Khinh hạm La Fayette (F710) nổi tiếng nhờ công nghệ tàng hình, song nó vẫn không thể thoát khỏi lưới quét radar của Hạm đội Biển Đen Nga.
Hãng tin Tass dẫn nguồn tin của Hải quân Nga cho biết, Hải quân Nga hôm 19/11 đã phát hiện và theo dõi sát khinh hạm tàng hình La Fayette (F710) của Hải quân Pháp, khi chiếc tàu này tiến vào Biển Đen qua eo biển Bosphorus. Theo nguồn tin trên, mặc dù khinh hạm La Fayette (F710) được chế tạo theo công nghệ tàng hình, nhưng nó vẫn không thể thoát khỏi lưới quét theo dõi từ trạm radar thuộc Hạm đội Biển Đen của Nga.
Khinh hạm La Fayette (F710) của Pháp nổi tiếng nhờ công nghệ tàng hình - Ảnh: Navyrecognition |
Nguồn tin cho hay: “Công nghệ tàng hình mà Hải quân Pháp ra sức phô trương đã vấp phải sức mạnh trinh sát điện tử của Nga. Khinh hạm La Fayette (F710) đã bị phát hiện ngay khi nó vượt qua eo biển Bosphorus, đèn cảnh báo tín hiệu mục tiêu hiển thị trên màn hình radar của Hạm đội Biển Đen Nga đã sáng lên”.
Trước đó Bộ trưởng Quốc phòng Georgia, Levan Izoria nói rằng một tàu chiến của Hải quân Pháp sẽ ghé thăm Batumi vào cuối tháng 11 nhưng không xác định loại tàu nào hoặc thời hạn chuyến thăm.
La Fayette (F710) là một trong những khinh hạm tàng hình đa nhiệm lớp La Fayette do DCNS đóng - Ảnh: Navyrecognition |
Hạm đội Biển Đen của Nga cũng cho biết, công nghệ tàng hình có hiện đại đến mấy cũng có những giới hạn của nó. Trong khi Biển Đen thì nhỏ, bán đảo Crimea lại nằm ở trung tâm và tầm quét của Hải quân Nga lại đang bao phủ toàn bộ Biển Đen. Chưa rõ đích đến của khinh hạm La Fayette (F710), nhưng công nghệ của Nga đang theo sát con tàu này, thậm chí ngay cả khi nó chuyển hướng sang bên phải, chạy dọc theo bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ hướng tới Georgia.
Nổi tiếng nhờ công nghệ tàng hình, nhưng vẫn không thể thoát khỏi lưới radar của Nga - Ảnh: Navyrecognition |
Nguồn tin từ bán đảo Crimea cũng cho biết, bất kể công nghệ tàng hình của tàu La Fayette (F710) hiện đại đến đâu, radar Nga vẫn đủ sức phát hiện và các tàu thuộc lớp này ở khoảng cách hàng trăm cây số. Hiện, một tàu Hạm đội Biển Đen Nga đang thường trực để quan sát mọi động thái của La Fayette (F710).
La Fayette (F710) là một trong những khinh hạm tàng hình đa nhiệm lớp La Fayette của Hải quân Pháp, do Công ty đóng tàu của Pháp (DCNS) nghiên cứu và chế tạo. Hải quân Pháp đã trao cho DCNS hợp đồng đóng các khinh hạm: La Fayette (F710), Surcouff (F711) và Courbet (F712) vào năm 1988 và Aconit (F713) và Guepratte (F714) vào năm 1992.
Công nghệ tàng hình dựa trên yếu tố chất liệu vỏ tàu và hình dạng thân tàu - Ảnh: Navyrecognition |
Các khinh hạm đa nhiệm lớp La Fayette kết hợp một số tính năng tàng hình như cấu trúc tầng thượng và hông thân tàu được thiết kế vát 10o để giảm thiểu hiệu năng phát hiện của radar đối phương, bề mặt vỏ tàu được làm bằng hợp kim, nhựa gia cố và sợi tổng hợp Kevlar để tăng khả năng tàng hình.
Các khinh hạm đa nhiệm lớp La Fayette được trang bị các loại vũ khí như: 16 ống phóng tên lưa thẳng đứng VLS sử dụng tên lửa hải đối không Aster-15; 8 tên lửa đối hạm Exocet MM40 blk II, 24 tên lửa phòng không Crotale; 1 pháo Modèle 68 TR 100mm; 2 súng máy F2 20mm.
La Fayette (F710) đã bị Nga phát hiện ngay khi tiến vào Biển Đen - Ảnh: Navyrecognition |
Hệ thống cảm biến và tác chiến điện tử hiện đại gồm: Radar cảnh giới DRBV 15C; radar điều hướng DRBN 34; hệ thống cảnh giới vùng trời tự động Sagem TDS 90; các hệ thống gây nhiễu/phóng mồi bẫy Dagaie Mk2 Chaff Launcher, AN / SLQ-25 Nixie, Prairie-Masker và ARBB 33; tàu sử dụng hệ thống thông tin liên lạc dẫn đường Syracuse II và hệ thống thông tin vệ tinh Inmarsat.
Các khinh hạm đa nhiệm lớp La Fayette được trang bị 4 động cơ diesel SEMT Pielstick 12PA6V280 STC2 (21.000 mã lực). Thủy thủ đoàn biên chế đủ gồm 15 sĩ quan, 85 hạ sĩ quan và 53 thủy thủ. Tàu có chiều dài 125 m, tốc độ hành trình tối đa lên tới 25 hải lý/ giờ, có khả năng hoạt động liên tục 50 ngày. Tàu có lượng rẽ nước 3.600 tấn (đầy tải). Ngoài ra, các khinh hạm đa nhiệm lớp La Fayette còn được biên chế 1 chiếc trực thăng theo tàu Panther hoặc NH90.
Các khinh hạm đa nhiệm lớp La Fayette được thiết kế chủ yếu cho các nhiệm vụ như bảo vệ và thực thi các lợi ích trên biển của Pháp tại các tuyến hàng hải và các vùng lãnh thổ ở nước ngoài; tham gia giải quyết các cuộc khủng hoảng bên ngoài châu Âu trong đội hình tác chiến của Hải quân Pháp; tiến hành các hoạt động đặc biệt hoặc hỗ trợ nhân đạo.
Ngân Nhi(Theo Tass/ Navyrecognition)