thay đổi dưới sự kiểm soát của Taliban.
Việc khai thác lithium và đất hiếm còn đòi hỏi đầu tư nhiều hơn, công nghệ cao hơn và thời gian dài hơn. IAE ước tính phải mất trung bình 16 năm để chuyển từ giai đoạn phát hiện đến bắt đầu khai thác.
Ông Joseph Parkers, chuyên gia an ninh châu Á tại công ty tình báo phân tích rủi ro Verisk Maplecroft, nhận định: “Taliban đã nắm quyền nhưng quá trình chuyển tiếp từ tổ chức này sang chính phủ dân tộc sẽ còn lâu mới xong. Quản lý tốt ngành khai mỏ mới mẻ cũng có thể phải cần vài năm nữa”.
Những quốc gia khác như Trung Quốc, Pakistan và Ấn Độ có thể tham gia vào hoạt động khai thác khoáng sản ở Afghanistan. Tuy nhiên, chuyện này cũng không hề dễ dàng.
Trước khi Taliban lật đổ chính phủ Afghanistan, đầu tư nước ngoài vào nước này vốn đã gặp khó khăn. Giờ đây, thu hút vốn tư nhân sẽ còn khó hơn nữa, đặc biệt là khi nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư toàn cầu đang phải tuân thủ tiêu chuẩn cao hơn bao giờ hết về môi trường, xã hội và quản trị.
Hạn chế mà Mỹ áp đặt cũng có thể là một thách thức. Mặc dù Taliban không nằm trong danh sách tổ chức khủng bố nước ngoài của Mỹ, song nhóm này bị Bộ Tài chính Mỹ đặt trong danh sách khủng bố toàn cầu đặc biệt.
Video: Người phát ngôn Taliban phát biểu trong buổi họp báo đầu tiên ở Kabul. Nguồn: NBC News.
Mộc Miên (Theo CNN)