Trong năm 2022, Pakistan từng hứng chịu đợt nắng nóng cực đoan kéo dài nhiều tháng, từ tháng 3 đến tháng 5. Nhưng chỉ vài tuần sau đó, quốc gia này tiếp trải qua đợt bão lũ kỷ lục. Những cơn mưa dữ dội đã khiến một 1/3 diện tích đất nước bị ngập lụt. Thiệt hại của trận lũ lụt lên tới 40 tỷ USD, gần 10% GDP hàng năm của Pakistan.
Điều đáng nói, "thủ phạm" gây ra những thảm hoạ này được xác định là biến đổi khí hậu. Đây là một hiện tượng do con người gây ra và đã khiến lượng mưa tăng lên 75%, khiến nguy cơ xảy ra sóng nhiệt cao gấp 30 lần.
Phát hiện này một lần nữa làm nổi bật nỗi thất vọng từ lâu đã "âm ỉ" ở Pakistan. M. Tariq Irfan - Bộ trưởng Môi trường của Pakistan, chia sẻ: "Chúng tôi chịu trách nhiệm chưa tới 1% lượng khí thải gây ra biến đổi khí hậu vậy mà chúng tôi vẫn phải hứng chịu hàng loạt thảm hoạ gây ra bởi hiện tượng này".
Pakistan gọi đây là sự "bất công về khí hậu", khi những quốc gia không có nhiều trách nhiệm gây ra biến đổi khí hậu lại phải hứng chịu những hậu quả thảm khốc.
Tại Hội nghị về biến đổi khí hậu COP27, diễn ra ở Ai Cập năm 2022, Pakistan và một nhóm các quốc gia đang phát triển khác đã kêu gọi các khoản tiền bù đắp những "tổn thất và thiệt hại" mà họ phải chịu do biến đổi khí hậu. Đó sẽ là một quỹ, được tài trợ bởi các quốc gia phát triển chịu trách nhiệm lớn nhất về việc gây ra biến đổi khí hậu. Quỹ này sẽ chi trả cho những thiệt hại do khí hậu gây ra ở những quốc gia ít chịu trách nhiệm cho hiện tượng này. Được biết, riêng Mỹ đã đóng góp tới 20% lượng khí thải gây ra biến đổi khí hậu, bao gồm cả CO2 và methane.
Saleemel Huq - Giám đốc Trung tâm Phát triển và Biến đổi Khí hậu Quốc tế ở Dhaka, Bangladesh, chia sẻ: "Đây là những tác động đang xảy ra ngoài khả năng thích ứng của chúng tôi. Chúng ta đã bước vào kỷ nguyên của mất mát và thiệt hại".
Với ông Huq và nhiều người khác từ các nước đang phát triển cho rằng đã đến lúc ngừng phớt lờ những lời kêu gọi về "công bằng với vấn đề khí hậu".
Trong năm qua, Scotland, Đan Mạch và một tỉnh ở Bỉ đã đóng góp vài triệu USD vào một quỹ nhân danh khí hậu. Đới Mỹ, sau nhiều năm đình trệ, nước này cùng nhiều quốc gia phát triển khác đã bắt đầu thảo luận về tổn thất và thiệt hại. Một đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng Washington cam kết "tham gia với tinh thần xây dựng".
Công bằng về vấn đề khí hậu
Vào đầu những năm 1990, một nhóm các quốc đảo có nền kinh tế thấp bao gồm Vanuatu và Barbados đã cùng nhau tổ chức một trong những cuộc họp quốc tế về khí hậu đầu tiên. Họ nói rằng các quốc gia nhỏ của họ có nguy cơ bị chìm khi mực nước biển dâng trong khi họ chỉ chịu trách nhiệm cho dưới 1% tổng lượng phát thải khí nhà kính gây ra biến đổi khí hậu.
Để bù đắp cho sự mất cân bằng đó, họ đã đề xuất một quỹ bảo hiểm quốc tế được tài trợ bởi các nước phát triển—chia cho những đóng góp tương đối của họ trong vấn đề khí hậu. Nước nào càng tạo ra nhiều khí thải nhà kính, càng phải đóng góp nhiều tiền.
Tuy nhiên, đề xuất này đã bị các nước phát triển thẳng thừng từ chối. Những quốc gia giàu có này sẵn sàng nói về việc cắt giảm khí thải, tài trợ cho những nỗ lực chống biến đổi khí hậu nhưng không muốn chi tiền chịu trách nhiệm cho hiện tượng mà họ góp phần gây ra.
Doreen Stabinsky, một chuyên gia chính sách môi trường tại Đại học Atlantic ở Maine, nói: "Các nước phát triển biết trách nhiệm của họ nhưng họ thật sự không muốn chi tiền cho những trách nhiệm này".
Dù vậy, nhóm các quốc đảo đã không bỏ cuộc. Họ tập hợp thêm nhiều đồng minh đang đối mặt với rủi ro lớn từ biến đổi khí hậu, từ mực nước biển dâng đến thời tiết khắc nghiệt và từ từ thúc đẩy trường hợp của họ. Tuy nhiên, phải đến năm 2013, hơn 20 năm sau, khái niệm này mới chính thức được đưa vào các hiệp ước khí hậu quốc tế. Tại COP19 ở Ba Lan, khái niệm này được gọi là "mất mát và thiệt hại", đề cập đến chi phí, cả về kinh tế và xã hội với các vấn đề do khí hậu gây ra.
