Sáng 23/3, ngọn lửa bao trùm toàn bộ công ty may ở khu công nghiệp Trà Nóc (TP Cần Thơ) khiến hàng nghìn công nhân hoảng loạn bỏ chạy.
Theo báo VietnamNet, khoảng 9h5 sáng nay, công nhân phát hiện khói và lửa bốc lên từ kho vải của công ty Kwong Lung – Meko (tại khu công nghiệp Trà Nóc, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) chuyên về may mặc.
Nhận tin báo, lực lượng Cảnh sát PCCC Công an TP Cần Thơ huy động nhiều chiến sĩ và phương tiện đến hiện trường dập lửa.
Tại hiện trường, hơn 100 cán bộ, chiến sĩ công an triển khai công tác cứu hộ cứu nạn và phân luồng giao thông qua khu vực. Rất nhiều công nhân của công ty, đứng dọc hai bên đường với vẻ mặt hốt hoảng theo dõi lực lượng chức năng chữa cháy.
Hàng trăm chiến sĩ CSPCC và xe cứu hóa được điều đến (Ảnh: báo Dân trí) |
Báo Dân trí dẫn lời chị Phương, một công nhân làm việc tại đây cho biết: “Lúc ngọn lửa bốc lên, tôi đang làm việc trong công ty thì nghe mọi người hô cháy nên bỏ chạy mà chưa kịp lấy điện thoại. Cháy kiểu này chắc thất nghiệp dài dài quá".
Công nhân bỏ chạy ra ngoài (Ảnh: báo VietnamNet) |
Đến hơn 11h15 cùng ngày, khói vẫn bốc lên ngùn ngụt. Xe cứu hoả liên tục được điều đến và đi lấy nước. Xe cứu thương cũng đã có mặt tại hiện trường.
Chủ tịch TP Cần Thơ Võ Thành Thống và các Phó Chủ tịch đang có mặt tại hiện trường để chỉ đạo công tác chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn.
Đến 11h35, lãnh đạo TP Cần Thơ cho biết, đã sơ tán hết công nhân ra khỏi công ty nhưng đám cháy vẫn chưa được khống chế. Lực lượng cứu hộ, cứu nạn và chữa cháy đang tiếp tục được điều đến.
Điều 4, Quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy về Nguyên tắc hoạt động cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy 1. Thông tin về tai nạn, sự cố, yêu cầu cứu nạn, cứu hộ phải được báo kịp thời, chính xác cho cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy theo số điện thoại 114 hoặc lực lượng phòng cháy và chữa cháy khác quy định tại Điều 5 Quyết định này, đồng thời báo cho chính quyền địa phương và Công an nơi gần nhất. 2. Việc cứu nạn, cứu hộ phải được tiến hành kịp thời bằng lực lượng, phương tiện tại chỗ và trước hết phải ưu tiên cho việc cứu người. 3. Khi thực hiện cứu nạn, cứu hộ phải bảo đảm an toàn đối với người, phương tiện tham gia cứu nạn, cứu hộ và nạn nhân, đồng thời hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo. |
(tổng hợp)