Theo The Korea Bizwire, mới đây, nhóm nghiên cứu do giáo sư Kwon Jeong-hye ở Bệnh viện Sejong – Đại học Quốc gia Chungnam (Hàn Quốc) dẫn đầu đã tiến hành khảo sát 702 video trên 227 kênh YouTube.
Được biết, nội dung của những đoạn video này liên quan tới việc dùng thử fenbendazole - một loại thuốc tẩy giun dùng cho chó - như loại thuốc thay thế điều trị bệnh ung thư. Kết quả, 210 video trong số đó chứa thông tin sai lệch, chiếm tỷ lệ 29,9%.
Sau đó, nhóm nghiên cứu phân tích 90 video trên YouTube có lượt xem từ 50.000 trở lên, được đăng tải trong khoảng thời gian từ tháng 9/2019 đến tháng 9/2020. Từ đó, nhóm nghiên cứu nhận thấy, các video sai lệch đưa ra bằng chứng cho thấy fenbendazole như một loại thuốc thay thế điều trị ung thư thu hút lượng view đáng kể theo thời gian và được đăng tải ngày càng nhiều.
Nghiên cứu xác định việc đưa các video về fenbendazole thành nội dung được đề xuất trên YouTube là hành động không phù hợp, khiến người xem có niềm tin sai lệch về chuyện thuốc tẩy giun cho chó có thể điều trị ung thư.
Không có bằng chứng y khoa nào chứng minh hiệu quả của fenbendazole, tuy nhiên, một số bệnh nhân bị ảnh hưởng bởi các video chứa thông tin sai lệch về tính hữu ích của loại thuốc này có thể trì hoãn phương pháp điều trị phù hợp hoặc từ chối các đơn thuốc hiện có, dẫn đến hậu quả xấu.
Nhóm nghiên cứu chỉ ra rằng một số người bệnh ung thư sử dụng các phương pháp điều trị thay thế hoặc bổ sung chưa được chứng minh mà không tham khảo ý kiến của các chuyên gia y tế, dẫn đến việc trì hoãn hoặc từ chối phương pháp điều trị hiện có, làm giảm đáng kể khả năng sống sót của họ.
Trong khi chưa có bằng chứng y khoa nào cho thấy fenbendazole hiệu quả trong việc phòng chống ung thư, các đoạn video nói trên đang làm giảm nỗ lực điều trị bệnh một cách đúng đắn.
Từ kết quả khảo sát, nhóm nghiên cứu của Bệnh viện Sejong cũng hiểu rõ hơn về cách các bệnh nhân tìm kiếm thông tin về sức khỏe trên Internet, dựa vào đó để đưa ra các quyết định y tế và tương tác với người sáng tạo nội dung nhằm tăng sự tự tin vào bản thân.
Nghiên cứu được đăng tải trên số mới nhất của Tạp chí Journal Medical Internet Research (JMIR). Trung tâm ung thư quốc gia hỗ trợ tài chính cho nghiên cứu như một phần của dự án nghiên cứu và phát triển nhằm đẩy nhanh tốc độ chinh phục bệnh ung thư.
Đinh Kim(Theo Korea Bizwire, Korea Biomedica Review)