Sau một vài năm đàm phán, "tổn thất và thiệt hại" đã được đưa vào một đoạn trong Thỏa thuận Paris mang tính bước ngoặt năm 2015. Nhưng chỉ mới dừng lại một lời hứa sẽ thảo luận về chủ đề này. Sau đó, tại cuộc họp năm 2021 ở Scotland, các nhà đàm phán đã yêu cầu thành lập quỹ bồi thường "tổn thất và thiệt hại". Tuy nhiên, cuộc họp lại một lần nữa kết thúc chỉ với những lời hứa sẽ tiếp tục trao đổi thêm.
Adelle Thomas, một chuyên gia về chính sách khí hậu tại Đại học Bahamas, nhận định: "Trong một thời gian dài, các nước đang phát triển đã tham dự các cuộc họp về khí hậu và phải sửng sốt. Giống như được thông báo rằng điều này không thực sự xảy ra hoặc bạn không thể chứng minh đó là do biến đổi khí hậu. Nhưng bây giờ bằng chứng đã tràn ngập. Những mất mát và thiệt hại đang xảy ra là điều không thể chối cãi".
Trong nhiều thập kỷ, các nhà khoa học đã biết biến đổi khí hậu có thể ảnh hưởng đến thời tiết nhưng họ không thể chỉ ra bất kỳ sự cố đơn lẻ nào gây ra tác động tiêu cực. Các mô hình máy tính mô phỏng khí hậu toàn cầu khi ấy chưa đủ chính xác để mô phỏng các sự kiện thời tiết riêng lẻ. Nhưng kể từ nghiên cứu của Anh năm 2003, điều đó đã thay đổi nhờ các mô hình khí hậu phát triển và những tiến bộ khoa học liên kết các mô hình khí hậu toàn cầu với thời tiết địa phương.
Các khoa học cũng đã bắt đầu các cuộc trò chuyện với các chủ đề "công bằng về vấn đề khí hậu". Sau thảm hoạ ở Pakistan, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi ủng hộ Pakistan. Khi ấy, ông đã nói: "Đây không phải vấn đề ở lòng hảo tâm mà là sự công bằng".
Câu hỏi bỏ ngỏ
Các nghiên cứu cho thấy lượng mưa của Pakistan cao hơn 75% so với mức đáng thông thường. Về mặt lý thuyết, thiệt hại do lượng nước mưa đó gây ra nên được phân chia giữa những người chịu trách nhiệm về biến đổi khí hậu như các nước phát triển. Ví dụ, Mỹ, nơi đã đóng góp khoảng 25% tổng lượng phát thải khí nhà kính kể từ khi bắt đầu cuộc cách mạng công nghiệp vào những năm 1850, có thể phải chịu trách nhiệm 25% chi phí.
Nhưng trên thực tế, việc phân chia trách nhiệm này phức tạp hơn nhiều. Nhiều quốc gia hoặc tập đoàn phát thải lớn, nói rằng những đóng góp của họ đối với biến đổi khí hậu không nhất thiết giống như trách nhiệm của họ trong việc khắc phục nó.
Nhiều nhà phát thải lớn lập luận rằng không thể liên kết trực tiếp lượng khí thải cụ thể của họ với bất kỳ kết quả hoặc sự kiện cụ thể nào, vì các loại khí như CO2 nhanh chóng lan rộng khắp bầu khí quyển và do đó không thể truy tìm nguồn gốc của bất kỳ phân tử cụ thể nào.
Dù vây, các phân tích gần đây đang dần bác bỏ lập luận đó. Vào tháng 8, một nhóm từ Đại học Dartmouth cho thấy họ có thể liên kết lượng khí thải của bất kỳ quốc gia nào trước đây với thiệt hại kinh tế gây ra ở những nơi khác. Họ phát hiện ra rằng lượng khí thải của Mỹ từ năm 1990 trở đi khiến phần còn lại của thế giới thiệt hại 1,8 nghìn tỷ USD.
Callahan, nhà nghiên cứu khí hậu tại Đại học Dartmouth và là tác giả chính của nghiên cứu cho biết: "Các nguồn phát thải không còn có thể bị phủ nhận. Các nguồn phát thải riêng lẻ có thể được xác định một cách định lượng đối với những thiệt hại đã gây ra".
Ông Thomas, nhà nghiên cứu đến từ Đại học Bahamas, nhận xét: "Chúng tôi đã có khoa học trong nhiều thập kỷ nay… chúng tôi có bằng chứng chắc chắn nhất rằng điều này là do hoạt động của con người và thủ phạm chính đã được biết rõ. Bây giờ, đó là một cuộc tranh luận về đạo đức, xã hội và chính trị. Câu hỏi bây giờ là, chúng ta sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào?".
Minh Hạnh(Theo National Geographic)