(ĐS&PL) Hơn 400 bị hại gửi đơn đến các cơ quan có thẩm quyền kêu cứu về việc thi hành án vụ án Lê Hòa Bình và các đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Thế nhưng, đã hơn 2 năm kể từ khi bản án có hiệu lực, quyền lợi của người bị hại vẫn chưa được giải quyết.
1001 lý do thoái thác không thi hành án?
Là người theo sát các vụ án kinh tế, luật sư Vũ Thị Mai Phương (Đoàn luật sư TP Hà Nội) luôn trăn trở về vấn đề thi hành án dân sự trong vụ án hình sự.
Lấy ví dụ điển hình một vụ án, luật sư Phương cho biết, mặc cho đại diện của hơn 400 bị hại là những người đang được thi hành án đã gửi đơn đến các cơ quan trung ương, các cơ quan báo chí kêu cứu về việc thi hành án vụ án Lê Hòa Bình và các đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Và cơ quan thi hành án là Cục thi hành án dân sự thành phố Hà Nội cũng gửi các văn bản đến các cá nhân tổ chức để yêu cầu những cá nhân tổ chức thực hiện nghĩa vụ thi hành án theo bản án tuyên.
Thế nhưng, đến nay đã hơn 2 năm kể từ khi bản án có hiệu lực là bản án số 134/2017 ngày 15/04/2017 đã tuyên nhưng chưa một cá nhân, tổ chức nào nộp tiền vào Cục thi hành án để thực hiện nghĩa vụ thi hành án.
Theo Bản án số 224/2016/HSST ngày 23/6/2016 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội (TANDTPHN) và Bản án có hiệu lực pháp luật số 134/2017/HSPT ngày 15/03/2017 của Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội đã tuyên thì Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Việt Nam phải nộp số tiền 12.100.000.000 đồng (Mười hai tỷ một trăm triệu đồng).
Giữa năm 2017, những người được thi hành án đã gửi đơn đến Cục thi hành án yêu cầu Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Việt Nam – Chi nhánh Nam Hà Nội nộp số tiền theo bản án tuyên. Phía Ngân hàng ban đầu đưa lý do: phải xin ý kiến Ngân hàng Nhà nước. Những người được thi hành án làm đơn gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đề nghị không can thiệp vào việc tuân thủ pháp luật theo bản án tuyên.
Ngày 13/11/2017, Thanh tra giám sát ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước có gửi trả lời cho những người được thi hành án gửi đơn là ông Lê Hữu Quang công văn số 3873/TTGSNH trong đó có căn cứ pháp lý là Khoản 1, Điều 7 Luật các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH 12 quy định về quyền tự chủ hoạt động của TCTD: “Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có quyền tự chủ trong hoạt động kinh doanh và tự chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh của mình. Không tổ chức kinh doanh được can thiệp trái pháp luật vào hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài”.
Sau lần đó, đại diện những người được thi hành án tiếp tục gửi đơn đến Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Việt nam đề nghị nộp khoản tiền theo bản án tuyên.
Phía Ngân hàng có công văn số 4021/NHNN – KTNB ngày 9/05/2018 gửi đại diện những người được thi hành án với nội dung “ngày 15/09/2017 Agribank đã có Đơn đề nghị gửi Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao (số 7538/NHNo – PC) và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ( số 7539/NHNo – PC) đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm đối với Bản án phúc thẩm số 134/2017/HSPT ngày 15/03/2017.
Ngày 21/05/2018 Tòa án nhân dân Tối cao đã có Thông báo số 185/2018/TB - TA gửi Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Việt Nam nêu rõ: “các bị cáo đã sử dụng tiền do phạm tội mà có để thanh toán trả nợ Hợp đồng tín dụng nên Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm buộc Ngân hàng phải nộp lại toàn bộ 12.110.000.000 đồng để đảm bảo thi hành án cho các bị hại và giành quyền khởi kiện vụ án dân sự cho Ngân hàng đối với Hợp đồng tín dụng là có căn cứ, đúng pháp luật. Do đó không có căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm”
Sau đó phía Agribank lại đưa ra lý do là: Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Chi nhánh Nam Hà Nội phải nộp, thì Chi nhánh Nam Hà Nội không có tư cách pháp nhân, không phải là chủ thể và không có tiền nộp vì là đơn vị hạch toán phụ thuộc, không có quyền quyết định. Và cứ thế các quyết định và biên bản làm việc của Cục thi hành án với Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn chi nhánh Nam Hà Nội đều chỉ dừng lại là Chi nhánh Nam Hà Nội không phải là chủ thể trả tiền.
Tuy nhiên, đó là cách biện hộ thoái thác khi hết các lý do. Vì nếu hiểu Tòa án tuyên Chi nhánh Nam Hà Nội phải nộp chứ không phải Agribank nộp thì tại sao từ khi bản án phúc thẩm số 134/HSPT tuyên thì Agribank lại đứng ra “xin ý kiến Ngân hàng Nhà nước”, đứng ra gửi công văn trả lời những người được thi hành án và đặc biệt gửi Đơn đề nghị đến Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm.
Khi đại diện những người được thi hành án có Đơn đề nghị phong tỏa tiền trong tài khoản của Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Việt Nam Chi nhánh Nam Hà Nội và Cục thi hành án ra quyết định phong tỏa tiền trong tài khoản của Chi nhánh này thì phía Ngân hàng lại có Đơn khiếu nại. Còn phía Cục THA dân sự thành phố Hà Nội vẫn “rón rén” chưa dám trừ tiền của Ngân hàng để trả cho những người được thi hành án.
Sự im lặng khó hiểu từ cơ quan chức năng
Đối với Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, đại diện những người được thi hành án đã 3 lần gửi đơn (có chữ ký và số điện thoại của những người được thi hành án – gửi từ cuối 2017 đến đầu 2019) đến đồng chí Lê Minh Trí - Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao đề nghị bác đơn xem xét theo thủ tục Giám đốc thẩm của Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Việt Nam và gửi Thông báo đó cho đại diện các bị hại nhưng kết quả nhận được là – im lặng không hồi âm.
Đối với Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội, đại diện những người được thi hành án đã 2 hai lần gửi đơn (có chữ ký và số điện thoại của những người được thi hành án) đến đồng chí Phạm Văn Hà – Chánh án Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội và đồng chí Nguyễn Văn Sơn – thẩm phán trực tiếp xét xử vụ án đề nghị đính chính bản án số 134/2017/HSPT.
Cụ thể, họ đề nghị đính chính như sau: “Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển Nông thông Việt Nam – Chi nhánh Nam Hà Nội phải nộp toàn bộ 12.100.000.000 đồng” thành “Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển Nông thông Việt Nam phải nộp toàn bộ 12.100.000.000 đồng” (bỏ chữ Chi nhánh Nam Hà Nội) vì khi xác định chủ thể tham gia phiên tòa thì Tòa Cấp cao cũng đã xác định Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Việt Nam là chủ thể tham gia phiên tòa.
Đến nay, đã gần 4 tháng kể từ khi gửi đơn lần 2 nhưng những người được thi hành án cũng chỉ nhận được – sự im lặng.
Trong suốt thời gian gần hai năm qua, những người được thi hành án đã nhiều lần gửi đến Tổng Cục thi hành án – Bộ Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội Đơn đề nghị cưỡng chế Thi hành án đối với các cá nhân, tổ chức nêu trên; Đơn tố cáo hành vi chiếm giữ trái phép tài sản của các cá nhân trên gửi Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội, Viện kiểm sát nhân nhân tối cao nhưng đều không có hồi âm.
Đây là vụ án rất lớn, đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại cho nhiều người, thời gian kéo dài từ 2010 đến nay gần mười năm, ảnh hưởng đến kinh tế và hạnh phúc gia đình của rất nhiều bị hại.
Vụ án đã được xét xử nhiều lần, nhiều cấp xét xử. Bản án số 224/2016/HSST ngày 23/6/2016 của TAND TP. Hà Nội và Bản án có hiệu lực pháp luật số 134/2017/HSPT ngày 15/03/2017 của TANDCC tại Hà Nội đã tuyên, chúng tôi nghĩ công lý đã được thực thi. Nhưng dường như, pháp luật không nghiêm nên để một số cá nhân đã lợi dụng tiền là tang vật của vụ án hình sự để phục vụ cho hoạt động kinh doanh của họ một cách trái pháp luật. Các cá nhân ngang nhiên sử dụng khoản tiền bất chính mà không phải suy nghĩ, bận tâm gì vì các cơ quan chức năng không thực thi trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Đến nay, thông tin mới nhất về vụ án, sau khi xem xét các văn bản, kiến nghị, nguyện vọng chính đang từ phía những người bị hại, TAND Tối cao đã chỉ đạo TAND cấp cao sửa bản án 134 phần tuyên nhầm chủ thể Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam chi nhánh Nam Hà Nội.
Nhưng không hiểu sao phía VKSND Tối cao và các cơ quan khác vẫn không có hồi âm gì. Một lần nữa, tiếng “kêu cứu” từ phía những người bị hại lại vang lên, mong công lý sớm được thực thi.
Pv/ Sức Khỏe 365