+Aa-
    Zalo

    Khi tình - tiền “đội nón” theo thầy bói

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Không đơn giản chỉ là “xem cho biết”, những người mê bói đến mù quáng, cả tin vào lời "thầy bói", cuối cùng phải gánh chịu những hậu quả “trời ơi”...

    (ĐSPL) - Không đơn giản chỉ là “xem cho biết”, những người mê bói đến mù quáng, cả tin vào lời "thầy bói", cuối cùng phải gánh chịu những hậu quả “trời ơi”...

    Tán gia bại sản vì... bói

    Anh Phi Hổ (trú đường Lê Độ, phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, TP.Đà Nẵng), nhà nằm trong diện giải tỏa nên được ba mẹ chia cho 100 triệu đồng để làm vốn liếng. Thế nhưng, do mê số đề và tin vào những lời bói toán, lên đồng, nên tất cả tiền ba mẹ cho đều lần lượt đội nón ra đi. Anh cho biết, do mình thua quá nhiều, muốn gỡ lại nên mất hết lý trí, đặt hết niềm tin vào những thầy bói. Họ nói như đinh đóng cột, là cứ chơi rồi sẽ thắng, làm cho anh càng nuôi hy vọng và cứ như thế số lần anh thắng thì ít mà thua thì nhiều. Và rồi khi đã trắng tay, anh nhận ra sai lầm, thì cô vợ trẻ cùng đứa con gái bốn tuổi đã bỏ anh ra đi. Giờ đây, anh phải xin làm phụ xe ở bến xe Đà Nẵng để sống qua ngày.

    Nhà cửa sau khi người dân bỏ đi thành "bãi tha ma”.

    Còn anh Nhân (phường Hòa Khánh Nam, Q.Liên Chiểu, Đà Nẵng) là con của một gia đình giàu có. Do chán nản việc gia đình, anh thả mình trong những trận nhậu thâu đêm suốt sáng. Khi gia đình đi coi bói được thầy phán, anh bị người âm nhập. “Thầy” bảo phải chồng 20 triệu đồng để cho “thầy” giải căn. Gia đình vì thương con nên đã làm theo, nhưng chẳng có tác dụng gì. Anh Nhân tụ tập cùng bạn bè nhậu nhẹt, bê tha ngày một nhiều hơn, mặc dù người nhà anh vẫn đi cúng viếng, cầu xin khắp nơi.

    Thê thảm hơn là trường hợp của anh Huỳnh Văn Chiến  (45 tuổi, trú 140 Lý Thái Tổ, Đà Nẵng), do lao động quá sức nên cách đây năm năm, anh bị tai biến mạch máu não và bị tê liệt hai cánh tay. Nhưng, khi đi coi bói ở khắp nơi được các “thầy” cho biết là bị quỷ nhập, bị người âm quở trách, anh kêu thầy về nhà cúng bái, đi khắp nơi để làm lễ giải hạn. Có thầy cúng còn bảo, anh không được tắm. Rồi hết tiền, mất thời gian nhưng bệnh thì càng nặng hơn. Gặp chúng tôi, anh tâm sự, giờ anh nhận ra sai lầm, nhưng đã quá muộn, khi mà đôi tay đã tê liệt hoàn toàn.

    Anh Chiến tâm sự: “Nếu lúc đó, tôi sáng suốt hơn, đi đến bệnh viện để bác sỹ chữa trị thì có lẽ bây giờ đã khác”. Giờ, anh phải ngồi một chỗ vì mất khả năng lao động. Trò chuyện với chúng tôi, anh khuyên chân tình: “Tôi đi trước, đã vấp ngã đau đớn nên khuyên các em đừng bao giờ tin vào bói toán...”.

    Cả tin, trao tình cho “thầy”

    Đó là trường hợp của chị Lương Thị Th. (SN 1978, trú tại đội 6, thôn Kỳ Phú, xã Tam Phước, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam). Khi nghe tin có “thầy” Huỳnh Văn Nam (SN 1952, còn gọi là thầy Bảy, ngụ An Phú, TP.Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) chữa bệnh hay, nên chị tìm đến nhà ông Nam nhờ ông giúp. Vì sự u mê và cả tin, chị Th. đã bị “thầy” làm nhục.

    Già làng  A Lăng Văn (89 tuổi) trao đổi với PV.

    Theo đó,  “thầy” Nam đã lừa chị Th. vào nhà nghỉ để giải hạn bằng cách nhập vai vợ ông trong vòng ba ngày rằm của ba tháng liên tiếp. Cứ như vậy, ông Nam đã hành hạ thể xác của chị Th. trong một thời gian dài. Sau một thời gian, chị bắt đầu nhận ra được sự việc, chị quyết định không gặp“thầy” Nam nữa. Ngựa quen đường cũ, “thầy” Nam lại tìm đến nhà chị Th. để uy hiếp tính mạng chị và con trai. Sự việc được chị Th. tố cáo với cơ quan chức năng. Hiện, cơ quan CSĐT Công an huyện Phú Ninh (Quảng Nam) đang tiếp tục xác minh, làm rõ. Mặt dù “thầy” Nam trả giá cho những hành vi sai trái của mình, nhưng cái giá mà chị Th. và gia đình phải trả cho sự mê tín là quá lớn.

    Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, chị Th. cho biết: “Sự việc đã làm chị khó xử, xáo trộn cả cuộc đời. Giờ chị để cho lương tâm con người tự trả lời...”. Những ví dụ trên chỉ khắc họa được một vài nét rất nhỏ về hậu quả của mê tín dị đoan khi vấn nạn này đã ảnh hưởng rất lớn đến nhiều gia đình. Trước đó, tại tổ 2, thôn Bút Tưa, xã Sông Kôn, huyện Đông Giang (Quảng Nam) cũng xảy ra một sự việc khiến 16 hộ (gồm 75 nhân khẩu) trong thôn đập phá nhà cửa, bỏ làng ra đi, cũng chỉ vì sự mù quáng khi tin vào những lời bói toán rằng, trong làng đang có “ma ám”!?

    Già làng thôn Bút Tưa, A Lăng Vân cho biết: “Cuối tháng 12/2013, A Lăng Tròn (37 tuổi) bị tâm thần nên thắt cổ chết ngay trong nhà. Đến ngày 3/2 (tức mùng 4 Tết Giáp Ngọ), A Lăng Nghĩa (SN 1982) người có tiền sử mắc bệnh tâm thần nhiều năm cũng tự tử trong nhà mà chết. Nên người dân trong làng xuống dưới đồng bằng coi bói, thầy bói bảo trong làng có ma. Nếu người dân còn ở lại làng tiếp tục có ba người (gồm hai đàn ông, một phụ nữ) nữa sẽ chết. Nên, bà con bỏ làng ra đi, chỉ còn ba hộ ở lại và đến nay họ vẫn sống bình thường”.

    Được sự chỉ dẫn của ông A Lăng Điều (Trưởng thôn Bút Tưa), chúng tôi tìm đến nhà của ba hộ còn lại. Theo ghi nhận của chúng tôi, cuộc sống của các hộ nơi đây vẫn diễn ra bình thường. Khi biết có chúng tôi lên làm việc, anh A Lăng Tơi (43 tuổi), một trong những người quyết tâm ở lại làng mời chúng tôi vào nhà uống nước. Anh cho biết: “Từ ngày dân làng bỏ đi, anh và hai hộ còn lại vẫn sống bình thường, không có bất cứ điều gì xảy ra cả”.

    Những kiểu bói phổ biến nhất hiện nay là lên đồng, bói chỉ tay và bói bài. Thật ra các kiểu bói đều có một bộ sách là dựa vào tâm lý con người, phỏng đoán, không đúng chỗ này thì đúng chỗ kia. Các “thầy” chỉ cần đọc vẹt mấy cái đó rồi giả lên đồng, làm tiên, làm Phật ngồi nhà “phun châu nhả ngọc” ăn tiền rồi kêu “cứu đỗi chúng sinh”. Cái “đúng” ở đây có chăng chỉ là xuất phát từ tâm lý “Tự chấp nhận” của mỗi người? Như do quá tin vào lời phán của các“thầy”.

    Ông Trần Văn Tiên (xã Bình Lâm, huyện Hiệp Đức, Quảng Nam) ủ ê kể lại với chúng tôi: "Phải đợi hết năm nay mới được mua xe tải vì thầy bói phán rằng, nếu mua sớm thì sẽ gặp nạn..!”. Tương lai tốt xấu ra sao chưa thấy, nhưng nhiều tình huống trớ trêu vì bói toán đã xảy ra. Câu chuyện về những hệ lụy của coi bói, đã và đang gióng lên một hồi chuông báo động, về tình trạng cuồng tín đến mê muội của một bộ phận không nhỏ người dân hiện nay.

    Cái bẫy bói toán

    Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, thạc sỹ Nguyễn Anh Tuấn (giảng viên khoa Tâm lý, trường ĐH Tây Bắc) cho biết: "Do nhiều người gặp khó khăn trở ngại trong cuộc sống chưa có lối thoát nên không phân biệt được những lời phán đoán mù mờ với đời sống thực tế, nhận thức ranh giới giữa thú vui lấy may với mê tín dị đoan, là điều tưởng chừng như quá đơn giản với nhận thức của một số người.Thế nhưng, xem ra vẫn còn không ít bạn bị dẫn dụ bởi những lời nói hoàn toàn thiếu cơ sở khoa học, để phải rơi vào cái bẫy cũ mèm: Bị móc túi và chuốc lấy muộn phiền không đáng có...".

    NHÂN NGHĨA  - HUY QUANG

    Xem thêm clip: Cảnh báo: Mê tín dị đoan, chữa bệnh bằng bùa ngải

     
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/khi-tinh---tien-doi-non-theo-thay-boi-a91821.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan