Mới đây, Triều Tiên và Nga đã khởi động dự án xây cầu cao tốc nối biên giới hai nước, cho phép phương tiện qua lại giữa hai quốc gia một cách trực tiếp mà không cần đi vòng sang Trung Quốc.
Thứ trưởng Bộ Phát triển Viễn Đông Nga Aleksandr Krutikov trả lời RIA Novosti: “Vào tháng 6 tới, các chuyên gia kỹ thuật của cả Nga và Bắc Triều Tiên đều đang cố gắng tổ chức các cuộc tham vấn về việc xây dựng một cây cầu cao tốc nối liền hai nước. Bắc Triều Tiên cung cấp lực lượng lao động cũng như vật liệu xây dựng, trong khi Nga sẽ cung cấp các thiết bị và vật tư xây dựng cần thiết khác".
Thứ trưởng cho biết thêm, các chuyên gia sẽ đưa ra các ước tính cần thiết và thiết lập thời hạn xây dựng cầu. Đầu năm nay, người đứng đầu Bộ Viễn Đông, Aleksandr Galushka, cho biết Bộ Giao thông vận tải thành lập một nhóm chuyên gia kỹ thuật cho dự án này
Bắc Triều Tiên giáp với Hàn Quốc, Trung Quốc và Nga. Biên giới với Nga khoảng 17km (10,5 dặm), theo sông Tumen và cửa sông phía đông bắc. Hai nước hiện đang kết nối với nhau bằng một đường tàu hoả chạy qua sông, gọi là Cầu Hữu nghị Nga - Triều, mở cửa năm 1959.
Cây cầu đường sắt mang tên Hữu Nghị nối biên giới Nga - Triều được xây dựng từ năm 1959. - Ảnh: livejournal.com |
Hai nước từ lâu đã dự tính một cây cầu có thể cho phép phương tiện qua lại giữa hai quốc gia một cách trực tiếp mà không cần đi vòng sang Trung Quốc.
"Có 23 trạm kiểm soát ô tô giữa Bắc Triều Tiên và Trung Quốc, và không có trạm nào với Nga", Bộ trưởng Bắc Triều Tiên Ro Tu Chol cho biết.
“Hiện nay, khi nhập khẩu hàng hóa từ vùng Viễn Đông của Nga, họ không đi qua biên giới với Nga mà qua Trung Quốc.Điều này khiến quãng đường dài ra rất nhiều”.
Theo học giả Benjamin Katzeff Silberstein tại Viện nghiên cứu chính sách đối ngoại, cây cầu nối Nga và Triều Tiên mang giá trị biểu tượng hơn là giá trị kinh tế.
Học giả Silberstein cho rằng quan hệ thương mại Nga - Triều vốn không đáng kể, phần lớn do các lệnh trừng phạt đa phương của Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên về lâu dài, thương mại hai nước có thể sẽ tăng trưởng trở lại.
Anthony Rinna, nhà phân tích về chính sách đối ngoại Nga ở Đông Á, nhận định cây cầu nối biên giới mới giữa Triều Tiên và Nga có thể được sử dụng để ứng phó với bất kỳ vấn đề “bất ngờ” nào xảy ra, như các sự cố về hậu cần và kỹ thuật, khiến tuyến đường sắt hiện thời giữa hai nước không thể hoạt động.
Năm ngoái, một doanh nghiệp Nga đã cấp đường truyền kết nối Internet mới cho Triều Tiên thông qua hệ thống dây quang học chạy dọc cây cầu nối hai nước. Đến nay, Nga tiếp tục lên kế hoạch xây một cây cầu mới.
Ngoài ra, Nga và Triều Tiên vào năm ngoái cũng khai trương tuyến phà nối giữa cảng Vladivostok của Nga với cảng Rajin của Triều Tiên nhằm vận chuyển hàng hóa và hành khách, chủ yếu là khách du lịch Trung Quốc.
N.Q(Theo RT)